Bản tin thời sự sáng 14/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc của 3 đối tượng về hành vi "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước", truy nã nguyên Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và đề nghị truy tố cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng….

Khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc đối với các đối tượng có hành vi "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước"

Ngày 13/7/2020, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc của 3 đối tượng về hành vi "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" theo Điều 337 Bộ luật hình sự năm 2015.

Các đối tượng gồm:

1. Nguyễn Anh Ngọc, sinh ngày 20/5/1974, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

2. Nguyễn Hoàng Trung, sinh ngày 27/7/1983, trú tại phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

3. Phạm Quang Dũng, sinh ngày 16/7/1983, trú tại xã Tân Triều, quận Thanh Trì, thành phố Hà Nội.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang tiếp tục làm rõ vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.

Truy nã cựu thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa

Sau 3 ngày bị khởi tố, xác định bà Hồ Thị Kim Thoa (nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương) không có mặt tại Việt Nam, Bộ Công an ra lệnh truy nã với bà này.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa

Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa

Việc truy nã bà Thoa được nêu trong kết luận điều tra ngày 12/7, với cáo buộc bị can này liên quan đến sai phạm tại khu đất vàng số 2-4-6 Hai Bà Trưng, TP.HCM.

Biết khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng đã được sắp xếp, giao cho Bộ Công Thương, Tổng công ty Sabeco (thuộc Bộ Công Thương, vốn nhà nước chiếm 89,59%) để quản lý, sử dụng, đầu tư, xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê, không được thành lập pháp nhân mói.

Tuy nhiên, bị can Thoa vẫn báo cáo bị can Vũ Huy Hoàng phê duyệt; đã ký 3 văn bản chấp thuận chủ trương cho Tổng công ty Sabeco liên doanh, liên kết thành lập Công ty Sabeco Pearl, lợi dụng việc sắp xếp cơ sở nhà đất của doanh nghiệp Nhà nước làm thủ đoạn để dần chuyến dịch quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng từ Tổng công ty Sabeco sang Công ty Sabeco Pearl (từ tài sản Nhà nước sang tư nhân).

Bằng các thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội nêu trên của bị can Thoa, quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trung có diện tích 6.080 m2 bị dịch chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân.

"Do đến nay, bị can Hồ Thị Kim Thoa bỏ trốn, thời hạn điều tra vụ án đã hết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã bị can, quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can và Quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can... khi nào bắt được bị can sẽ tiến hành phục hồi điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật", kết luận nêu.

Đề nghị truy tố cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

Chỉ sau 3 ngày khởi tố, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã hoàn tất kết luận, đề nghị truy tố cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng.

Cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.

Cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.

Theo đó, C01 đề nghị VKSND Tối cao truy tố bị can Vũ Huy Hoàng (67 tuổi, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương) về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Theo KLĐT, dù biết khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP.HCM đã được sắp xếp giao cho Tổng công ty Sabeco để quản lý, sử dụng, đầu tư, xây dựng nhưng không được thành lập pháp nhân mới, tuy nhiên, ông Vũ Huy Hoàng vẫn chấp thuận chủ trương, chỉ đạo để bộ phận quản lý vốn Nhà nước tại Sabeco triển khai thực hiện việc liên doanh, liên kết thành lập Công ty Sabeco Pearl trái với quy định của Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg để đầu tư dự án.

Công ty Sabeco Pearl được thuê khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng trái các quy định pháp luật và được chuyển quyền sử dụng đất. Liền đó, Công ty Sabeco Pearl đề nghị Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ đạo Tổng công ty Sabeco thoái 26% vốn góp và đề nghị được mua lại phần vốn góp này.

Ông Vũ Huy Hoàng đã chỉ đạo Tổng công ty Sabeco đẩy nhanh thực hiện thủ tục thoái vốn và phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá là 13.247 đồng/cổ phần. Đến nay, Công ty CP Đầu tư Quảng trường Mê Linh (tiền thân là Công ty Sabeco Pearl), doanh nghiệp 100% vốn tư nhân, là đơn vị đứng tên quyền sử dụng đất khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Hậu quả khu đất trên đã thuộc về tư nhân gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước đặc biệt lớn.

Xăng và các mặt hàng dầu giữ ổn định giá sau khi trích lập quỹ bình ổn

Ngày 13/7, xăng và các mặt hàng dầu giữ ổn định giá sau khi chi sử dụng quỹ BOG đối với xăng E5 RON92 là 961 đồng/lít, xăng RON95 là 526 đồng/lít; dầu diesel là 167 đồng/lít, dầu hỏa là 88 đồng/lít.

Nhân viên Petrolimex đang bán xăng cho khách hàng

Nhân viên Petrolimex đang bán xăng cho khách hàng

Xăng và các mặt hàng dầu trong nước tiếp tục giữ ổn định so với kỳ công bố gần nhất. Đây là quyết định mới nhất của liên bộ Công Thương - Tài chính về giá cơ sở xăng dầu, áp dụng từ 15 giờ ngày 13/7.

Liên quan đến quỹ bình ổn (BOG), mức trích lập đối với xăng E5 RON92 là 100 đồng/lít, trong khi xăng RON95 là 200 đồng/lít, dầu diesel là 500 đồng/lít, dầu hỏa và dầu mazút trích lập ở mức 300 đồng/lít,kg.

Cùng với đó, mức chi sử dụng quỹ BOG đối với xăng E5 RON92 là 961 đồng/lít, xăng RON95 là 526 đồng/lít; dầu diesel là 167 đồng/lít, dầu hỏa là 88 đồng/lít và dầu mazút là 254 đồng/kg.

Như vậy, sau khi trích lập BOG, xăng E5 RON92 giữ nguyên là 14.258 đồng/lít; xăng RON95-III là 14.973 đồng/lít. Ngoài ra, dầu diesel 0.05S có mức trần là 12.114 đồng/lít; dầu hỏa là 10.038 đồng/lít và dầu mazút 180CST 3.5S ổn định ở mức 10.903 đồng/kg.

Theo đại diện Petrolimex, tính đến trước thời điểm điều chỉnh giá, quỹ bình ổn giá xăng dầu tại doanh nghiệp còn dư 4.400 tỷ đồng.

Trước đó, từ ngày 13/5 - 27/6, giá xăng trong nước đã tăng 4 lần liên tiếp với tổng cộng gần 3.400 đồng/lít với xăng RON95 và khoảng 3.342 đồng với xăng E5 RON92.

Thủ tướng đồng ý khôi phục vận chuyển hàng không Việt Nam - Trung Quốc

Thủ tướng đồng ý khôi phục hoạt động vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tần suất, điều kiện vận chuyển hành khách giữa hai nước sẽ do nhà chức trách hàng không hai nước thống nhất.

Thủ tướng đồng ý khôi phục hoạt động vận chuyển hàng không Việt Nam - Trung Quốc

Thủ tướng đồng ý khôi phục hoạt động vận chuyển hàng không Việt Nam - Trung Quốc

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, Thủ tướng lưu ý nhu cầu nhập cảnh Việt Nam của các nhà đầu tư, chuyên gia, lưu học sinh... tăng mạnh. Chính phủ tạo điều kiện đáp ứng tối đa nhu cầu chính đáng theo thứ tự ưu tiên phù hợp với khả năng đáp ứng yêu cầu tiếp nhận và cách ly trong nước.

Trước mắt, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức đưa công dân Việt Nam tại Guinea Xích đạo về nước trong thời gian sớm nhất.

Đối với việc mở các đường bay quốc tế, Thủ tướng đồng ý khôi phục hoạt động vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và Trung Quốc, tần suất và điều kiện vận chuyển hành khách giữa hai nước do nhà chức trách hàng không Việt Nam và Trung Quốc thống nhất.

Thủ tướng cũng giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan làm việc với các nước về tăng cường chuyến bay cứu hộ, mở cửa chuyến bay thương mại giữa Việt Nam và các nước, đón công dân Việt Nam tại các điểm trung chuyển lớn các chuyến bay quốc tế như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc (Quảng Châu, Đài Loan), Lào, Campuchia.

Chuyên đề