Bản tin thời sự sáng 30/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội đề xuất chi 26.000 tỷ đồng xây hai cầu qua sông Hồng; đề xuất đầu tư hai dự án 4.800 tỷ đồng ở Hóc Môn; yêu cầu trong 10 ngày hoàn trả vỉa hè trên đường Trần Thủ Độ bị “băm nát”; 2 đầu nậu xăng ở TP.HCM và Long An bị bắt liên quan đường dây làm 200 triệu lít xăng giả…

Hà Nội đề xuất chi 26.000 tỷ đồng xây hai cầu qua sông Hồng

Thành phố Hà Nội đề xuất dùng ngân sách và nguồn đầu tư phù hợp khác để xây dựng cầu Tứ Liên và Thượng Cát, tổng vốn khoảng 26.000 tỷ đồng.

Cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn một) hoàn thành vào năm 2010, góp phần giải quyết nhu cầu giao thông đi lại giữa nội đô với các quận, huyện Long Biên, Gia Lâm

Cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn một) hoàn thành vào năm 2010, góp phần giải quyết nhu cầu giao thông đi lại giữa nội đô với các quận, huyện Long Biên, Gia Lâm

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh, Dự án cầu Tứ Liên có tổng mức đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng, cầu Thượng Cát khoảng 9.000 tỷ đồng. Trước đây, Thành phố đã kêu gọi đầu tư hai công trình này theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Nhưng hình thức đầu tư này đã bị hủy bỏ nên Thành phố đề xuất chủ trương chuyển đổi sang đầu tư công và hình thức đầu tư khác phù hợp.

Hiện nay, Hà Nội có 8 cầu qua sông Hồng gồm: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy (giai đoạn 1), Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên, Việt Trì - Ba Vì.

Theo quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050, sẽ xây dựng thêm 10 cầu qua sông Hồng: Hồng Hà, Mễ Sở (Vành đai 4), Thăng Long mới (Vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (Vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc). Đầu tháng 1/2021, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 với tổng đầu tư 2.500 tỷ đồng đã được khởi công.

Thành phố dự kiến tháng 6 sẽ hoàn thành quy hoạch phân khu thành phố sông Hồng. Trong đó, sông Hồng sẽ là trục giữa để phát triển hài hòa hai bên bờ sông.

Đề xuất đầu tư hai dự án 4.800 tỷ đồng ở Hóc Môn

Dự án cải tạo rạch Hóc Môn, đường song hành Phan Văn Hớn, được huyện Hóc Môn (TP.HCM) đề xuất đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng, để giảm ngập, kẹt xe cho khu vực.

Rạch Hóc Môn đoạn từ đường Tô Ký đến Lê Thị Hà

Rạch Hóc Môn đoạn từ đường Tô Ký đến Lê Thị Hà

Theo ông Nguyễn Trần Lộc, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình huyện Hóc Môn, Dự án cải tạo rạch Hóc Môn dự kiến đầu tư khoảng 1.140 tỷ đồng.

Theo đề xuất của huyện, việc cải tạo tuyến rạch này tách thành hai dự án thành phần. Dự án một thực hiện từ đường Tô Ký đến cầu Bến Nọc, dài khoảng 3,7 km, tổng vốn hơn 999 tỷ đồng. Khu vực này chia thành từng đoạn mở rộng, gia cố bờ; một số đoạn làm cống hộp và xây đường phía trên kết hợp trồng cây xanh. Dự án hai từ cầu Bến Nọc đến sông Rạch Tra, dài hơn 2,7 km, tổng vốn gần 140 tỷ đồng do tận dụng các mái kè hiện hữu và chủ yếu gia cố bờ, nạo vét.

Ngoài dự án này, huyện Hóc Môn cũng đề xuất làm tuyến song hành đường Phan Văn Hớn, thay vì nâng cấp đường hiện hữu. Tuyến này dự kiến xây dựng từ Quốc lộ 1 đến Vành đai 3, dài 8,5 km, rộng 30 m. Vốn đầu tư Dự án hơn 3.700 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng 1.764 tỷ đồng, còn lại bồi thường giải phóng mặt bằng.

Yêu cầu trong 10 ngày hoàn trả vỉa hè trên đường Trần Thủ Độ bị 'băm nát'

Ngày 29/3, lãnh đạo UBND quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã ký văn bản xử phạt, yêu cầu đơn vị tự ý đào hè trên đường Trần Thủ Độ hoàn trả mặt bằng như cũ.

Quận Hoàng Mai yêu cầu đơn vị băm nát vỉa hè phải trả như cũ trong 10 ngày

Quận Hoàng Mai yêu cầu đơn vị băm nát vỉa hè phải trả như cũ trong 10 ngày

Cụ thể, UBND quận Hoàng Mai ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối đối với Công ty CP Quốc tế Việt Hồng, địa chỉ tại số 58, đường Trần Nhân Tông, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật của đơn vị bị xử phạt là ông Nguyễn Xuân Tuyến, chức vụ Giám đốc vì “đã có các hành vi vi phạm hành chính cải tạo vỉa hè trái phép”.

Địa điểm Công ty CP Quốc tế Việt Hồng bị ra quyết định xử phạt là vỉa hè đường Trần Thủ Độ, đoạn trước Dự án Mitsubishi khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Xuân Nhã, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị (Thanh tra xây dựng) quận Hoàng Mai, vỉa hè phố Trần Thủ Độ và các tuyến phố chạy xung quanh tòa nhà Mitsubishi Việt Hồng - Hoàng Mai xây dựng tại khu đất có ký hiệu CC1 - Khu đô thị Pháp Vân, quận Hoàng Mai bị đào xới, cải tạo không có giấy phép.

Nội dung xử phạt, quyết định nêu rõ, với hành vi cải tạo vỉa hè không phép, Công ty CP Quốc tế Việt Hồng bị xử phạt mức 8 triệu đồng.

Ngoài ra, Công ty CP Quốc tế Việt Hồng còn bị áp dụng chế tài kèm theo là phải khắc phục hậu quả. Cụ thể, đơn vị này buộc phải khôi phục lại tình trạng vỉa hè như trước khi bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra. “Thời gian thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định này”, quyết định xử phạt ghi thời gian thực hiện.

2 đầu nậu xăng ở TP.HCM và Long An bị bắt liên quan đường dây làm 200 triệu lít xăng giả

Lê Hùng Phong và Đỗ Văn Ba bị Công an Đồng Nai bắt về hành vi Buôn lậu do liên quan đường dây làm 200 triệu lít xăng giả, ngày 29/3.

Cảnh sát khám xét một cây xăng trong chuyên án xăng giả tại TP.HCM

Cảnh sát khám xét một cây xăng trong chuyên án xăng giả tại TP.HCM

Hai người này điều hành Công ty TNHH Thương mại Huỳnh Khang (TP.HCM) và Doanh nghiệp tư nhân xăng dầu Bình Long (tỉnh Long An).

Động thái này được Công an Đồng Nai đưa ra sau khi phối hợp Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), Công an TP.HCM, Công an Long An bao vây 6 điểm kinh doanh xăng dầu, trụ sở làm việc của Phong và Ba.

Lực lượng chức năng thu giữ nhiều tài liệu, hóa đơn chứng từ và các chứng cứ liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả do Phan Thanh Hữu (TP.HCM) và Nguyễn Hữu Tứ (Vĩnh Long) cầm đầu.

Chuyên án 920G được Công an Đồng Nai lập cuối năm 2020 từ những phản ánh xăng kém chất lượng từ người dân. Với sự hỗ trợ của Cục cảnh sát Hình sự, hơn 500 cán bộ chiến sĩ từ nhiều hướng bất ngờ ập vào ụ nổi giữa sông Hậu, bắt quả tang nhiều người đang pha chế xăng giả.

Điều tra bước đầu xác định có hơn 200 triệu lít xăng giả được đưa ra thị trường từ tháng 8/2020 đến ngày 6/2.

Hiện, Công an Đồng Nai đã khởi tố 42 người về các tội Buôn lậu; Sản xuất buôn bán hàng giả; Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước. Trong đó, Ngô Văn Thụy (cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) bị điều tra hành vi Nhận hối lộ.

Tang vật thu giữ gồm: 10 tàu thủy, sáu xe bồn, 2,7 triệu lít xăng, 120 tỷ đồng, cùng nhiều tài sản có giá trị khác.

Hải Dương chuyển trạng thái bình thường mới từ 0h ngày 1/4

Tỉnh Hải Dương kết thúc phòng, chống dịch theo Chỉ thị 19, trở lại trạng thái bình thường mới từ 0h ngày 1/4.

Hải Dương chuyển trạng thái bình thường mới từ 0h ngày 1/4

Hải Dương chuyển trạng thái bình thường mới từ 0h ngày 1/4

Sáng ngày 29/3, tỉnh Hải Dương đưa ra quyết định toàn tỉnh chuyển sang trạng thái bình thường mới, vừa chủ động phòng chống dịch, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, vừa khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Từ ngày 1/4, tất cả học sinh các cấp bậc học từ mầm non đến THPT trên địa bàn Hải Dương trở lại trường học. Các trường tiếp tục dừng tổ chức hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống, các cuộc thi, giao lưu; việc tổ chức ăn bán trú cho học sinh các trường phải đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Đối với kỳ thi tuyển sinh vào 10, năm học 2021 - 2022, lãnh đạo tỉnh Hải Dương yêu cầu các trường lùi thời gian một tuần so với quy định.

Nhà hàng, quán ăn, quán cà phê được hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Các dịch vụ không thiết yếu như quán bar, vũ trường, karaoke, massage, gym, rạp chiếu phim, quán game tạm dừng hoạt động cho đến ngày 15/4. Các quán bia vỉa hè chưa được phép hoạt động.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu 3 địa phương là thành phố Hải Dương, Chí Linh và huyện Kim Thành chủ động áp dụng thêm một số biện pháp chặt chẽ hơn trong phòng, chống dịch.

Hà Nội mở thêm 3 tuyến buýt mới phủ sóng ra ngoại thành

Hàng loạt các tuyến buýt mới sẽ được Tổng công ty Vận tải Hà Nội mở để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô đồng thời góp phần giảm ùn tắc giao thông.

Phương tiện xe buýt mới 30 chỗ được phía Tổng công ty Vận tải Hà Nội vận hành cho 3 tuyến buýt mới mở

Phương tiện xe buýt mới 30 chỗ được phía Tổng công ty Vận tải Hà Nội vận hành cho 3 tuyến buýt mới mở

Căn cứ vào các quyết định của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) tiến hành vận hành, khai thác 3 tuyến xe buýt mới dự kiến từ ngày 1/4 tới đây.

Cụ thể, tuyến 114 lộ trình Bến xe Yên Nghĩa - Miếu Môn (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức) cự ly tuyến 22,9km; tần suất 20 - 25 - 30 phút/lượt. Đơn vị vận hành Xí nghiệp xe buýt nhanh BRT Hà Nội.

Tuyến 117 Hòa Lạc (Đại học FPT) - Nhổn (điểm trung chuyển Nhổn) cự ly tuyến 38,2km; tần suất 20 - 25 phút/lượt. Đơn vị vận hành Xí nghiệp xe buýt Cầu Bươu.

Tuyến 119 Hòa Lạc (Đại học FPT) - Bất Bạt (xã Sơn Đà, huyện Ba Vì) cự ly tuyến 42,3km; tần suất 20 - 25 phút/lượt. Đơn vị vận hành Xí nghiệp xe buýt Cầu Bươu.

Theo lãnh đạo Transerco, phương tiện vận hành các tuyến trên đều là xe 30 chỗ.

Chuyên đề