TP.HCM sẽ sòng phẳng chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư PPP

(BĐT) - Tại Hội thảo quốc tế “Hợp tác công tư trong một số lĩnh vực ở TP.HCM” do Ngân hàng Thế giới (WB) và UBND TP.HCM tổ chức ngày 27/3/2019, TP.HCM cam kết sẽ xây dựng môi trường minh bạch, cạnh tranh nhất cho các nhà đầu tư tham gia vào các dự án đối tác công tư (PPP).
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

TP.HCM đang sử dụng tốt vốn mồi

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM, để hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020) của Thành phố, tổng nhu cầu vốn đầu tư từ ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 là 326.556 tỷ đồng (khoảng 14,07 tỷ USD). Trong khi đó, khả năng cân đối từ ngân sách nhà nước là 171.895,758 tỷ đồng (khoảng 7,41 tỷ USD), chỉ đáp ứng được 52% nhu cầu đầu tư. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương là 21.895,758 tỷ đồng - khoảng 0,94 tỷ USD (vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu là 8.487,764 tỷ đồng, vốn ODA Trung ương cấp phát là 13.407,994 tỷ đồng); nguồn vốn ngân sách thành phố là 150.000 tỷ đồng (khoảng 6,4 tỷ USD).

Tính từ năm 2000 đến nay, TP.HCM có 22 dự án đã hoàn tất ký kết hợp đồng PPP, với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 69.869 tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD), trong đó có 16 dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, 3 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, 2 dự án thuộc lĩnh vực môi trường và 1 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa. Bên cạnh đó, Thành phố đang tiếp tục thực hiện 130 dự án (hiện đang ở bước chuẩn bị đầu tư như lập, phê duyệt đề xuất dự án; lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán ký kết hợp đồng dự án) với tổng mức đầu tư dự kiến là 380.947 tỷ đồng.

Tại TP.HCM, trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến tăng 1,5 lần so với giai đoạn 2011 - 2015 (tăng từ 1.192.983 tỷ đồng lên 1.829.385 tỷ đồng), trong khi đó tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trên vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 giảm so với giai đoạn 2011 - 2015 (giảm từ 9,2% xuống còn 8,9%).

Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, nhìn vào số liệu tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội, có thể thấy nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thành phố trong những năm qua chỉ đóng vai trò vốn mồi. Với quy mô đầu tư toàn xã hội lên đến 1.829.385 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thành phố chỉ chiếm khoảng 8%.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, hình thức PPP là một giải pháp tái cơ cấu khu vực nhà nước vốn có phạm vi hoạt động bao trùm lên toàn xã hội, đồng thời là một cách thức mới và hiệu quả giúp Nhà nước giải quyết vấn đề thiếu hụt vốn đầu tư phát triển, nhất là đối với các dự án đòi hỏi một lượng vốn đầu tư lớn, như xây dựng và phát triển hạ tầng, trong bối cảnh thâm hụt ngân sách nhà nước có chiều hướng gia tăng. Là một thành phố đã và đang sử dụng rất tốt nguồn vốn ngân sách nhà nước như vốn mồi nhằm thu hút sự tham gia của các nguồn vốn từ các khu vực khác, TP.HCM coi PPP là kênh dẫn vốn hiệu quả nhất trong thời điểm này.

Cam kết triển khai PPP minh bạch

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) khẳng định, những nỗ lực của TP.HCM trong thời gian qua để phát huy giá trị của hình thức đầu tư PPP là rất đáng ghi nhận và nhân rộng. “Từ rất sớm và tiên phong, TP.HCM đã thành lập bộ phận chuyên trách về PPP giúp Thành phố hoạch định chương trình thu hút nhà đầu tư tham gia vào các dự án PPP. Có thể nói, nếu xét về góc độ địa phương, TP.HCM là nơi đầu tiên thành lập cơ quan này, do đó, sự phát triển về số lượng cũng như hiệu quả của các dự án PPP tại đây là kết quả của quá trình quan tâm, ưu tiên phát triển lĩnh vực này của Thành phố. Chúng tôi rất tin tưởng chương trình PPP của TP.HCM sẽ áp dụng linh hoạt và thành công”, ông Nguyễn Đăng Trương nhận định.

Về 4 lĩnh vực mà TP.HCM ưu tiên đầu tư theo hình thức PPP là y tế, giáo dục, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải và chống ngập, đại diện Cục Quản lý đấu thầu khẳng định, đây là những lĩnh vực có nhu cầu đầu tư bức thiết, tác động trực tiếp đến sinh hoạt của người dân nhưng lại có nguồn thu từ dự án rất nhỏ lẻ. Do đó, TP.HCM cần chọn những dự án tiên phong trong từng lĩnh vực để quyết liệt triển khai, bố  trí nguồn lực. Thành phố cần sớm chủ động lập danh mục thu hút đầu tư, công bố rộng rãi. Đặc biệt, ông Trương khuyến nghị, TP.HCM cần lưu ý lựa chọn loại hợp đồng phù hợp với từng dự án nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, TP.HCM cam kết sẽ quan tâm đến khâu chuẩn bị dự án một cách chuyên nghiệp, minh bạch nhất. “Chỉ khi cơ quan chuyên môn của Thành phố có sự chuẩn bị dự án chất lượng thì sẽ giúp cho quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP thuận lợi. Khi lộ trình hoàn thiện khung pháp lý cho PPP đã được Bộ KH&ĐT cam kết sớm có kết quả, TP.HCM sẽ càng có cơ sở để tạo dựng môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. TP.HCM cam kết chia sẻ sòng phẳng rủi ro với các nhà đầu tư, lựa chọn dạng hợp đồng phù hợp, làm rõ lợi ích các bên trong toàn bộ quá trình triển khai các dự án PPP”, ông Nhân nhấn mạnh.

Chuyên đề