Lỡ hẹn thoái vốn, RCC báo lỗ

(BĐT) - Công ty CP Tổng công ty Công trình đường sắt (RCC) tiền thân là Xí nghiệp Liên hợp công trình đường sắt, được chuyển đổi thành công ty cổ phần từ tháng 5/2005 với cổ đông lớn là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - VNR (nắm 48,04% cổ phần). 
RCC và các công ty con hiện đang quản lý gần 300.000 m2 đất tại những vị trí đẹp ở nhiều địa phương. Ảnh: Thế Duyệt
RCC và các công ty con hiện đang quản lý gần 300.000 m2 đất tại những vị trí đẹp ở nhiều địa phương. Ảnh: Thế Duyệt

Từ khi có chủ trương thoái vốn nhà nước, doanh thu và lợi nhuận của Công ty đã liên tục giảm sút. Đặc biệt, trong quý I/2017, Công ty đã báo lỗ ròng 965 triệu đồng.

Doanh thu thuần chỉ bằng ½ so với cùng kỳ

Về cơ bản, hoạt động kinh doanh của Công ty mẹ và các công ty thành viên RCC đều sụt giảm mạnh. Đặc biệt, khoản lỗ lũy kế trong kỳ hơn 2,2 tỷ đồng tại 2 công ty 878 và 879 đã ảnh hưởng mạnh đến doanh thu, lợi nhuận hợp nhất của Tổng công ty. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2017, RCC chỉ đạt khoảng 94 tỷ đồng doanh thu, bằng 48% so cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân chính là do sụt giảm nguồn thu từ hoạt động xây lắp, chỉ đạt hơn 70 tỷ đồng so với gần 156 tỷ đồng của quý I/2016. Điều này đã khiến cho mức lợi nhuận gộp hợp nhất hơn 22 tỷ đồng, không đủ để bù đắp các chi phí hoạt động trong kỳ, RCC ghi nhận mức lỗ ròng sau thuế 965 triệu đồng ngay trong quý I/2017. 

Ngóng tin thoái vốn, mức giá nào là hợp lý?

Phương án thoái vốn của VNR tại RCC đã được phê duyệt từ quý I/2016. Theo đó, VNR sẽ bán đấu giá tại HNX theo 1 lô cổ phần (7.425.511 cổ phần, tương đương 48,04%, mệnh giá 10.000 đồng/CP). Giá khởi điểm của 1 cổ phần xác định là 24.468 đồng. Tuy nhiên, không rõ vì sao đến thời điểm hiện tại, VNR vẫn chưa thực hiện các thủ tục đấu giá để thoái vốn tại RCC. Thay vào đó lại lựa chọn hình thức niêm yết trên UPCoM với mức giá 18.800 đồng/CP, thấp hơn gần 40% so với giá trị sổ sách của doanh nghiệp vào cuối năm 2016.

Điểm hấp dẫn lớn nhất của RCC đối với các nhà đầu tư là lợi thế quỹ đất đang quản lý. Dựa trên số liệu tổng hợp từ các nguồn thông tin, phóng viên được biết RCC và các công ty con hiện đang quản lý gần 300.000 m2 đất tại những vị trí đẹp thuộc TP. Hà Nội, Bắc Ninh, Huế, Nghệ An, Đà Nẵng…, đa phần đều là đất thuê trả tiền hàng năm. Mặc dù theo quy định của Nhà nước, đất thuê trả tiền hàng năm không được tính vào giá trị doanh nghiệp, nhưng theo nhiều chuyên gia định giá bất động sản, phân khúc đất thuê trả tiền hàng năm tại nhiều địa điểm được giao dịch khá sôi động. Mặt khác, quyền sử dụng hơn 300.000 m2 đất được ước tính trị giá gần 300 tỷ đồng.

Trong trường hợp tính thêm lợi thế giá trị đất từ quyền sử dụng thì giá trị doanh nghiệp của RCC lên tới gần 800 tỷ đồng, tương đương với mức giá gần 50.000 đồng/CP, cao gấp hơn 3 lần so với mức giá 15.000 đồng đang được giao dịch trên thị trường. 

Xuất hiện cổ đông cá nhân gom cổ phần

Ngay sau khi niêm yết trên UPCoM không lâu, hai cổ đông lớn là Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Dương và Công ty CP Thương mại nước giải khát Khánh An đã lần lượt đăng ký thoái vốn. Người đứng ra thâu tóm số lượng cổ phần này là ông Tạ Hữu Diễn, một nhà đầu tư cá nhân, hiện tại không có nhiều thông tin về cổ đông lớn này. Theo phỏng đoán, ông Diễn nhiều khả năng là người đại diện cho một nhóm cổ đông hoặc tổ chức đang tích cực thu gom cổ phiếu RCC từ các cổ đông khác, đặc biệt là những nhà đầu tư nhỏ lẻ hết kiên nhẫn vào triển vọng của Công ty.

Như vậy, nếu muốn chiếm cổ phần chi phối tại RCC, nhóm cổ đông này ngoài việc cần mua trọn lô cổ phần đấu giá của VNR thì còn phải tiếp tục mua gom thêm khoảng 10% số lượng cổ phần đang lưu hành hiện tại, tương đương với hơn 1,5 triệu cổ phiếu. Có lẽ, hoạt động kinh doanh của RCC chỉ có thể khởi sắc được khi VNR thoái vốn thành công.

Chuyên đề