Kẽ hở “lọt” tham nhũng tại dự án BT

(BĐT) - “Hình thức đầu tư BT rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai, minh bạch vì lợi ích nhóm, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa hoặc những diện tích đất rộng lớn của địa phương”. 
Các chuyên gia khuyến cáo chỉ nên áp dụng hình thức đầu tư BT tại một số địa phương có ngân sách yếu kém, hạ tầng thiếu. Ảnh: Gia Khoa
Các chuyên gia khuyến cáo chỉ nên áp dụng hình thức đầu tư BT tại một số địa phương có ngân sách yếu kém, hạ tầng thiếu. Ảnh: Gia Khoa

Ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo “Cơ chế đầu tư BT - những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện” diễn ra ngày 19/10 tại Hà Nội.

Dự án BT ít chịu sức ép dư luận

Tại Hội thảo, chuyên gia Phạm Quang Tú thuộc Tổ chức Oxfam Việt Nam cho biết, sau khi Chính phủ đưa ra nhiều quyết định kiểm soát chặt chẽ dự án BOT, nhiều nhà đầu tư đã thể hiện ý định không đề xuất các dự án BOT mà chuyển sang đề xuất dự án BT. Với hình thức BT, thay vì trả nhà đầu tư công trình hạ tầng bằng tiền thì Nhà nước trả bằng tài sản công, dạng giao dịch “hàng đổi hàng”. Tuy nhiên, việc xác định giá trị của công trình hạ tầng và tài sản công đem đổi (đất đai) hiện không cụ thể, thiếu minh bạch vì tồn tại nhiều khoảng trống, nhất là khoảng trống pháp lý nên nguy cơ tham nhũng rất lớn.

Theo ông Hồ Đức Phớc, khởi nguồn của những bất cập tại nhiều dự án BT là do công tác lựa chọn nhà đầu tư không cạnh tranh, hầu hết là chỉ định thầu. Nhiều nhà đầu tư được lựa chọn có năng lực tài chính hạn chế, thiếu kinh nghiệm quản lý, không đảm bảo tiến độ, phải gia hạn hợp đồng, làm tăng chi phí đầu tư… Tuy nhiên, so với dự án BOT thì dự án BT ít vấp phải phản ứng từ dư luận do người dân không phải bỏ tiền để thanh toán cho dự án và dư luận xã hội cũng ít nắm được thông tin về loại hợp đồng dự án này.

Ông Nguyễn Đình Hòa, Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán thì đánh giá, với dự án BT, thất thoát trong quá trình triển khai dự án là thất thoát kép. Bởi, kết cấu hạ tầng mà dự án BT đưa ra chào không có cạnh tranh nên không phản ánh theo giá thị trường và đất đai trả cho nhà đầu tư cũng chưa được xác định đúng giá trị. 

Tiềm ẩn nguy cơ thất thoát

Tại Hội thảo, bà Trương Hải Yến, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp thuộc KTNN cho biết, qua kiểm toán 21 dự án BT (đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 3.800 tỷ đồng) KTNN nhận thấy, cơ chế, chính sách và thực tế triển khai loại hợp đồng dự án này còn nhiều bất cập, hạn chế. Các dự án BT đa số lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu; nhu cầu, mục tiêu đầu tư không rõ ràng, không thể hiện được sự cần thiết, cấp bách. Đặc biệt, việc giao đất đã giải phóng mặt bằng không thông qua hình thức đấu giá tại các dự án này đang tạo ra kẻ hở xin - cho rất lớn.

Theo các chuyên gia, để tăng tính minh bạch trong triển khai dự án BT, cần xem xét lại quy định cho phép nhà đầu tư đề xuất và lập dự án đầu tư, bởi quy định này đang tạo tính khép kín trong lập và thực hiện dự án. Việc để nhà đầu tư “một mình một chợ” tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Quyết liệt hơn, GS. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bày tỏ quan điểm, đã đến lúc phải chấm dứt cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” tại các địa phương phát triển, chỉ cho phép áp dụng tại một số địa phương có ngân sách yếu kém, hạ tầng thiếu, để tăng tính minh bạch trong đầu tư các dự án.

Có chung quan điểm, ông Nguyễn Đình Hòa cho rằng, trong thời gian qua BT là một giao dịch đầu tư - thương mại phi thị trường điển hình và tiềm ẩn lợi ích nhóm, đứng ở trên cả 2 góc độ kinh tế và pháp lý. Theo đó, dự án BT về bản chất là hoạt động mua - bán, nhưng không theo cơ chế thị trường, bởi bên mua – Nhà nước không có sản phẩm cùng loại để có điều kiện lựa chọn và bên bán – nhà đầu tư không có đối tượng để cạnh tranh trực tiếp. Với dự án BT, các cơ quan nhà nước chỉ giám sát việc tuân thủ các nghĩa vụ của nhà đầu tư, doanh nghiệp theo hợp đồng. Còn người dân do không được tham gia vào bất cứ một công đoạn nào trong quá trình triển khai dự án nên nhiều trường hợp còn lầm tưởng Nhà nước trực tiếp đầu tư dự án cho dân hưởng lợi.

Chuyên đề