Bản tin thời sự sáng 4/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất vay 10.200 tỷ đồng mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành; miền Bắc sắp đón gió mùa đông bắc vào khoảng ngày 10 - 11/10; TP.HCM được phân bổ thêm hơn 1 triệu liều vaccine AstraZeneca; các cơ sở kinh doanh du lịch tại Khánh Hòa được đón khách ngoại tỉnh từ 16/10; triệt phá đường dây đánh bạc 1.500 tỷ đồng, thu giữ nhiều ôtô hạng sang…

Đề xuất vay 10.200 tỷ đồng mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành

Kinh phí mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ước tính gần 13.000 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA khoảng 446 triệu USD, còn lại vốn đối ứng từ Chính phủ.

Phương án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Phương án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Nội dung đề cập trong tờ trình đề xuất dự án đầu tư mở rộng tuyến cao tốc nêu trên, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), được Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận vừa trình Bộ Giao thông vận tải.

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận là cơ quan được giao nghiên cứu, đề xuất đầu tư dự án này. Với hơn 446 triệu USD (hơn 10.200 tỷ đồng) vốn vay ODA từ JICA, dự kiến chiếm 79% tổng mức đầu tư dự án. Nguồn này được đề xuất cho các hạng mục: chi phí xây dựng, thiết bị (100% trước thuế); tư vấn thiết kế kỹ thuật, giám sát; chi phí dự phòng...

Phần vốn đối ứng của Chính phủ dự kiến hơn 2.700 tỷ đồng (hơn 120 triệu USD), được nghiên cứu sử dụng cho các hạng mục: thuế VAT (của chi phí xây lắp và chi phí dự phòng), giải phóng mặt bằng, quản lý dự án, tư vấn, chi phí dự phòng và lãi vay...

Đoạn mở rộng được đề xuất làm trên chiều dài gần 24 km trong tổng 55 km toàn tuyến. Điểm đầu Dự án nằm sau nút giao An Phú (TP. Thủ Đức, TP.HCM), điểm cuối tại vị trí giao dự kiến với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (huyện Long Thành, Đồng Nai). Trong đó, đoạn đi qua TP.HCM dài hơn 11,7 km, còn lại gần 12 km thuộc địa phận Đồng Nai.

Dự án mở rộng đường từ 4 lên 8 làn xe, tốc độ 100 - 120 km/h. Riêng hai cầu lớn trên tuyến gồm cầu Sông Tắc và Long Thành, lần lượt được đề xuất mở rộng lên 10 và 9 làn. Phần còn lại từ Long Thành đến Dầu Giây, dài 31 km giữ nguyên 4 làn như hiện nay.

Miền Bắc sắp đón gió mùa đông bắc vào khoảng ngày 10 - 11/10

Gió mùa đông bắc gây ra đợt không khí lạnh mạnh đầu tiên sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ vào khoảng ngày 10 - 11/10.

Người dân Hà Nội sẽ đón gió mùa đông bắc vào khoảng ngày 10-11/10

Người dân Hà Nội sẽ đón gió mùa đông bắc vào khoảng ngày 10-11/10

Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia) Trần Quang Năng cho biết, gió mùa đông bắc tràn về khoảng ngày 10 - 11/10.

Theo ông Năng, trong tháng 10 sẽ có 2 - 3 đợt không khí lạnh làm nền nhiệt trung bình ban ngày ở Bắc Bộ xuống dưới 25 độ C. "Mùa đông năm nay sẽ lạnh hơn năm trước, rét đậm, rét hại có thể xuất hiện trước ngày 25/12", đại diện cơ quan khí tượng nhận định.

Dự báo cao điểm của mùa đông đến vào tháng 1/2022, và sẽ có khoảng 4 - 5 đợt không khí lạnh mạnh, gây rét đậm, rét hại diện rộng từ 4 - 6 ngày.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, ở miền Bắc mưa giảm trong ngày 4/10, nhưng từ thứ Ba (5/10) do ảnh hưởng của đới gió đông hoạt động mạnh nên sẽ có mưa rào, giông trở lại. Khu vực ven biển các tỉnh phía nam đồng bằng Bắc Bộ khả năng xuất hiện mưa to, duy trì đến hết ngày 7/10.

Miền Trung từ ngày 4/10 mưa sẽ tăng dần, trong các ngày từ 5 - 7/10 ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa to. Nhiệt độ các tỉnh miền Trung trong những ngày tới phổ biến dưới 34 độ C.

Nam Bộ và Tây Nguyên tuần tới có mưa giông, tập trung về chiều và tối. Nền nhiệt cao nhất trong ngày ở khu vực Tây Nguyên phổ biến 28 - 30 độ C, Nam Bộ từ 31 - 33 độ C.

TP.HCM được phân bổ thêm hơn 1 triệu liều vaccine AstraZeneca

Số lượng vaccine này nằm trong đợt phân bổ 50 và 51 của Bộ Y tế cho TP.HCM, Hà Nội và 5 tỉnh khác.

TP.HCM được phân bổ thêm hơn 1 triệu liều vaccine AstraZeneca

TP.HCM được phân bổ thêm hơn 1 triệu liều vaccine AstraZeneca

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa có quyết định phân bổ gần 3 triệu liều vaccine Covid-19 AstraZeneca cho TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh gồm Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là đợt phân bổ thứ 50 và 51.

Theo đó, đợt 50 phân bổ gần 400.000 liều vaccine Covid-19 AstraZeneca từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ Nhật cho Việt Nam (về đến TP.HCM sáng 25/9) cho TP. Hà Nội 100.800 liều; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 299.000 liều.

Đợt phân bổ 51 gồm có 2.599.400 liều vaccine từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ Đức (Việt Nam tiếp nhận ngày 27/9), TP.HCM được nhận 1.097.500 liều vaccine; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An nhận 400.000 liều; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai nhận 500.000 liều; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương nhận 400.000 liều; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tây Ninh nhận 100.000 liều.

Đến nay, Việt Nam tiếp cận khoảng hơn 61 triệu liều vaccine Covid-19 gồm AstraZeneca; Moderna; Vero Cell, Pfizer; Sputnik V; Abdala. Trong đó, lô vaccine về Việt Nam gần nhất là 1,5 triệu liều Pfizer do Mỹ tặng về đến nước ta chiều 2/10.

Hiện Bộ Y tế phân bổ khoảng hơn 56 triệu liều vaccine Covid-19 phục vụ nhu cầu tiêm chủng của các địa phương (tính đến ngày 30/9).

Cập nhật trên Cổng thông tin tiêm chủng vaccine Covid-19 cho biết, đến 12h ngày 3/10, 45.198.217 liều vaccine Covid-19 đã tiêm chủng. Riêng trong ngày 2/10, cả nước tiêm 1.392.218 liều, cao hơn gần 620.000 liều so với ngày 1/10 là 777. 256 liều vaccine.

Các cơ sở kinh doanh du lịch tại Khánh Hòa được đón khách ngoại tỉnh từ 16/10

Từ ngày 16/10 - 15/11, tất cả các cơ sở kinh doanh du lịch đáp ứng được quy định, tiêu chí an toàn với Covid-19 sẽ được đón khách du lịch trong và ngoài tỉnh.

Các cơ sở kinh doanh du lịch tại Khánh Hòa được đón khách ngoại tỉnh từ 16/10

Các cơ sở kinh doanh du lịch tại Khánh Hòa được đón khách ngoại tỉnh từ 16/10

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định ban hành Kế hoạch triển khai đón khách du lịch, thích ứng an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn Tỉnh. Theo đó, Kế hoạch được chia làm 3 giai đoạn.

Giai đoạn một từ ngày 1 - 15/10, tỉnh Khánh Hòa cho phép các cơ sở kinh doanh du lịch ở khu vực biệt lập đã đáp ứng được quy định, tiêu chí an toàn với Covid-19 do Sở Du lịch thẩm định được đón khách du lịch trong Tỉnh có "Thẻ xanh Covid-19", "Thẻ vàng Covid-19".

Giai đoạn hai từ ngày 16/10 - 15/11, tất cả các cơ sở kinh doanh du lịch đáp ứng được quy định, tiêu chí an toàn với Covid-19 sẽ được đón khách du lịch trong và ngoài Tỉnh có “Thẻ xanh Covid-19” hoặc “Thẻ vàng Covid-19”.

Giai đoạn ba từ ngày 16/11 - 31/12, tiếp tục đón khách nội địa. Các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, điểm tham quan du lịch được đón khách nội địa có “Thẻ xanh Covid-19”, “Thẻ vàng Covid-19”. 100% người lao động tại các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, điểm tham quan du lịch phải có “Thẻ xanh Covid-19” hoặc “Thẻ vàng Covid-19”.

Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa cũng dự kiến thí điểm đón khách du lịch quốc tế có "hộ chiếu vaccine" từ ngày 15/11 nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Đối tượng khách này, tỉnh Khánh Hòa dự kiến chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn một từ ngày 15/11 - 31/12, đón khách có “hộ chiếu vaccine” để nghỉ dưỡng ở các resort tại khu du lịch bắc Bán đảo Cam Ranh. Giai đoạn hai, từ ngày 1/1 - 31/3/2022 sẽ mở rộng ra các khu nghỉ dưỡng của Vinpearl trên đảo Hòn Tre, Khu du lịch Merperle Hòn Tằm, Khu du lịch Champa Island Nha Trang…

Đẩy nhanh tiến độ Dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm

UBND tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý chủ trương cho phép nhà đầu tư được lập phương án đào múc đất tạo mặt bằng tại 5 vị trí.

Dự án cao tốc Bắc Nam đoạn qua tỉnh Khánh Hòa đang thiếu vật liệu san lấp.

Dự án cao tốc Bắc Nam đoạn qua tỉnh Khánh Hòa đang thiếu vật liệu san lấp.

Dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đi qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa là dự án thành phần của Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang đối mặt nguy cơ chậm tiến độ. Nguyên nhân do thiếu hơn 80% vật liệu san lấp.

Sau khi nhận mặt bằng, từ tháng 6, các nhà thầu Dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm bắt đầu triển khai 5 mũi thi công đồng loạt trên toàn tuyến. Tuy nhiên, do thiếu vật liệu san đắp nền đường nên 3 mũi thi công đã tạm dừng.

Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm Nguyễn Văn Huy cho biết, các mỏ cung cấp đất đắp nền không cung ứng đủ nhu cầu Dự án. Đoạn tuyến này cần đến hơn 5,5 triệu m3 nhưng trước mắt các mỏ chỉ đáp ứng chưa tới 1 triệu khối.

Các mỏ đã được cấp phép về cơ bản đã khai thác gần hết, nếu tận thu lại để đắp các dự án thì chất lượng đất cũng không đảm bảo.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục công trình, nhất là trong giai đoạn mưa lũ đang đến gần, nhà đầu tư xin phép lập phương án cải tạo đất tại 5 vị trí đồi lân cận tuyến với lượng đất cải tạo dôi dư khoảng hơn 1 triệu m3.

Hiện UBND tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý chủ trương cho phép nhà đầu tư được lập phương án đào múc đất tạo mặt bằng tại 5 vị trí. Nhà đầu tư khẩn trương xây dựng phương án cụ thể về trữ lượng khai thác đối với từng vị trí, diện tích tận thu…

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, Tỉnh sẽ cấp phép, giao cho các nhà thầu trúng, tuyệt đối không được giao các mỏ đất cho tư nhân vì làm như thế sẽ đội giá thành lên...

Triệt phá đường dây đánh bạc 1.500 tỷ đồng, thu giữ nhiều ôtô hạng sang

18 đối tượng trong đường dây đánh bạc, tổ chức đánh bạc trên mạng Internet vừa bị bắt giữ để điều tra.

Nhiều ôtô hạng sang bị công an thu giữ

Nhiều ôtô hạng sang bị công an thu giữ

Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, đơn vị vừa bắt giữ Nguyễn Minh Thành (Hà Nội) cùng 17 nghi phạm khác trong đường dây đánh bạc, tổ chức đánh bạc và đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.

Tại cơ quan công an, Nguyễn Minh Thành khai có nhận thấy nhiều người thích chơi các game bài qua mạng nên đã nảy sinh ý định tổ chức đánh bạc bằng hình thức game bài đổi thưởng để thu lợi bất chính.

Theo đó, Nguyễn Minh Thành lên mạng tìm mua 1 mã nguồn game. Tiếp đó, Thành thuê Vũ Tiến Duy và Bùi Nhật Anh cùng xây dựng, chỉnh sửa phần mềm game bài và lấy tên là "SOCVIP". Ngoài ra, Thành thuê các đối tượng khác quản lý phần mềm game bài trên các nền tảng điện thoại và máy tính; chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội để thu hút người chơi tham gia đánh bạc trên ứng dụng.

Đầu năm 2020, nhóm của Thành đưa game bài "SOCVIP" vào hoạt động, sau đổi tên thành "SUMVIP", mở thêm 1 game bài mới đặt tên là "VUACLUB" hoạt động. Đến nay, cơ quan điều tra đã xác định được 160 đại lý cấp 1 và cấp 2 của 2 game bài, phụ trách việc mua, bán đổi thưởng cho các con bạc...

Theo lời khai của Thành tại cơ quan điều tra, ban đầu nhóm chỉ kiếm được dưới 100 triệu đồng/tháng nhưng đến thời điểm từ tháng 6 - 8/2021, doanh thu từ game bài tăng đột biến, có thể lên tới gần chục tỷ đồng/tháng.

Thống kê bước đầu cho thấy, 2 game bài do các đối tượng tạo ra đã thu hút hơn 6 triệu tài khoản tham gia đánh bạc, ước tính số tiền giao dịch lên tới khoảng 1.500 tỷ đồng.

Trong quá trình khám xét khẩn cấp nơi ở và nơi làm việc của Thành, cơ quan điều tra thu giữ 13 xe ôtô; 1 xe máy; hơn 9,3 tỷ đồng; 20.000 USD; 3 bộ trái phiếu của một công ty trị giá khoảng 5 tỷ đồng;… phong tỏa các tài khoản ngân hàng với số tiền khoảng 10 tỷ đồng, kê biên tài sản 6 căn hộ của các đối tượng đang điều tra trong vụ án.

Vạn Phát Hưng bị đình chỉ kinh doanh bất động sản 12 tháng

Công ty Vạn Phát Hưng bị phạt 300 triệu đồng, dừng các hoạt động kinh doanh bất động sản 12 tháng do vi phạm về đất đai tại Nhơn Đức (Nhà Bè).

Khu dân cư Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP.HCM

Khu dân cư Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP.HCM

Báo cáo tài chính bán niên soát xét của Công ty CP Vạn Phát Hưng bị kiểm toán lưu ý về quyết định xử phạt bổ sung liên quan đến Dự án Khu dân cư Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP.HCM. Doanh nghiệp này đã vi phạm quy định bán sản phẩm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền có văn bản xác nhận đủ điều kiện bán bất động sản hình thành trong tương lai, bị phạt 300 triệu đồng, đình chỉ hoạt động kinh doanh 12 tháng.

Lãnh đạo Vạn Phát Hưng cho biết, doanh nghiệp đã nộp phạt và khắc phục các vi phạm. Việc bị đình chỉ kinh doanh sẽ không ảnh hưởng đến quá trình thực hiện các thủ tục pháp lý cho các dự án.

Hồi tháng 4/2020, Chủ tịch UBND TP.HCM lúc đó là ông Nguyễn Thành Phong có ý kiến về kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong thực hiện Dự án Khu dân cư Nhơn Đức, huyện Nhà Bè do Vạn Phát Hưng làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 40 ha, gồm khu dân cư 9,3 ha và 2 trường đại học, được chấp thuận đầu tư năm 2015 nhưng hiện chưa hoàn thành bàn giao đưa công trình vào sử dụng, chưa quyết toán đầu tư.

Lãnh đạo Thành phố yêu cầu xác định nguyên nhân, trách nhiệm trong việc công ty chậm nộp tiền sử dụng đất, các sở ngành liên quan xác định lại phần diện tích đất do Nhà nước quản lý, tính thuế giá trị gia tăng và kiểm tra số tiền 658 tỷ đồng doanh nghiệp đã nhận từ 2 trường đại học.

Chuyên đề