Ảnh minh họa: Internet |
Tuy vậy, ngành này được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại trong ngắn hạn do giá nguyên liệu đầu vào gia tăng. Đồng thời, việc siết chặt đấu thầu tập trung thuốc quốc gia trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng đến tiêu thụ thuốc điều trị trong bệnh viện (kênh ETC - bán hàng qua đấu thầu).
Theo khảo sát của Báo Đấu thầu, kết thúc năm 2018, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp dược lớn đang niêm yết trên sàn chứng khoán tăng trưởng chậm lại, thậm chí một doanh nghiệp lớn như Công ty CP Traphaco còn báo lợi nhuận sụt giảm. Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận ròng của Traphaco lần lượt đạt 1.797 tỷ đồng và 174,5 tỷ đồng, giảm tương ứng 4% và 33% so với năm 2017.
Ngoài trường hợp của Traphaco, các doanh nghiệp đầu ngành khác đều báo tăng trưởng nhưng dưới hai con số. Đơn cử như trường hợp của “ông lớn” Công ty CP Dược Hậu Giang. Cụ thể, kết thúc năm 2018, doanh thu của Dược Hậu Giang đạt 3.888 tỷ đồng, giảm 4% so với năm 2017 và chỉ hoàn thành 97% kế hoạch cả năm (4.017 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 1,4%, đạt 651,6 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp lớn khác là Công ty CP Pymepharco cũng chỉ báo tăng trưởng lợi nhuận năm 2018 ở mức 7,8%, đạt 309,3 tỷ đồng. Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với các doanh nghiệp đầu ngành như Công ty CP Xuất nhập khẩu y tế Domesco, Công ty CP Hóa - Dược phẩm Mekophar.
Chỉ có Công ty CP Dược phẩm IMEXPHARM, mặc dù báo tăng trưởng lợi nhuận ròng lên tới 21,3% (đạt 138,6 tỷ đồng) so với năm 2017, nhưng vẫn không hoàn thành kế hoạch đã đặt ra.
Khó khăn nhiều bề
Theo một báo cáo của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), ngành dược Việt Nam đang gặp khó khăn sau thời gian dài tăng trưởng ổn định. Nguyên nhân chính là do giá nguyên liệu diễn biến phức tạp, ảnh hưởng từ chính sách cải tổ môi trường ở Trung Quốc.
Cụ thể, hơn 90% nguyên liệu sản xuất tân dược hiện nay ở Việt Nam đều phải nhập khẩu, trong đó chiếm tỷ trọng cao nhất là nguyên liệu của Trung Quốc và Ấn Độ. Kể từ năm 2018, giá nguyên liệu sản xuất tân dược tăng lên đáng kể do Chính phủ Trung Quốc thực hiện những chính sách cải thiện môi trường khắt khe. Dự báo giá nguyên liệu dược nhiều khả năng sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian dài.
Bên cạnh đó, Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, quy định siết chặt về đấu thầu tập trung thuốc quốc gia trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ thuốc qua kênh ETC của công ty dược.
Cụ thể, Nghị quyết số 59/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2016 đặt mục tiêu siết chặt giá thuốc. Thay vì ủy quyền cho mỗi bệnh viện công tự tổ chức đấu thầu hoặc thu mua thuốc như trước đây, quy định đấu thầu giờ đây được phân làm 3 cấp: đấu thầu tập trung quốc gia, đấu thầu tỉnh và đấu thầu ở từng bệnh viện. Chiếm đến hơn 85% thị phần trong kênh ETC, khối bệnh viện công được xem là nơi tiêu thụ quan trọng nhất của các công ty dược phẩm. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam dù đã đạt tiêu chuẩn về năng lực sản xuất, nhưng vẫn khó cạnh tranh vào kênh ETC.
Mặc dù đều đưa ra nhận định tương đối không tích cực cho ngành dược trong năm 2019 và thậm chí cả năm 2020, cả hai công ty chứng khoán trên đều kỳ vọng việc siết chặt trong ngắn hạn sẽ giúp thị trường tốt đẹp hơn. Đấu thầu thuốc qua hệ thống công lập ngày càng minh bạch, sự gia tăng trong nhận thức về sức khỏe và sự ảnh hưởng ít hơn từ tá dược Trung Quốc sẽ tạo ra một ngành dược lành mạnh. Như vậy, những công ty trụ vững sẽ vượt lên mạnh mẽ và hợp nhất thị phần.