RCC có hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 2017?

(BĐT) - Thành lập năm 1973, Công ty CP Tổng công ty Công trình đường sắt (RCC) có hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng các công trình của ngành đường sắt. Được cổ phần hóa vào năm 2004 nhưng đến tháng 12/2016 cổ phiếu của Công ty mới được giao dịch trên thị trường UPCoM. 
Nửa đầu năm 2017, lợi nhuận sau thuế của RCC âm 10,4 tỷ đồng. Ảnh: Tiên Giang
Nửa đầu năm 2017, lợi nhuận sau thuế của RCC âm 10,4 tỷ đồng. Ảnh: Tiên Giang

Ngay sau khi lên UPCoM kết quả kinh doanh của RCC sụt giảm mạnh, đồng thời sức khỏe tài chính cũng đang có dấu hiệu đi xuống.

Bắt đầu xuất hiện lỗ lũy kế

Theo báo cáo tài chính bán niên 2017 đã soát xét, doanh thu của RCC đạt 282,8 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2016. Giá vốn hàng bán sụt giảm mạnh 43%, từ 277 tỷ xuống còn 242 tỷ đồng, lợi nhuận gộp giảm tới 43%, từ 70 tỷ xuống còn 40 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi các khoản chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh của Công ty âm tới 8,9 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2017, lợi nhuận sau thuế của Công ty âm 10,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2016 con số này là dương 5,3 tỷ đồng.

Lý giải cho nguyên nhân thua lỗ, Công ty cho biết là do không được tham gia đấu thầu các dự án công trình thuộc ngành đường sắt. Cụ thể, theo Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu tại Khoản 4, Điều 2 “Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu” thì Công ty không được tham gia đấu thầu các dự án, công trình thuộc ngành đường sắt. Vì Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang nắm giữ tại RCC 48,04% vốn điều lệ (theo quy định phải dưới 30% thì được tham gia đấu thầu).

Ngoài việc không được tham gia đấu thầu các công trình thuộc ngành đường sắt gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh thì các công ty con của RCC cũng hoạt động kém hiệu quả. Theo báo cáo tài chính bán niên 2017 riêng của Công ty mẹ, lợi nhuận được chia từ các công ty con chỉ đạt 5,6 tỷ đồng, giảm tới 58,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Với kết quả kinh doanh như vậy, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Công ty tính đến thời điểm 30/6/2017 là âm 8,1 tỷ đồng. Quý I/2017, hoạt động kinh doanh của Công ty cũng gây thất vọng với khoản lỗ gần 1 tỷ đồng. 

Sức khỏe tài chính giảm sút

Ngoài việc kết quả kinh doanh nửa đầu năm đang từ lãi chuyển sang lỗ, thì khả năng thanh toán các khoản nợ của Công ty cũng đang có dấu hiện suy giảm. Cụ thể, hệ số khả năng thanh toán lãi vay (tỷ số lãi trước thuế và lãi vay trên tổng lãi vay) của RCC trong nửa đầu năm chỉ đạt 0,18, giảm tới 90% so với đầu năm. Hệ số này nhỏ hơn 1 cho thấy lợi nhuận thu được của Công ty không đủ để trả lãi vay, do đó có thể dẫn tới mất khả năng thanh toán và vỡ nợ. Tuy nhiên, rủi ro này được hạn chế bởi thực tế lãi trước thuế và lãi vay không phải là nguồn duy nhất để thanh toán lãi. Doanh nghiệp cũng có thể tạo ra nguồn tiền từ các tài sản khác để trả nợ lãi.

Hệ số khả năng thanh toán hiện hành (tỷ số tài sản ngắn hạn trên tổng nợ ngắn hạn) của Công ty đạt 1,2 (giảm 7% so với thời điểm đầu năm). Mặc dù hệ số này lớn hơn 1 nhưng vẫn ở mức tương đối thấp cho thấy khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của doanh nghiệp này cũng vẫn rất mong manh.

Ngoài ra, các chỉ tiêu để đánh giá khả năng thanh toán khác của Công ty là khả năng thanh toán nhanh (tỷ số tổng tài sản ngắn hạn không bao gồm hàng tồn kho trên tổng nợ ngắn hạn) chỉ đạt 0,5, giảm 27% so với thời điểm đầu năm và khả năng thanh toán tức thời (tỷ số tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn trên tổng nợ ngắn hạn) sụt giảm 37%, đạt 0,05.

Kết quả kinh doanh thua lỗ và sức khỏe tài chính èo uột của Công ty trong nửa đầu năm đang đặt ra nhiều dấu hỏi về kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt trên 23 tỷ đồng của RCC trong năm 2017.

Chuyên đề