Đại học Luật TP HCM liên kết đào tạo khi chưa được phép

Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo kết luận Đại học Luật TP HCM hạch toán học phí chưa đúng quy định 29 tỷ đồng, liên kết đào tạo khi chưa được cấp phép.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Kết luận này được Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố tại trường Đại học Luật TP HCM, ngày 30/9. Việc thanh tra được thực hiện từ giữa tháng 7, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được hàng loạt đơn thư tố cáo lãnh đạo trường về công tác cán bộ, quản lý đào tạo.

Trường bị cho là có sai phạm trong việc thu học phí, tiền học lại, tiền học bổ sung hoàn thiện kiến thức của hệ vừa làm vừa học. Từ năm 2014 đến tháng 6/2019, Phòng Quản lý hệ vừa làm vừa học, Phòng Sau đại học báo cáo chênh lệch hơn 500 tín chỉ so với con số do Phòng Tài chính - kế toán làm căn cứ để xác định số tiền thu được.

Ngoài ra, số tiền học phí học lại hệ vừa làm vừa học, văn bằng 2 chính quy, sau trúng tuyển cao học... được thể hiện trên báo cáo tài chính chênh lệch 29 tỷ đồng so với dữ liệu trên phần mềm quản lý học phí được ghi nhận trong sổ sách kế toán. "Việc trường chưa hạch toán đầy đủ, kịp thời số tiền học phí đã thu được thời gian trên là chưa đúng quy định", thanh tra nêu.

Công tác quản lý quỹ tiền mặt của trường cũng chưa chặt chẽ. Một thủ quỹ của trường đã sử dụng tài khoản cá nhân để nhận 5 khoản tiền từ các đơn vị, cá nhân khác (tiền học lại, tiền học bổ sung, tiền lệ phí thi...). Sau khi nhận, người này đã rút ra để hoàn trả tạm ứng và nộp về trường. "Việc quản lý quỹ tuy chưa phát hiện thất thoát và sử dụng không đúng mục đích nhưng xét về mặt an toàn quỹ thì không đảm bảo, bởi lý do tiền chuyển về tài khoản cá nhân thì chủ tài khoản có quyền định đoạt", thanh tra kết luận và cho rằng "sai phạm này tạo dư luận không tốt".

Việc tuyển sinh, đào tạo trình độ thạc sĩ, đại học vừa làm vừa học, dạy ngoại ngữ, tin học của trường cũng có nhiều sai phạm. Trong thời kỳ thanh tra (năm 2014 đến tháng 6 năm nay), Đại học Luật TP HCM chủ trì phối hợp 14 đơn vị tuyển sinh, tổ chức đào tạo thạc sĩ với 5 ngành, 40 lớp.

Việc đào tạo ngoài cơ sở diễn ra tại 13 tỉnh Bình Dương, Khánh Hoà, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Kiên Giang... khi chưa có văn bản cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo là chưa đúng quy định.

Trong việc tuyển sinh đào tạo hệ vừa làm vừa học, trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu 378 sinh viên (52,5%) năm 2016; vượt 249 sinh viên (43,6%) năm 2017 so với chỉ tiêu theo thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong các năm 2014, 2015, 2016, trường tuyển sinh, đào tạo trình độ đại học ngành Luật (văn bằng 2, hệ vừa làm vừa học) cho hơn 1.300 sinh viên khi chưa có văn bản cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo là không đúng quy định. Trường cũng thực hiện đào tạo 19 lớp vừa làm vừa học khi chưa có văn bản cho phép liên kết đặt lớp đào tạo của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Trường được yêu cầu chấm dứt việc liên kết với một trung tâm ngoại ngữ khác tổ chức ôn tập, thi, cấp chứng chỉ tiếng Anh năng lực 6 bậc khi chưa được phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đại học Luật TP HCM cũng bị cho là vi phạm trong lĩnh vực tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ. Từ năm 2014-2019, trường bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 76 người, tuyển dụng 154 viên chức. Việc triển khai bổ nhiệm, tuyển dụng đúng quy trình, song nhiều hồ sơ thiếu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, nghiệp vụ sư phạm. Trong đó, 5 hồ sơ viên chức xét tuyển đặc cách sai quy định.

Hồi tháng 6, một nhóm giảng viên có thâm niên trường Đại học Luật TP HCM đã viết "tâm thư" gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị làm rõ và xử lý những vấn đề liên quan đến tình trạng bè cánh, quản trị tài chính và nhiều vấn đề khác.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sau đó lập tổ công tác làm việc với nhà trường về những phản ánh tiêu cực. Giữa tháng 7, Đại học Luật TP HCM cùng Đại học Điện lực trải qua đợt thanh tra.

Thành lập năm 1996, Đại học Luật TP HCM là cơ sở đào tạo luật lớn nhất phía Nam. Tháng 8 năm ngoái, Hiệu trưởng trường này là GS Mai Hồng Quỳ nghỉ hưu theo chế độ. Hiện, trường vẫn chưa có Hiệu trưởng mới, PGS Trần Hoàng Hải giữ cương vị Phó hiệu trưởng phụ trách.

Chuyên đề