Bản tin thời sự sáng 16/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội công bố kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; đề xuất đầu tư 75.000 tỷ đồng làm Vành đai 3 TP.HCM; soi camera để xử nghiêm tài xế chạy vào làn khẩn cấp trên cao tốc; Thuduc House bị xử phạt 300 triệu đồng do vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán…

Hà Nội công bố kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ 5 đến 12 tuổi trên địa bàn Thành phố từ quý II/2022.

Hơn 1 triệu trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn TP. Hà Nội dự kiến được tiêm vắc xin phòng Covid-19

Hơn 1 triệu trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn TP. Hà Nội dự kiến được tiêm vắc xin phòng Covid-19

Thời gian triển khai là ngay sau khi tiếp nhận vắc xin của Bộ Y tế. Đối tượng tiêm dự kiến là hơn 1 triệu trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong đó trẻ mẫu giáo hơn 157 nghìn em; trẻ tiểu học hơn 743 nghìn em; trẻ THCS hơn 102 nghìn em.

Nguyên tắc tiêm phụ thuộc vào lượng vắc xin được Bộ Y tế cung ứng. Khi đó, các đơn vị sẽ triển khai tiêm đồng loạt cho học sinh toàn Thành phố theo lộ trình lứa tuổi. Trong đó, học sinh khối 6 (tương đương 12 tuổi) sẽ tiêm trước, tiếp đó lần lượt là học sinh từ khối 5 đến khối 1 và cuối cùng là trẻ 5 tuổi. Học sinh sẽ được tiêm cuốn chiếu theo phạm vi từng trường, sau đó tiêm tại cộng đồng cho trẻ chưa đi học, đảm bảo đúng đối tượng, an toàn nhất, sớm nhất và nhanh nhất.

Học sinh sẽ được tiêm tại các trường mẫu giáo, tiểu học, THCS, trung tâm bảo trợ xã hội có nuôi dưỡng trẻ. Tiêm tại trạm y tế hoặc cơ sở y tế có đủ điều kiện tiêm chủng cho trẻ sống trên địa bàn, trẻ không đi học hoặc miễn hoãn học tập ở trường… Tiêm tại bệnh viện cho trẻ mắc bệnh bẩm sinh, mãn tính ở tim, phổi, máu…

Đối với trẻ từ 5 - 12 tuổi đã mắc Covid-19, trì hoãn tiêm vắc xin sau 3 tháng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đề xuất 75.000 tỷ đồng đầu tư Vành đai 3 TP.HCM

Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM với tổng vốn sơ bộ 75.000 tỷ đồng.

Sơ đồ Vành đai 3 TP.HCM

Sơ đồ Vành đai 3 TP.HCM

Chính phủ vừa gửi Quốc hội tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM, đề xuất dùng nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương.

Vành đai 3 TP.HCM dự kiến dài 76 km (đoạn qua TP.HCM dài 47,5 km; Đồng Nai 11 km; Bình Dương 10,7 km; Long An 6,8 km), quy mô 4 làn xe, tốc độ 80 km/h; bề rộng mặt cắt ngang 19,75 m. Các đoạn qua khu đô thị, dân cư sẽ có đường song hành, mỗi bên 2 - 3 làn xe. Tiến độ thực hiện Dự án từ 2022 - 2027.

Chính phủ cho rằng, kinh nghiệm các nước trong khu vực và thế giới cho thấy đầu tư phát triển đường bộ cao tốc là tất yếu, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Hơn 16 năm từ thời điểm xây dựng tuyến cao tốc đầu tiên (2004), Việt Nam mới có 1.163 km cao tốc, chưa hoàn thành mục tiêu năm 2020 có 2.000 km cao tốc. Tuyến vành đai vùng TP.HCM chưa được đầu tư.

Với vai trò là đường vành đai liên vùng, việc đầu tư, khai thác Vành đai 3 TP.HCM làm tăng khả năng kết nối các tuyến đường bộ hướng tâm; các địa phương của vùng TP.HCM; góp phần mở rộng không gian và động lực phát triển.

Soi camera để xử nghiêm tài xế chạy vào làn khẩn cấp trên cao tốc

Tình trạng ô tô đi vào làn dừng khẩn cấp diễn ra phổ biến khi các tuyến cao tốc ùn tắc.

Nhiều xe đi vào làn khẩn cấp trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương

Nhiều xe đi vào làn khẩn cấp trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương

Cục CSGT dự báo trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 sắp tới, lưu lượng người tham gia giao thông sẽ tăng mạnh. Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) cho biết, thông qua hệ thống camera giám sát, lực lượng CSGT sẽ xử nghiêm những tài xế đi vào làn dừng khẩn cấp trên cao tốc.

Về việc ùn tắc tại các trạm thu phí, ông Bình cho biết sẽ chủ động theo dõi, khi lưu lượng xe đến mức độ phải xả trạm sẽ kiên quyết yêu cầu đơn vị khai thác tuyến chấp hành.

Thuduc House bị xử phạt 300 triệu đồng do vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán

Chỉ trong ít ngày, Thuduc House bị xử phạt do vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, đồng thời bị đề nghị dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Những thông tin tiêu cực liên tiếp bủa vây Thuduc House

Những thông tin tiêu cực liên tiếp bủa vây Thuduc House

Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức - Thuduc House (mã chứng khoán: TDH) vừa bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 300 triệu đồng do vi phạm về việc công bố thông tin sai lệch, không công bố thông tin đối với thông tin phải công bố theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Đại diện ban lãnh đạo Thuduc House cho biết, những vi phạm bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhắc nhở nằm ở giai đoạn trước khi cổ phiếu TDH bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông năm 2021, ban điều hành đã cam kết sẽ không tiếp tục để xảy ra vi phạm về công bố thông tin và đến nay vẫn thực hiện đúng như cam kết.

Thông tin bị xử phạt đến chỉ ít ngày sau khi Thuduc House nhận được văn bản của Cục Thuế TP.HCM đề nghị Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư thực hiện biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Công ty.

Những thông tin tiêu cực liên tiếp bủa vây Thuduc House thời gian gần đây. Trước đó, báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2021 cho thấy, mức lỗ ròng của Thuduc House tăng từ hơn 500 tỷ đồng lên gần 900 tỷ đồng. Khoản lỗ ròng trong năm ngoái tăng mạnh đẩy lỗ lũy kế của Thuduc House tại thời điểm kết thúc năm tài chính 2021 lên gần 700 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Công ty do đó chỉ còn lại hơn 600 tỷ đồng.

Đề xuất cho tư nhân truy cập dữ liệu nhà đất

Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM đề nghị nên mở rộng các dịch vụ công về dữ liệu như truy xuất nguồn gốc nhà đất, hay chia sẻ thông tin các camera từng khu phố.

Hệ thống thông tin đất đai đang triển khai riêng lẻ, cần được tổng hợp để trở thành nguồn dữ liệu chung

Hệ thống thông tin đất đai đang triển khai riêng lẻ, cần được tổng hợp để trở thành nguồn dữ liệu chung

Đề xuất này được ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM (HCA) đưa ra tại Hội nghị gặp mặt giữa lãnh đạo TP.HCM với doanh nghiệp, chuyên gia ngành công nghệ thông tin - truyền thông, chiều 15/4.

Theo ông Long, TP.HCM nên có khung pháp lý và cơ chế thí điểm để các thành phần ngoài công lập tham gia khai thác hệ thống dữ liệu kể trên cùng cơ quan quản lý nhà nước. Người dân, doanh nghiệp có thể trả tiền để được truy cập dữ liệu theo nhu cầu thông qua cơ chế chia sẻ nguồn thu.

Dữ liệu là tài sản mà nếu khai thác càng nhiều càng hiệu quả, còn đóng là dữ liệu chết. Chính vì vậy, dữ liệu rất cần tương tác, cần sự khai thác của người dân và doanh nghiệp.

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam Ngô Diên Hy cho rằng, hệ thống thông tin đất đai đang triển khai riêng lẻ và cần được tổng hợp, kiểm kê đầy đủ về quy hoạch, giá đất... để trở thành nguồn dữ liệu chung. Khi dữ liệu đầy đủ, Thành phố có thể liên thông đầu tư công, thuế, công chứng, ngân hàng... trở thành nguồn dữ liệu mở quý giá.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng cho biết, Thành phố đang tập trung giải quyết vấn đề liên thông, kết nối dữ liệu và phát triển kho cơ sở dữ liệu dùng chung. Các ngành cần quan tâm phát triển nguồn dữ liệu chuyên biệt nhưng vẫn tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật chung.

Thành phố sẽ phát triển dữ liệu mở để người dân, doanh nghiệp, và chính quyền có thể đẩy mạnh hợp tác cùng xây dựng một hệ sinh thái sản phẩm tiện ích có giá trị cao, khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ theo định hướng mở.

TP. Hồng Ngự (Đồng Tháp) cấm đánh bắt cá trên 3 km sông Tiền

Đoạn sông từ cầu Sở Thượng đến cầu Nguyễn Tất Thành qua 3 phường của TP. Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp vừa bị cấm khai thác thủy sản dưới mọi hình thức.

TP. Hồng Ngự gắn biển báo khu vực cấm khai thác nguồn lợi thủy sản trên đoạn sông dài khoảng 3 km

TP. Hồng Ngự gắn biển báo khu vực cấm khai thác nguồn lợi thủy sản trên đoạn sông dài khoảng 3 km

Bí thư Thành uỷ TP. Hồng Ngự Lê Hà Luân cho biết, hàng năm, đoạn sông này thường được người dân thả hàng tấn cá phóng sinh, song sau đó lại bị một số người đánh bắt theo kiểu tận diệt. Mấy năm qua, lượng cá trên đoạn sông sụt giảm nghiêm trọng. Đây là vùng cửa sông có nhiều dòng chảy, là nơi sinh sống của nhiều loài thủy sản. Cùng với cấm, Thành phố vận động nguồn xã hội hóa để tạo một số điểm cho cá ăn, nhanh chóng tăng trưởng, sinh sôi. Hiện đàn cá sông gần bến thuyền được bổ sung thức ăn nên khá đông, chủ yếu là cá mè vinh, điêu hồng và một ít cá tra. Thành phố cũng triển khai dự án hỗ trợ người dân chuyển đổi từ đánh bắt ngoài tự nhiên sang nuôi trồng.

Hồng Ngự là địa phương đầu tiên cấm đánh bắt thuỷ sản dưới mọi hình thức để bảo vệ nguồn lợi tự nhiên đang cạn kiệt. Trước đó, trong mùa lũ năm 2017, An Giang có lệnh cấm đóng đáy (một ngư cụ phổ biến ở miền Tây) bắt cá linh non dưới 50 mm trong 3 tháng, sau đó dỡ bỏ lệnh khi cá đủ lớn.

Sông Tiền dài hơn 230 km, là một nhánh của sông Mê Kông chảy từ Campuchia vào Đồng bằng sông Cửu Long qua các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre. Cùng với sông Hậu, sông Tiền có lượng cá, tôm dồi dào, nhất là thời điểm lũ từ thượng nguồn đổ về.

Chuyên đề