Bản tin thời sự sáng 20/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là nhiều dự án nhiệt điện Việt Nam mời thầu chỉ có các nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm, đề xuất chỉ định duy nhất Vietnam Airlines bay quốc tế trở lại….

Dự án nhiệt điện Việt Nam mời thầu, hầu hết doanh nghiệp Trung Quốc nộp hồ sơ

Tại Dự án Nhiệt điện Na Dương II và Nhiệt điện Quỳnh Lập 1, chủ đầu tư nhận được nhiều hồ sơ quan tâm, trong đó chủ yếu là của nhà đầu tư Trung Quốc.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, hiện nhiều dự án nhiệt điện của Việt Nam chủ yếu chỉ có các doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, hiện nhiều dự án nhiệt điện của Việt Nam chủ yếu chỉ có các doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm

Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực mới đây đã có báo cáo cập nhật tình hình thực hiện các dự án điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Theo báo cáo, với 62 dự án nguồn điện lớn có công suất trên 200MW thì chỉ 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ so với tiến độ nêu trong quy hoạch điện VII điều chỉnh. Với các công trình lưới điện, đã khởi công 196 công trình và đã hoàn thành đóng điện 192 công trình lưới điện 110 - 500 kV.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực cho hay, theo quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016 - 2020 trên toàn hệ thống là 21.650 MW.

Cụ thể, tại dự án nhiệt điện Na Dương II công suất 110 MW, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và theo đề nghị của một số nhà thầu mua hồ sơ, chủ đầu tư đã gia hạn thời gian đóng thầu lần 1 đến ngày 6/5 và lần 2 đến ngày 10/6. Sau thời gian kéo dài thời hạn, đến nay, đã có 16 nhà thầu mua hồ sơ mời thầu, hầu hết là nhà thầu Trung Quốc.

Với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 công suất 2x600 MW, đến nay, TKV nhận được 8 bộ hồ sơ quan tâm, trong đó có 7 nhà đầu tư Trung Quốc và 1 nhà đầu tư Việt Nam. Theo TKV, nếu lựa chọn được nhà đầu tư và được Thủ tướng chấp thuận vào cuối năm 2020, dự án có thể đưa vào vận hành vào năm 2026 - 2027.

Đề xuất chỉ định duy nhất Vietnam Airlines bay quốc tế trở lại

Cục Hàng không vừa gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phương án khôi phục những đường bay quốc tế, trong đó, đề xuất chỉ định duy nhất Vietnam Airlines thực hiện khai thác giai đoạn đầu.

Cục Hàng không vừa gửi Bộ GTVT phương án khôi phục những đường bay quốc tế, trong đó đề xuất chỉ định duy nhất Vietnam Airlines thực hiện khai thác giai đoạn đầu

Cục Hàng không vừa gửi Bộ GTVT phương án khôi phục những đường bay quốc tế, trong đó đề xuất chỉ định duy nhất Vietnam Airlines thực hiện khai thác giai đoạn đầu

Theo Cục Hàng không, đây là giai đoạn với tần suất khai thác chỉ 1 chuyến/tuần nhằm sử dụng hiệu quả nhân lực (phi công, tiếp viên) đang thực hiện các chuyến bay quốc tế đưa công dân về nước do Bộ Ngoại giao xây dựng.

Sau khi dịch bệnh được khống chế và các bên tăng tần suất, số đường bay thì tiếp tục xem xét chỉ định các hãng hàng không khác.

Để phù hợp với điều kiện địa lý, phân bổ khả năng cách ly, sự tương đồng về điểm đi/đến (Thủ đô, điểm cửa ngõ chính, điểm thứ cấp), Cục Hàng không đề xuất trong giai đoạn đầu mở đường bay Quảng Châu (Trung Quốc) - Đà Nẵng, Tokyo (Nhật Bản) - Hà Nội, Seoul (Hàn Quốc) - Hà Nội, Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc) - TP HCM, Vientiane (Lào) - Quảng Ninh, Phnom Pênh (Campuchia) - Cần Thơ.

Về thời điểm mở lại đường bay quốc tế, sau khi thống nhất phương án, Bộ GTVT sẽ làm việc với các đối tác để trao đổi cụ thể các điều kiện cho việc vận chuyển hành khách giữa hai bên. Dự kiến sớm nhất đầu tháng 8/2020 có thể thực hiện chuyến bay thường lệ đầu tiên.

Thủ đô Hà Nội ghi nhận đợt nắng nóng dài nhất trong 50 năm

Trong tháng 6, Bắc Bộ đã có 21 ngày nắng nóng diện rộng, riêng tại Hà Nội ghi nhận 26 ngày liên tiếp nắng nóng, đây là đợt nắng nóng kéo dài nhất ở các tỉnh Bắc Bộ tính từ năm 1971 đến nay.

Người dân che chắn kỹ lưỡng để đối phó với nắng nóng gay gắt

Người dân che chắn kỹ lưỡng để đối phó với nắng nóng gay gắt

Trong nhiều ngày qua, nắng nóng gay gắt đã và đang diễn ra ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ. Tại Thủ đô Hà Nội trong tháng 6 đã ghi nhận đợt nắng nóng dài nhất trong 5 thập kỷ qua.

Nắng nóng gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, nguy cơ cao về cháy rừng, đặc biệt ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Ngày 19/7/2020, ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ tiếp tục có nắng nóng gay gắt với nền nhiệt cao từ 35 - 39 độ C.

Theo thống kê của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong tháng 6/2020, các tỉnh Bắc Bộ đã có 21 ngày nắng nóng diện rộng, riêng tại Hà Nội ghi nhận đã có 26 ngày nắng nóng và đây được đánh giá là đợt nắng nóng kéo dài nhất ở các tỉnh Bắc Bộ từ năm 1971 đến nay.

Còn ở Trung Bộ, trong tháng Sáu có 27/31 ngày nắng nóng diện rộng, nhiệt độ phổ biến từ 36 - 39 độ C. Trong đó, huyện Đô Lương (Nghệ An) có nhiệt độ cao nhất là 41,2 độ C; huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) là 41,1 độ C.

Trong tháng Sáu đã ghi nhận nền nhiệt trung bình trên cả nước đều cao hơn so với nhiệt độ trung bình nhiều năm từ 1 - 2 độ C.

Trong nửa đầu tháng Bảy, các khu vực trên phạm vi toàn quốc có nhiệt độ trung bình cao hơn nhiều năm khoảng từ 0,5 - 2 độ C, riêng các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ cao hơn 2 độ C.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, phải đến ngày 20/7, nắng nóng mới có dấu hiệu suy giảm ở Bắc Bộ, trong khi Trung Bộ vẫn có khả năng kéo dài những ngày sau đó.

Hàng hóa qua cảng biển duy trì đà tăng trưởng trong 7 tháng

Trong 7 tháng năm 2020, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt hơn 397,5 triệu tấn, trong đó, lượng hàng container thông qua cảng ước đạt hơn 11,8 triệu TEU.

Hoạt động bốc xếp hàng hóa tại Cảng Container quốc tế Hải Phòng

Hoạt động bốc xếp hàng hóa tại Cảng Container quốc tế Hải Phòng

Phó Cục tưởng Cục Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang cho biết 7 tháng năm 2020, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt hơn 397,5 triệu tấn, trong đó, lượng hàng container thông qua cảng ước đạt hơn 11,8 triệu TEU, tăng lần lượt 6% và 8% so với cùng kỳ năm 2019.

Riêng tháng 7/2020, khối lượng hàng hóa thông qua cảng ước đạt gần 57,8 triệu tấn, tăng 1%; trong đó hàng container đạt hơn 1,68 triệu TEU, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, thống kê trong 6 tháng đầu năm 2020 của Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy, dù hoạt động hàng hải vẫn chưa thoát khỏi ảnh hưởng của dịch Covid-19, song sản lượng hàng hóa qua một số khu vực cảng biển vẫn đạt mức tăng trưởng hai con số như: cảng biển Quảng Trị tăng hơn 72% do mới phát sinh hàng xuất khẩu gỗ dăm sang Trung Quốc và hàng cát, thạch cao chở ra Ninh Bình; khu vực Quảng Ngãi tăng 44% do nhập khẩu mặt hàng khô, tổng hợp tăng mức kỷ lục hơn 1.300%.

Ngoài ra, một số khu vực cảng biển như Nam Định, Cần Thơ, Thanh Hóa, Thái Bình cũng có mức tăng tương đối cao, từ 20 - 28% so với cùng kỳ năm 2019.

Bên cạnh đó, một số khu vực cảng biển có mức tăng hàng hóa container mạnh như khu vực Mỹ Tho tăng 354%, Thanh Hóa tăng 115%, An Giang tăng 85%, Đà Nẵng tăng 11%...

TP.HCM sẽ mở nhiều tuyến giao thông đường thủy giảm áp lực cho đường bộ

TP.HCM sẽ triển khai nhiều dự án về giao thông đường thủy nhằm giảm áp lực cho đường bộ và kết hợp phát triển du lịch.

Sông Sài Gòn là một trong những tuyến đường thủy nội địa quan trọng ở TPHCM kết nối với các tỉnh

Sông Sài Gòn là một trong những tuyến đường thủy nội địa quan trọng ở TPHCM kết nối với các tỉnh

Trên địa bàn TP.HCM có 92 tuyến đường thủy nội địa địa phương với tổng chiều dài 598,7 km.

TP.HCM có mạng lưới đường thủy nội đô phong phú khi các kênh rạch nội đô đi qua hầu hết các khu trung tâm đô thị và dân cư, không chỉ mang ý nghĩa thoát nước, điều hòa môi trường mà còn đóng một vai trò đáng kể trong vận tải.

Để thúc đẩy tiềm năng phát triển của hệ thống giao thông thủy, Sở GTVT TP.HCM cho biết trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ ưu tiên thực hiện các dự án nạo vét, nâng cấp các cầu trên tuyến nối tắt và liên kết nội thành với khu vực cảng biển.

Cụ thể là đầu tư các tuyến liên kết khu Đông TP.HCM kết nối với khu bến trên sông Đồng Nai; đầu tư các tuyến kết nối đến khu cảng biển Hiệp Phước, Nhà Bè có tổng chiều dài khoảng 35,6km với kinh phí khoảng 400 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, xây dựng tuyến đường thủy nội địa Vành đai trong: từ sông Sài Gòn - sông Vàm Thuật - rạch Bến Cát - sông Trường Đai - kênh Tham Lương - rạch Nước Lên - kênh Đôi - kênh Tẻ - sông Sài Gòn có tổng chiều dài khoảng 30km với tổng kinh phí khoảng 1.200 tỷ đồng.

Đồng thời, xây dựng tuyến đường thủy Vành đai ngoài: từ sông Sài Gòn - rạch Tra - kênh xáng An Hạ - kênh Lý Văn Mạnh - sông Chợ Đệm - Bến Lức - sông Cần Giuộc - rạch Bà Lào - rạch sông Tắc - rạch Trau Trảo - rạch Chiếc - sông Sài Gòn với tổng chiều dài khoảng 108km với tổng kinh phí khoảng 4.794 tỷ đồng.

TP.HCM cũng sẽ đầu tư các tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thủy theo kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy đã được Thành phố phê duyệt.

Đà Lạt: Thu hồi giấy phép doanh nghiệp xẻ đồi xây khách sạn Diamond Hill

Doanh nghiệp được cấp phép xây dựng khách sạn nhưng không tuân thủ các quy định về trật tự xây dựng, liên tiếp để xảy ra sai phạm, bị xử phạt nhiều lần và bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi giấy phép xây dựng (GPXD).

Để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng, doanh nghiệp bị thu hồi GPXD

Để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng, doanh nghiệp bị thu hồi GPXD

Ngày 19/7, UBND phường 10 - TP. Đà Lạt cho biết, chủ đầu tư và đơn vị thi công đã chấp hành việc ngưng các hoạt động xây dựng tại công trình khách sạn Diamond Hill, thuộc khu vực đầu đèo Mimosa, do những vi phạm trong trật tự xây dựng tại đây.

Trước đó, Sở Xây dựng Lâm Đồng đã ra quyết định thu hồi GPXD số 133 ngày 2/10/2019 đã cấp cho ông Trần Thanh Vân (trú Quận 3, TP.HCM) để xây dựng khách sạn Diamond Hill; cùng đó, UBND TP. Đà Lạt có văn bản yêu cầu đình chỉ thi công công trình này. Nguyên nhân do chủ đầu tư không khắc phục việc xây dựng sai nội dung GPXD (theo thời hạn đã ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính ngày 26/12/2019 của UBND TP.Đà Lạt).

Cụ thể, khách sạn Diamond Hill được phép xây dựng tại vị trí khu đất rộng hơn 1.942 m2 với diện tích xây dựng hơn 540 m2, tổng diện tích sàn 1.803 m2; quy mô 3 tầng (1 trệt, 2 lầu) và một bán tầng hầm. Sau khi chủ đầu tư đưa phương tiện cơ giới vào bạt đồi, múc đất thi công khách sạn, ngày 23/12/2019, UBND phường 10 đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính, đình chỉ thi công công trình vì chủ đầu tư không thực hiện ép cọc nhồi trước khi thi công đào đất theo thiết kế được duyệt; vi phạm khoảng lùi đường Khe Sanh, đồng thời là Quốc lộ 20B và san gạt đất đồi thông ở độ cao vượt mức quy định.

Sau khi bị đình chỉ thi công, yêu cầu khắc phục sai phạm, nhưng chủ đầu tư không chấp hành. Tại thời điểm kiểm tra (ngày 15/5/2020), chủ đầu tư vẫn tiếp tục thực hiện san gạt đất, một phần diện tích đất còn lại để xây dựng công trình (chưa thi công kè chắn đất).

Chuyên đề