Đề xuất 3 giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế trong và sau dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức sáng 27/9 tại Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã bày tỏ nhiều quan điểm chuyên sâu, độc lập, nhiều góc nhìn mang tính xây dựng để phát triển kinh tế - xã hội trong và sau dịch Covid-19.
Toàn cảnh Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội sáng ngày 27/9/2021 - ảnh Thành Chung
Toàn cảnh Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội sáng ngày 27/9/2021 - ảnh Thành Chung

Tại Tọa đàm, TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay để phục hồi kinh tế chính là chuyển đổi mô hình chống dịch Covid-19 như thế nào. Mô hình chống dịch đúng trong năm 2020 nhưng đã kéo quá dài và gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã đề cập đến việc chuyển đổi mô hình chống dịch từ “Zero Covid” sang “sống chung với dịch”. Chúng ta không thể phong tỏa “cứng” nhiều tỉnh, thành trong cả nước trong thời gian dài như vừa qua được nữa. Nhưng quan điểm và hành động của các địa phương hiện đang rất khác nhau do người đứng đầu các địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để bùng phát dịch, hệ quả tất yếu là chỉ cần có vài ca nhiễm họ sẽ “khóa cứng” địa phương mình lại, từ đây gây đứt gãy các hoạt động kinh tế, xã hội. Theo ông Nguyễn Sỹ Dũng, khi chuyển đổi mô hình chống dịch, điều quan trọng nhất là phải mạch lạc trong chính sách và thực thi chính sách. Phân cấp, phân quyền là quan trọng nhưng ở thời điểm này mệnh lệnh phải từ Trung ương mới bảo đảm tính hệ thống được.

Đánh giá tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, đến nay, dù diễn biến dịch còn phức tạp, nhưng công tác phòng chống dịch đã có những chuyển biến cơ bản, đặc biệt là về công tác ngoại giao vaccine và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng cho người dân. Chính phủ vẫn hướng tới “mục tiêu kép”, song cũng lắng nghe, cân nhắc với tinh thần cầu thị với những đề xuất mới, như đề xuất cho phép các nhà máy trong khu công nghiệp duy trì sản xuất trong điều kiện bảo đảm phòng chống dịch, đề xuất cho phép doanh nghiệp chủ động nhập vaccine... Những kết quả kinh tế - xã hội đạt được trong những tháng đầu năm còn khoảng cách so với mục tiêu đề ra từ đầu năm, song cũng có những nét tích cực. Ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì, CPI bình quân 8 tháng năm 2021 tăng 1,79% so với bình quân cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm tăng trưởng tới 21,8% so với cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với những khó khăn, hệ lụy nghiêm trọng của dịch Covid-19.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, về giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 31/8/2021, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công năm 2021 kiểm soát qua Kho bạc Nhà nước chỉ bằng 41,7% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021 là 85,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Dù có nhiều nỗ lực cải thiện, công tác điều hành và chất lượng các văn bản chính sách hỗ trợ nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, bất cập. Một số biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế như giãn, hoãn thuế, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí,... chưa đủ “sức nặng” cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp, trong bối cảnh đầu ra của nền kinh tế còn khó khăn.

Tại Tọa đàm, đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng đề xuất, Việt Nam cần sớm xây dựng, thực hiện Chương trình tổng thể về phục hồi, phát triển kinh tế trong và sau dịch Covid-19 gồm 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (đến quý I/2022), cần ưu tiên phòng, chống dịch Covid-19, kết hợp với chính sách kinh tế vĩ mô (kể cả thúc đẩy giải ngân đầu tư công) để hỗ trợ cho doanh nghiệp “trụ vững” qua thời kỳ khó khăn và duy trì cải cách môi trường kinh doanh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Giai đoạn 2 (đến hết 2023), sau khi kiểm soát dịch Covid-19 thì phải tiến hành nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để kích cầu cho nền kinh tế, đồng thời tạo thêm “sức bật” cho doanh nghiệp.

Giai đoạn 3 (sau 2023) là bình thường hóa chính sách kinh tế vĩ mô, hướng tới củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn.

Chuyên đề