Khó giảm lãi suất nếu không xử lý tốt nợ xấu

(BĐT) - Xử lý nợ xấu và giảm lãi suất là hai nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng (NH) trong năm 2017. Nhưng vẫn còn nhiều thách thức để có thể thực hiện thành công hai nhiệm vụ này trong bối cảnh nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ.
Năm 2016 chính sách tiền tệ đã được điều hành chủ động, linh hoạt tạo thuận lợi trong điều hành chính sách tài khóa. Ảnh: Tường Lâm
Năm 2016 chính sách tiền tệ đã được điều hành chủ động, linh hoạt tạo thuận lợi trong điều hành chính sách tài khóa. Ảnh: Tường Lâm

Tự trích lập để xử lý nợ xấu

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 30/11/2016, tỷ lệ nợ xấu ước tính còn khoảng 2,46%. Từ đầu năm 2016 đến hết 30/11/2016, Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC) đã thực hiện mua 839 khoản nợ, với tổng dư nợ gốc là 23.283 tỷ đồng, giá mua nợ là 22.483 tỷ đồng. Song theo các chuyên gia ngân hàng, nợ xấu được VAMC mua về vẫn rất khó khăn trong việc xử lý, mà chủ yếu các NH tự trích lập dự phòng để xử lý.

Về lãi suất, NHNN cho biết, mặt bằng lãi suất huy động sau khi tăng 0,2-0,3%/năm trong 3 tháng đầu năm 2016 thì từ tháng 4 đã ổn định, đặc biệt giữa tháng 4 và từ cuối tháng 9, một số TCTD đã giảm 0,3-0,5%/năm lãi suất huy động, giảm khoảng 0,5-1%/năm lãi suất cho vay đối với sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Lãi suất cho vay hiện phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn; khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ NH năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những kết quả của ngành được coi là “huyết mạch của nền kinh tế” như chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, lạm phát được kiểm soát, tạo thuận lợi trong điều hành chính sách tài khóa và giá các mặt hàng thiết yếu. Cùng với đó là mặt bằng lãi suất ổn định và có xu hướng giảm; dự trữ ngoại hối đạt 41 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Tình trạng sở hữu chéo từng bước được xử lý, hoạt động của các tổ chức tín dụng yếu kém dần phục hồi, tiếp tục củng cố niềm tin của người gửi tiền.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng điểm ra một số hạn chế của ngành NH và cần phải triển khai quyết liệt trong năm 2017. Đó là mặt bằng lãi suất, nợ xấu còn cao. Việc xử lý nợ xấu và các NH yếu kém còn chậm, chưa thực chất. Kết quả xử lý nợ xấu của VAMC còn thấp do cơ chế, chính sách và năng lực của chính VAMC. 

Lãi suất cao sẽ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp

Vấn đề xử lý nợ xấu và giảm lãi suất có mối quan hệ liên đới. TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, nếu trong hai năm 2017 và 2018 không xử lý được nợ xấu thì lãi suất cho vay toàn nền kinh tế sẽ vẫn khó giảm thêm. Mặc dù trong năm 2016, lãi suất đã giảm từ 0,5% đến 1% (tuỳ lĩnh vực) nhưng so với mặt bằng giá vốn trong khu vực thì giá vốn vẫn còn cao. Và nếu lãi suất cho vay cứ duy trì ở mức như thế sẽ khiến sức cạnh tranh của các DN trong nước bị mất đi. Các NH cũng thừa nhận, sở dĩ nợ xấu làm khó giảm lãi suất là bởi các NH đang phải trích lập dự phòng rủi ro cho việc xử lý nợ xấu làm chi phí vốn tăng và khó khăn cho việc cân đối, tính toán để giảm lãi suất.

Theo một nguồn tin mới đây, NHNN đã trình Thường trực Chính phủ bản Đề án tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu đến năm 2020 với nhiều điểm đột phá để nợ xấu được xử lý thực chất hơn và có thể sẽ trình ra Quốc hội dự thảo Luật về xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, trong khi chờ Luật thì bản thân các NH phải tự “xử”.

Theo đại diện của VietinBank, mục tiêu trong năm 2017 Ngân hàng này sẽ xử lý toàn diện, triệt để các khoản nợ xấu tại NH cũng như bán cho VAMC, lành mạnh hóa chất lượng tài sản NH. Nhưng để làm được điều này, lãnh đạo của VietinBank cho biết, ngoài sử dụng năng lực tài chính tự có của NH từ hoạt động kinh doanh hiệu quả, việc xử lý tài sản bảo đảm liên quan đến khoản nợ xấu trên có ý nghĩa rất lớn. Nhưng hoạt động thu hồi nợ thông qua xử lý tài sản đảm bảo đang gặp nhiều vướng mắc. Những nút thắt đó không chỉ riêng NHNN, ngân hàng thương mại hay một cơ quan, bộ, ngành nào đơn phương giải quyết được, mà đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, vào cuộc của tất cả các bên liên quan.

Đối với vấn đề lãi suất, theo đánh giá của các chuyên gia NH, hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua, nhưng nếu so với các nước thì vẫn còn cao, đặc biệt là lãi suất cho vay trung và dài hạn. Tuy nhiên, khi nợ xấu xử lý còn chậm, trong khi năm 2017, NHNN đưa ra mục tiêu định hướng tăng tín dụng khoảng 18% để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế đạt mức 6,7% nhưng phải kiểm soát lạm phát ở mức 4% thì áp lực giữ ổn định mặt bằng lãi suất cũng rất lớn.

Chính vì vậy, cơ quan quản lý tiền tệ đưa ra thông điệp năm 2017 khá thận trọng: tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu nếu cho phép có thể giảm lãi suất cho vay, đặc biệt lãi suất cho vay trung và dài hạn, để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ cho nền kinh tế.

Chuyên đề