Tiếp sức doanh nghiệp bằng chính sách tài chính

(BĐT) - Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đã ban hành kịp thời nhiều chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trụ vững qua sóng gió và có những bước phát triển nhất định. Dư địa để các chính sách tài chính này phát huy vai trò kênh hỗ trợ đắc lực cho DNNVV vươn lên mạnh mẽ hơn trong thời gian tới được nhận định là vẫn còn nhiều.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Chính sách tài chính giúp doanh nghiệp vượt khó

Theo Bộ KH&ĐT, năm 2015, cả nước có 94.754 DN được thành lập mới, là năm có số DN đăng ký thành lập mới cao nhất trong giai đoạn 2012 - 2015. Trong 6 tháng đầu năm 2016, cả nước có thêm 54.501 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 427.762 tỷ đồng, tăng 20% về số DN và tăng 51,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Số DN quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2016 là 14.902 DN, tăng 75,2% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Bộ Tài chính, trong thời gian qua, nhiều giải pháp tài chính nhằm khuyến khích phát triển sản xuất - kinh doanh, thu hút đầu tư đã được triển khai và đang phát huy tác dụng, góp phần hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho DN. Những kết quả bước đầu của năm 2016 cho thấy, các chính sách tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ DN phát triển, trong đó có chính sách tài chính, đã có hiệu quả. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy niềm tin của cộng đồng DN vào môi trường kinh doanh tiếp tục được củng cố.

Ông Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính thuộc Bộ Tài chính cho biết, chính sách tài chính hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN đã được triển khai trong giai đoạn 2011 - 2015 và đầu năm 2016 trên cả đầu vào (vốn, mặt bằng sản xuất) và đầu ra (tổng cầu sản phẩm). Có thể kể đến như hỗ trợ DN về mặt bằng sản xuất thông qua các chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, từng bước hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, giảm chi phí thuê mặt bằng, có thêm nguồn tài chính để ổn định và phát triển sản xuất; tạo điều kiện cho các DN tích tụ vốn thông qua giảm nghĩa vụ thuế thu nhập DN (TNDN) phải nộp. Ước tính tổng số thuế hỗ trợ cá nhân, DN năm 2015 khoảng 4.000 tỷ đồng. Dự kiến cả giai đoạn 2011 - 2015, tổng khoản giảm thu do các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế khoảng 85.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, đã có các chính sách hỗ trợ DN trong việc tiếp cận nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh; hỗ trợ DN giảm hàng tồn kho, tiếp cận thị trường thông qua các chính sách xúc tiến thương mại với 3 mục tiêu chính là xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu, xúc tiến thương mại thị trường trong nước và xúc tiến thương mại miền núi, biên giới, hải đảo.

Vẫn cần những chính sách cụ thể

Để hỗ trợ DN thuận lợi hơn nữa trong tiếp cận vốn, Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích NHTM thành lập những kênh tài chính riêng cho các DNNVV và tăng mức dư nợ cho loại hình DN này nhằm tạo điều kiện cho các DNNVV tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng. 
Đầu năm 2016, Quốc hội đã tiếp tục ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế quy định giảm tiền chậm nộp thuế xuống từ 0,05%/ngày còn 0,03%/ngày từ 1/7/2016; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 tập trung vào khuyến khích và bảo hộ sản xuất trong nước hợp lý; bổ sung một số nội dung quy định về thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, thuế tự vệ. Tháng 5 vừa qua, Nghị quyết số 35/NQ-CP được Chính phủ ban hành cũng đề ra nhiều chính sách tài chính hỗ trợ DN.

Để triển khai tốt các chính sách mới hỗ trợ DN, đảm bảo hiệu quả góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, ông Nguyễn Viết Lợi cho biết, trong thời gian tới cần tiến hành rà soát lại các chính sách thuế hiện hành, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đánh giá tác động, từ đó đề xuất việc miễn, giảm, gia hạn nộp thuế các loại đối với DN trong một số lĩnh vực, ngành nghề gặp khó khăn; rà soát và điều chỉnh các quy định pháp luật về đất đai theo hướng giảm tiền thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các chi phí khác của DN; rà soát, điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT; đánh giá và đề xuất mức điều chỉnh hợp lý để giúp DN giảm chi phí, đặc biệt là DN kinh doanh dịch vụ vận tải;…

Ngoài ra, dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN tiếp cận vốn từ các ngân hàng thương mại (NHTM), nhưng theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, một trong những khó khăn lớn nhất của DNNVV hiện nay vẫn là nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh còn hạn chế. Trong khi các NHTM cho rằng họ “rộng cửa” cho vay, thì cũng chỉ có khoảng 30% DNNVV tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.

Để hỗ trợ DN thuận lợi hơn nữa trong tiếp cận vốn, nhiều chuyên gia khuyến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích NHTM thành lập những kênh tài chính riêng cho các DNNVV và tăng mức dư nợ cho loại hình DN này nhằm tạo điều kiện cho các DNNVV tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Đồng thời, khuyến khích các NHTM kết hợp với các quỹ bảo lãnh tín dụng bằng cách không bắt các ngân hàng trích lập dự phòng khi cho những DN đã được bảo lãnh vay, hoặc có những ưu đãi khi tính doanh số cho vay loại hình DN này vào tăng trưởng tín dụng... nhằm khuyến khích các NHTM giảm lãi suất cho vay đối với loại hình này và chủ động hơn trong việc hợp tác với các quỹ bảo lãnh.

Chuyên đề