Bóng đá Việt Nam đang gặt hái được những thành công rực rỡ với sự chèo lái của vị “thuyền trưởng” Park Hang Seo. Ảnh: Tiến Tuấn |
Những ngày này, hình ảnh huấn luyện viên (HLV) Park Hang Seo và chàng thủ môn gốc Việt Đặng Văn Lâm tràn ngập trên nhiều tờ báo Tết và các trang mạng xã hội. Sau thành công vang dội của bóng đá Việt Nam năm 2018, từ danh hiệu á quân giải U23 châu Á, hạng tư ASIAD 2018 và đỉnh cao là chức vô địch Đông Nam Á sau đúng một thập kỷ mòn mỏi chờ đợi, không nghi ngờ gì nữa khi khẳng định đây là giai đoạn thành công nhất từ trước đến nay của bóng đá Việt Nam với sự chèo lái của vị “thuyền trưởng” người Hàn Quốc.
Cũng như các lĩnh vực đầu tư, việc khai thác nguồn “ngoại lực”, đặc biệt là HLV ngoại và phần nào là cầu thủ nhập tịch, cầu thủ ngoại gốc Việt cho đội tuyển quốc gia thời gian qua để lại nhiều kinh nghiệm và bài học quý giá, thậm chí là “xương máu” với bóng đá Việt Nam.
Thăng trầm cùng thầy ngoại
Năm 1991, lần đầu tiên đội tuyển Việt Nam chính thức tham dự sân chơi khu vực tại SEA Games 16 (lúc này chưa dành cho lứa U23) và nhanh chóng nhận thất bại. Kỳ SEA Games 17 (năm 1993) cũng không khá hơn là bao. Điểm tựu chung của hai giải đấu lớn này được Liên đoàn Bóng đã Việt Nam (VFF) đúc kết, đó là trình độ cầu thủ Việt Nam không cách xa các quốc gia hàng đầu khu vực, nhưng chúng ta thua bởi thiếu chuẩn bị và đội tuyển đều do các HLV nội dẫn dắt. Câu chuyện khai thác “ngoại lực” ở vị trí HLV trưởng đội tuyển được đặt ra nghiêm túc từ SEA Games 18.
Và kể từ thời điểm ký hợp đồng với HLV ngoại đầu tiên, ông Edson Tavares (Brazil) năm 1995 đến nay, bóng đá Việt Nam đã trải qua 13 đời HLV ngoại. Trong từng đó vị trí “thuyền trưởng”, số người được coi là thành công, đáng buồn lại chỉ hơn con số lẻ: 4 đời HLV, không kém, không hơn.
Vị thầy ngoại đầu tiên giúp nâng tầm bóng đá Việt Nam là ông Karl-Heinz Weigang (1995 - 1997), người trước khi đến Việt Nam từng thành công với bóng đá Malaysia. Dưới sự dẫn dắt của HLV lão làng người Đức, Việt Nam bất ngờ giành tấm Huy chương Bạc tại SEA Games 18 (1995), tiếp đó là Huy chương Đồng giải vô địch Đông Nam Á (Tiger Cup 1996), xác lập vị thế top đầu tại sân chơi khu vực. Bài học về sự chuyên nghiệp của ông còn được nhắc mãi, đó là ông cho tìm mua bằng được những cái đinh giày phù hợp với cầu thủ Việt tại Malaysia trong lần đội tuyển dự Tiger Cup 1996.
Vị HLV ngoại thứ hai mà người hâm mộ Việt Nam luôn quý mến và ông cũng coi Việt Nam như quê hương thứ hai là ông Alfred Riedl, người đưa “thế hệ vàng” của bóng đá Việt Nam có mặt trong 2 trận chung kết khu vực là AFF Cup 1998 và SEA Games 1999. Nhưng cái “vía” của ông thầy người Áo được coi “chuyên gia về nhì” khiến giấc mơ một lần lên đỉnh khu vực của “thế hệ vàng” Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh… chưa thành hiện thực, mà đỉnh cao tiếc nuối là việc “đánh rơi” chiếc cúp vàng ngay trên sân nhà năm 1998 (thua Singapore 0-1 trong trận chung kết, sau khi đã vượt qua “đại kình địch” Thái Lan 3-0 đầy thuyết phục ở bán kết).
Sự trở lại lần 2 của ông Alfred Riedl (2004 - 2007) giúp cho bóng đá Việt Nam ghi nhận hai kỳ tích: Thắng tuyển Hàn Quốc 1-0 trong một giải đấu chính thức (vòng loại Asian Cup 2004 tại Oman, nhờ bàn thắng của “cậu bé vàng” Phạm Văn Quyến), và lọt vào tứ kết Asian Cup 2007 khi Việt Nam được đăng cai một bảng đấu vòng chung kết trên sân nhà.
Phải đến khi bóng đá Việt Nam gắn bó với HLV Henrique Calisto (2008 - 2011), trái ngọt mới thực sự đến với bóng đá Việt Nam với chức vô địch AFF Cup 2008. Trước đó, ông Calisto từng đưa Câu lạc bộ Đồng Tâm Long An hai lần vô địch quốc gia, đưa đội tuyển Việt Nam đoạt Huy chương Đồng AFF Cup 2002 khi nắm tuyển theo kiểu “chữa cháy” ngắn hạn. Triết lý phòng ngự, phản công sắc sảo, dựa trên những con người cụ thể và nhất là sự am hiểu bóng đá Việt Nam sâu sắc đã giúp vị HLV đưa những tên tuổi: Như Thành, Phước Tứ, Công Vinh, Minh Phương, Tài Em… lên hàng ngôi sao của khu vực.
Sự xuất hiện của ông Park Hang Seo vào tháng 10/2017 (thời điểm bóng đá Việt Nam tuyệt vọng cùng cực sau thất bại tại SEA Games 29), nhờ cú “tầm sư học đạo” của VFF và bầu Đức sang tận xứ Hàn xa xôi, như cây đũa thần biến một đội tuyển rệu rã, một lứa cầu thủ tài năng nhưng nhiều lần phải cúi đầu rời sân trong tủi hổ, trở thành người chiến thắng, là thần tượng của giới trẻ và niềm tự hào của Việt Nam như chúng ta được thấy hôm nay. Không nghi ngờ gì nữa khi khẳng định ông Park Hang Seo là vị thầy ngoại thành công nhất của bóng đá Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại.
Xen giữa 4 đời HLV ngoại thành công nói trên là những HLV để lại cho bóng đá Việt Nam các bài học về sự thất bại ở từng mức độ khác nhau. Việc thiếu thông tin, dựa nhiều vào những hồ sơ xin việc đẹp đẽ và cả cách tìm người tài kiểu “há miệng chờ sung” của VFF khiến những cái tên như Colin Murphy, Letard, Dido, Edson Tavares (lần 2), Falko Goetz, Miura… không chỉ khiến đội tuyển thụt lùi mà còn “tiền mất, tật mang”.
Nếu như HLV người Anh Colin Murphy (1997) hướng đội tuyển theo lối chơi Anglo Saxon, tạt cánh, đánh đầu không phù hợp với thể chất cầu thủ Việt, thì trình độ của ông Dido (Brazil) chỉ xứng đáng là một thầy giáo cấp hai. Với HLV Letard, ngay hàng xóm của ông này tại Pháp cũng không biết ông ta là HLV bóng đá. Do quá ấn tượng về 42 ngày dẫn dắt tuyển Việt Nam năm 1995 và bị “mê dụ” bởi những viên kẹo màu xanh (chứa vitamin) giúp tăng thể lực cầu thủ, mà VFF bằng mọi cách mời lại ông Edson Tavares sau 9 năm mà không biết rằng, “bùa phép” của HLV này đã hết và ông thực sự là “thảm họa” của đội tuyển tại AFF Cup 2004 trên sân nhà. Các thời HLV Falko Goetz (Đức), Miura (Nhật Bản) đều không thành công bởi sự áp đặt lối chơi “trái gu” cho đội tuyển…
Theo chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh, điểm chung của 2 HLV được coi là thành công nhất với bóng đá Việt Nam: Henrique Calisto và Park Hang Seo là tìm ra lối chơi riêng của bóng đá Việt, đó là phòng ngự, phản công chủ động. Ông Vinh khẳng định, đây là lối đá thông minh và rất “thuần Việt” được ông Calisto xác lập, còn ông Park làm phong phú, hiện đại thêm, từ đó đã khai thác hết tố chất, kỹ thuật của cầu thủ Việt mà những năm tới, để thành công, bóng đá Việt Nam vẫn phải chơi theo kiểu này. Mong rằng điều này sớm được VFF đúc kết để có một chiến lược xây dựng bản sắc riêng, thống nhất từ các lứa U của đội tuyển, như những nền bóng đá hàng đầu châu lục là Nhật Bản, Hàn Quốc đang làm.
Chọn lựa nguồn cầu thủ ngoại
Trong hai thập kỷ qua, bóng đá Đông Nam Á có một làn sóng dùng cầu thủ nhập tịch, cầu thủ gốc ngoại và một số nước đã thành công như Singapore và Philippines. Tại Việt Nam, câu chuyện huy động nguồn “ngoại lực” này cho tuyển từng khá nóng hổi. Năm 2011, do sốt sắng với thành tích, các cầu thủ nhập tịch như Huỳnh Kesley Alves, Phan Văn Santost, Đinh Hoàng Max đã từng khoác áo tuyển trong một trận giao hữu. Tuy nhiên, với một dân tộc giàu lòng tự tôn, tự trọng, rất đề cao màu cờ sắc áo, thử tưởng tượng ngày 15/12/2018 vừa qua, Việt Nam vô địch AFF Cup với những cầu thủ châu Phi, châu Âu không hề mang dòng máu Việt, liệu những “làn sóng đỏ” có tự hào và sung sướng đến thế? Chắc chắn, câu trả lời là KHÔNG.
Tuy nhiên, với các cầu thủ có nguồn gốc Việt mà tiêu biểu là thủ thành Đặng Văn Lâm, vấn đề lại khác hoàn toàn. Không chỉ có bố là người Việt, khát vọng cống hiến cho quê hương của chàng trai trẻ Lâm “Tây” luôn cháy bỏng qua những lá thư bằng tiếng Việt gửi về quê hương cách đây 5 năm từng được hàng vạn người Việt Nam share trên mạng. Hình ảnh Văn Lâm ôm cột gôn khóc nức nở trong niềm vui chiến thắng chắc chắn sẽ là khoảnh khắc xúc động, tự hào của một người Việt trẻ yêu nước, vượt khó và thành công đúng nghĩa trong kỷ nguyên toàn cầu hoá. Hình ảnh đó chắc chắn cũng sẽ lay động hàng triệu người Việt khắp 5 châu nhớ về Tổ quốc, mong muốn góp sức dựng xây đất nước không chỉ riêng ở lĩnh vực bóng đá. Mong rằng, thành công của Văn Lâm sẽ là cơ sở để VFF tìm thêm các cầu thủ giỏi trong 2 triệu Việt kiều sinh sống ở nước ngoài, góp phần nâng tầm bóng đá Việt Nam.