Bộ Tài chính: Tăng khung thuế môi trường để đảm bảo lợi ích quốc gia

Nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp vào tháng 10 tới, khung thuế bảo vệ môi trường sẽ tăng lên mức tối đa 8.000 đồng một lít, gấp đôi so với hiện tại. 

Thông tin này được lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết tại cuộc họp diễn ra cuối tuần qua. Theo dự thảo Luật thuế bảo vệ môi trường sửa đổi được Bộ Tài chính xây dựng, hoàn thiện và sẽ được Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp vào tháng 10/2017, thì khung thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng sẽ tăng lên 3.000 - 8.000 đồng một lít (tối thiểu - tối đa), thay vì 1.000 - 4.000 đồng hiện nay.

Bộ Tài chính cũng cho hay, hiện giá xăng dầu Việt Nam đang thấp hơn 136 nước, tỷ lệ thuế trên giá bán xăng dầu cũng thấp hơn nhiều nước. Đơn cử, giá xăng dầu Việt Nam hiện đang thấp hơn Lào khoảng 4.766 đồng một lít, Singapore 17.270 đồng một lít, hay Hong Kong là 27.038 đồng một lít... Ngoài ra, tỷ lệ thuế trên giá bán xăng dầu tại Việt Nam, theo Bộ Tài chính, cũng thấp hơn nhiều nước. 

"Việc tăng khung thuế này để đảm bảo lợi ích quốc gia trong bối cảnh hội nhập phải cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế; đối phó với giá biến động xăng dầu thế giới", lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, đồng thời cho biết khung thuế bảo vệ môi trường xăng dầu sẽ do Quốc hội quyết định, còn mức thuế cụ thể sẽ do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết dựa trên điều kiện kinh tế xã hội, diễn biến thị trường cụ thể. Tuy vậy, khung thuế này chưa tác động tới giá bán lẻ trong nước ngay trong năm nay, do nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp vào tháng 10 tới thì sang năm 2018 mức thuế bảo vệ môi trường mới mới có hiệu lực.

bo-tai-chinh-tang-khung-thue-moi-truong-de-dam-bao-loi-ich-quoc-gia
Khung thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ tăng lên mức mới 3.000 - 8.000 đồng một lít nếu Luật thuế bảo vệ môi trường sửa đổi được thông qua tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 tới.

Trong nhiều văn bản góp ý về sửa đổi Luật thuế bảo vệ môi trường trước đây, các Bộ, ngành, Hiệp hội đều cho rằng, xét về lâu dài việc nới khung thuế này nhằm đảm bảo thu ngân sách sẽ là giải pháp "lợi bất cập hại". Riêng với mặt hàng xăng, gánh nặng thuế, phí trên mỗi lít xăng sẽ tăng tới 13% nếu tăng kịch trần theo khung mới. Cụ thể, với mức thu thuế môi trường với xăng là 3.000 đồng một lít, cơ cấu giá mỗi lít xăng đang phải "cõng" khoảng 46% thuế, phí. Tỷ lệ này có thể tăng lên tới 59% trong trường hợp tăng thuế môi trường lên “kịch” khung đề xuất là 8.000 đồng một lít.

Đồng tình với quan điểm Nhà nước dùng các công cụ kinh tế như thuế, phí để bảo vệ môi trường, song ông Nguyễn Minh Đức - Ban pháp chế (VCCI) đặt vấn đề "không thể lấy cớ bù hụt thu ngân sách bằng cách nâng khung thuế với xăng, dầu". Bởi theo vị này, ngoài xăng dầu còn nhiều mặt hàng mà việc sử dụng nó cũng gây ô nhiễm môi trường không kém, chẳng hạn than, song lại không bị đánh thuế cao như xăng dầu. Hiện thuế với than chỉ bằng khoảng 1/400 của xăng (quy đổi theo tấn), là chưa hợp lý.

Theo số liệu của Bộ Tài chính về tình hình thực hiện Luật thuế bảo vệ môi trường 5 năm qua, trong khi khoản thu từ nguồn thuế này tăng 4 lần thì chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường tăng chưa tới 1,4 lần.

Cụ thể năm 2012, số thu từ thuế bảo vệ môi trường là 11.160 tỷ đồng, đã tăng lên mức 42.393 tỷ đồng vào năm 2016, tương đương tăng 4 lần trong vòng 5 năm. Con số này có được là nhờ tăng thuế môi trường với xăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng một lít hồi giữa năm 2015.

Ngược lại, số chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường lại tăng không đáng kể, từ 9.000 tỷ đồng năm 2012 lên 12.290 tỷ đồng sau 5 năm và chỉ chiếm khoảng 1% ngân sách.

Như vậy, trong lúc thuế môi trường thu 4 đồng thì khoản chi ra cho việc bảo vệ môi trường chỉ khoảng một đồng. Điều này khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi về hiệu quả sử dụng số thu thuế trên có thực sự để phục vụ mục đích bảo vệ môi trường.

Chuyên đề