Bản tin thời sự sáng 9/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM thành "vùng xanh”; công trường khai thác đất sét trái phép ở Quảng Ninh; cựu thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường nộp khắc phục 1,8 tỷ đồng; TP.HCM cố gắng chạy thương mại tuyến metro số 1 trong năm 2023; vận chuyển trái phép 1,7 kg vàng qua cửa khẩu…

TP.HCM thành "vùng xanh”

Lần đầu tiên dịch tại Thành phố ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp) sau hơn 3 tháng mở cửa và chỉ còn 4 quận, huyện là "vùng vàng".

Bản đồ cấp độ dịch tại 22 quận huyện

Bản đồ cấp độ dịch tại 22 quận huyện

Theo công bố của UBND TP.HCM, từ ngày 31/12/2021 đến 6/1/2022 số ca Covid-19 ở Thành phố là 3.244 (tuần trước là 4.087). Với dân số hơn 9,1 triệu người, tổng số ca mắc mới trong cộng đồng tại Thành phố tuần qua là 40 (ở mức độ 1 theo tiêu chí của Bộ Y tế là 20-<50).

Đối với tiêu chí 2, hết ngày 23/12 toàn bộ người trên 18 tuổi tại TP HCM đã tiêm ít nhất một mũi vaccine (đạt trên 70% theo tiêu chí Bộ Y tế) và hơn 99,9% người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Với tiêu chí thứ 3 - đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám chữa bệnh theo các tuyến, TP.HCM có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị và đảm bảo số giường hồi sức, cấp cứu (ICU) tại các cơ sở khám, chữa bệnh; sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ 4.

Công trường khai thác đất sét trái phép ở Quảng Ninh

Nhiều máy xúc cùng hàng chục xe tải hoạt động rầm rộ ở công trường khai thác đất sét trái phép quy mô lớn trên địa bàn thị xã Đông Triều (Quảng Ninh).

Khu vực khai thác đất sét trái phép tại suối Quán Vuông, xã Bình Khê (thị xã Đông Triều)

Khu vực khai thác đất sét trái phép tại suối Quán Vuông, xã Bình Khê (thị xã Đông Triều)

Những ngày qua, khu vực suối Quán Vuông, xã Bình Khê (thị xã Đông Triều) trở thành đại công trường bởi hoạt động khai thác đất sét; tiếng máy xúc, tiếng xe tải vang suốt ngày đêm trên diện tích rộng nhiều ha.

Khu vực này nằm cách đường trục chính của Xã khoảng 1 km, xung quanh là hàng keo, bạch đàn và đất nông nghiệp của người dân. Bên trong có hai điểm bị đào bới nằm cách nhau khoảng 700 m. Tại mỗi điểm, lớp đất trên bề mặt được gạt sang hai bên để lấy đất sét ở bên dưới. Hàng chục chiếc xe tải thay nhau vận chuyển đất sét ra ngoài.

Dọc tuyến đường vào điểm khai thác có nhiều người đứng cảnh giới, khi phát hiện người lạ đi xuống suối Quán Vuông, họ lập tức gọi điện thông báo vào bên trong công trường. Nơi được cảnh giới nghiêm ngặt nhất cách công trường gần 100 m, thường có từ 2 đến 3 thanh niên đứng chặn không cho người lạ ra vào.

Vận chuyển trái phép 1,7 kg vàng qua cửa khẩu

Trên trần xe, tài xế Chiến giấu hơn 1,7 kg vàng, 2,1 kg bạc và 10.000 USD mà không khai báo khi nhập cảnh qua cửa khẩu Lao Bảo.

Hải quan Lao Bảo kiểm tra tang vật

Hải quan Lao Bảo kiểm tra tang vật

Ngày 8/1, công an huyện Hướng Hóa cho biết đã tiếp nhận tang vật, hồ sơ để tiếp tục điều tra vụ Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới.

Trước đó, ông Nguyễn Hữu Chiến lái xe tải nhập cảnh từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Kiểm tra xe, hải quan Lao Bảo phát hiện ở trần xe có 2 gói hàng hóa chứa 197 miếng, vòng, sợi kim loại nghi là vàng, bạc và 100 tờ tiền giấy ngoại tệ. Tài xế Chiến không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của các loại hàng hóa nêu trên.

Nhà chức trách xác định tài xế không khai báo, không thực hiện thủ tục hải quan, vi phạm quy định về kiểm soát hải quan, vận chuyển trái phép hàng hóa, ngoại tệ qua biên giới.

Theo kết luận giám định của Phân viện Khoa học hình sự tại Đà Nẵng, tang vật kim loại gồm hơn 1,7 kg vàng, hơn 2,1 kg bạc và 100 tờ tiền USD, mệnh giá 100 USD mỗi tờ. Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự của UBND huyện Hướng Hóa xác định trị giá tang vật là 2,945 tỷ đồng.

Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo khởi tố vụ án hình sự vụ án vận chuyển vàng bạc, ngoại tệ qua biên giới mà không khai báo.

Cựu thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường nộp khắc phục 1,8 tỷ đồng

Bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 50 tỷ đồng do thiếu trách nhiệm xét duyệt, thu hồi, tiêu hủy thuốc giả, ông Trương Quốc Cường nộp 1,8 tỷ đồng khắc phục hậu quả.

Ông Trương Quốc Cường

Ông Trương Quốc Cường

Thông tin trên được VKSND Tối cao nêu trong cáo trạng vừa công bố. Trong vụ án, ông Cường cùng Lê Đình Thanh (cựu cán bộ hải quan TP.HCM) và Nguyễn Việt Hùng (nguyên Cục phó Quản lý Dược) bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Nguyễn Thị Thu Thủy (cựu Phó phòng thuộc Cục quản lý Dược) và Phạm Hồng Châu (cựu trưởng Phòng đăng ký thuốc) bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

9 người khác bị đề nghị truy tố về tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, theo điều 157, Bộ luật Hình sự năm 1999, trong đó có Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma) và Võ Mạnh Cường (cựu giám đốc Công ty H&C).

Cáo trạng xác định, năm 2008 - 2010, Nguyễn Lê Xuân Khang bàn với Hùng việc lập hồ sơ các thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada để Công ty Cudupha, Công ty Vimedimex đứng tên xin cấp số đăng ký. Thực tế, hồ sơ thuốc đều là giả nhưng do một số cán bộ của Cục Quản lý Dược "thiếu trách nhiệm hoặc có động cơ cá nhân" đã làm trái công vụ trong quá trình thẩm định, xét duyệt. Vì thế, 7 loại thuốc: Extrafovir; Kaderox-250; Kafotax-1000; MGP Axinex-1000, MGP Mosinase-625, H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin mang nhãn mác Health 2000 Canada đã được cấp số đăng ký.

Sau khi các thuốc trên được cấp số đăng ký, Hùng cùng Khang, Võ Mạnh Cường cùng các nhân viên Công ty VN Pharma, Công ty H&C và một số người khác buôn bán, nhập khẩu, thông quan một số lượng lớn vào Việt Nam. Giá được nâng khống; các hợp đồng và phụ lục hợp đồng mua bán, chứng từ được làm giả.

Tổng lượng thuốc nhập hơn 800.000 hộp, tổng trị giá hơn 1.2 triệu USD, tương đương 26 tỷ đồng, được nâng khống thành hơn 2,5 triệu USD, tương đương 54 tỷ đồng. Số thuốc giả này đã được Công ty VN Pharma bán cho các doanh nghiệp, bệnh viện, nhà thuốc tổng hơn 600.000 hộp, thu lợi bất chính hơn 31,5 tỷ đồng.

Trong vụ án này, cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường, khi đó là Cục trưởng Quản lý Dược, Phó Chủ tịch thường trực, bị cáo buộc thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm được giao. Ông thiếu giám sát dẫn đến hậu quả 6/7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 được nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam, với trị giá hơn 148 tỷ đồng.

Nhà chức trách cáo buộc, dù nhận được nhiều thông tin về thuốc Health 2000 Canada là không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ông Cường không chỉ đạo đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy. Điều này dẫn đến hậu quả các cơ sở y tế trong nước tiếp tục sử dụng Health 2000 Canada để điều trị, tổng trị giá hơn 3,7 tỷ đồng.

Đầu tư 840 tỷ đồng xây dựng 6 cống cấp nước ngọt cho hơn một triệu dân

6 cống trữ ngọt, ngăn mặn dọc sông Tiền được đầu tư, tổng kinh phí hơn 840 tỷ đồng, hoàn thành cuối năm 2023, được tỉnh Tiền Giang khởi công ngày 8/1.

Công nhân thi công tại cống Phú Phong

Công nhân thi công tại cống Phú Phong

Dự án 6 cống tại đầu các kênh, rạch thông ra sông Tiền, nằm trên Đường tỉnh 864. Sáu cống gồm Rạch Gầm, Phú Phong, Mù U (Châu Thành) và Cây Còng, Cái Sơn, Hai Tân (Cai Lậy).

Cống được thiết kế lộ thiên, bê tông cốt thép, rộng 10 - 50 m, đóng mở cửa van bằng hệ thống thủy lực. Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang làm chủ đầu tư, từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương.

Các cống có nhiệm vụ ngăn mặn, trữ ngọt cho 128.000 ha cây ăn trái và lúa, cung cấp nước ngọt cho hơn 1,1 triệu dân hai tỉnh Tiền Giang và Long An vào mùa khô hạn.

Hai cống Rạch Gầm, Phú Phong sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trong tháng 6/2023, 4 cống còn lại dự kiến xong vào cuối năm 2023.

Ngoài ra, Tỉnh cũng xây dựng 28 cống nhỏ dọc sông Tiền. Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cho hay, mỗi năm Tỉnh tốn hàng chục tỷ đồng thi công các đập thép tạm ngăn mặn, khi có hệ thống cống sẽ tiết kiệm được chi phí này.

TP.HCM cố gắng chạy thương mại tuyến metro số 1 trong năm 2023

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố cố gắng hoàn thành tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) cuối năm nay hoặc chậm lắm là đầu năm sau để chạy thương mại trong năm 2023.

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hoàn thành hơn 88,52% khối lượng

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hoàn thành hơn 88,52% khối lượng

Theo ông Phan Văn Mãi, trong năm 2022, TP.HCM sẽ tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ Dự án Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Cố gắng hoàn thành tuyến metro số 1 cuối năm nay hoặc chậm lắm là đầu năm sau để chạy thương mại trong năm 2023.

Theo báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) - chủ đầu tư, tính đến hết năm 2021, Dự án Tuyến metro số 1 đã hoàn thành 88,52% khối lượng. Hiện cả 4 gói thầu chính của Dự án đều chậm tiến độ.

Trong đó, Gói thầu 1a (Nhà ga Bến Thành và đoạn hầm ngầm trên đường Lê Lợi) đạt 95%; Gói thầu 1b (Đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son) khối lượng thực hiện đạt 98,9,1%; Gói thầu số 2 (Đoạn trên cao và depot) đạt 94,5% khối lượng thực hiện và Gói thầu số 3 (Mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng về thiết bị) hiện khối lượng thực hiện đạt 75%.

Theo Quyết định phê duyệt điều chỉnh Dự án Tuyến metro số 1 của UBND TP.HCM tháng 11/2019, thời gian hoàn thành công trình đưa vào khai thác là quý 4/2021.

Hiện liên danh NJPT (tư vấn chung của Dự án) đang phối hợp với các nhà thầu rà soát chi tiết từng ảnh hưởng cụ thể của dịch COVID-19 đến tiến độ Dự án và xây dựng tiến độ chi tiết. Theo đó, đánh giá bước đầu về thời gian dự kiến hoàn thành công tác thi công, lắp đặt đưa Dự án Tuyến metro số 1 vào vận hành là cuối năm 2023.

Chuyên đề