Ba lực đẩy tăng trưởng năm 2017

(BĐT) - Tăng trưởng năm 2017 được dự báo sẽ cao hơn năm 2016, trong đó, 3 lực đẩy quan trọng thúc đẩy tăng trưởng năm nay là những giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kết quả bước đầu của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và tác động từ tiến trình hội nhập.
Những thành quả của tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế sẽ góp phần hỗ trợ tăng trưởng GDP. Ảnh: Nhã Nam
Những thành quả của tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế sẽ góp phần hỗ trợ tăng trưởng GDP. Ảnh: Nhã Nam

Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc khối phân tích của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong năm 2017, để tạo động lực cho tăng trưởng, Chính phủ nhiều khả năng sẽ tập trung chỉ đạo và tháo gỡ các vướng mắc để vốn đầu tư công được giải ngân hiệu quả ngay trong các tháng đầu năm.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, những giải pháp quyết liệt đưa ra nửa cuối năm 2016 sẽ phát huy tác dụng trong năm nay. Việc giải ngân đầu tư công hiệu quả sẽ có hiệu ứng lan tỏa, tác động đòn bẩy đến toàn bộ nền kinh tế.

Vẫn theo ông Nguyễn Xuân Bình, kết quả bước đầu của công cuộc cơ cấu lại nền kinh tế có thể tiếp sức cho tăng trưởng. Năm 2016 tuy là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 nhưng cũng đã đạt được những thành quả nhất định như tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng giảm, tiến trình IPO và niêm yết của các doanh nghiệp nhà nước có nhiều chuyển biến... Sự kế thừa những thành quả này cùng những giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế sẽ góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng GDP.

Trợ lực quan trọng tiếp theo là tiến trình hội nhập được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2017. Năm 2016, một trong những tin tức kém tích cực nhất đối với tiến trình hội nhập của Việt Nam là tương lai Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trở nên mờ mịt sau kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Theo đó, những kỳ vọng liên quan đến thu hút mạnh vốn FDI hay tăng trưởng xuất khẩu một số mặt hàng vào thị trường Mỹ, điển hình là dệt may, đã tạm thời bị chững lại trong các tháng cuối năm.

Tuy vậy, ngoài TPP thì Việt Nam đã ký kết khá nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác quan trọng khác... Xung lực từ những hiệp định này đã và sẽ tiếp tục phát huy những tác động tích cực đối với tăng trưởng, đặc biệt ở khía cạnh thúc đẩy xuất khẩu. Ngoài ra, với tư cách là thành viên ASEAN, Việt Nam cũng đang tham gia tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Theo đánh giá, mặc dù các chuẩn mực của RCEP có phần thấp hơn so với FTA giữa Việt Nam và EU, TPP nhưng RCEP lại chấp thuận việc các nước thành viên đặt các rào cản thương mại không đồng nhất. Điều này sẽ giúp tạo ra tính linh động, giúp các quốc gia có nền kinh tế kém phát triển hơn như Việt Nam có thêm thời gian để thích nghi.

Căn cứ vào những phân tích nêu trên cùng với một số điều kiện khách quan khác, Báo cáo triển vọng 2017 của BVSC dự báo tăng trưởng năm 2017 sẽ khởi sắc hơn, đạt mức 6,5 - 7%.

Về lạm phát, BVSC dự báo năm 2017 lạm phát sẽ tiếp tục neo ở mức tương đương với năm 2016 vì có một số rủi ro tiềm ẩn như: giá dầu nhiều khả năng tiếp tục hồi phục sau quyết định cắt giảm sản lượng của các nước trong và ngoài OPEC; y tế và giáo dục tiếp tục thực hiện lộ trình tăng giá; độ trễ của chính sách nới lỏng tiền tệ trong hai năm 2015 và 2016.

Theo BVSC, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) đang được nhà đầu tư nhắc đến nhiều như một sự thay thế phần nào cho TPP. Hiện RCEP vẫn đang trong quá trình đàm phán và được kỳ vọng có thể sẽ sớm kết thúc trong năm 2017. RCEP được đánh giá sẽ giúp đồng bộ hóa và giảm thiểu những bất cập của các FTA giữa các nước tham gia đàm phán, qua đó giúp các thành viên thu hút dòng vốn FDI từ nước ngoài (từ cả các nước trong và ngoài khối) để có thể tận dụng những ưu đãi trong việc thâm nhập một thị trường rộng lớn (các nước tham gia đàm phán RCEP chiếm gần 50% dân số thế giới và khoảng 30% GDP toàn cầu).

Chuyên đề