Chuyện đi mua hồ sơ mời thầu

(BĐT) - Năm 2017 đã là năm thứ 4 thực hiện Luật Đấu thầu 2013. Một quãng thời gian không dài nhưng đủ để đánh giá về sức sống của Luật trong đời sống xã hội. Những mặt tích cực kèm theo những tồn tại trong công tác đấu thầu đã được thể hiện rõ nét hơn trong năm 2017. 

Theo quy định của Luật Đấu thầu thì đấu thầu rộng rãi không hạn chế nhà thầu tham gia dự thầu. Ảnh: Tiên Giang

Mua hồ sơ mời thầu là nhiệm vụ bất khả thi

Để có thể nhìn nhận tổng thể về hoạt động đấu thầu trong 1 năm chắc là phải chờ đến lúc có các báo cáo thực hiện và tổng kết của cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể cảm nhận được sự sôi động hàng ngày của hoạt động đấu thầu trong phạm vi toàn quốc thông qua Báo Đấu thầu - một ấn phẩm có chức năng, nhiệm vụ quy định tại Điều 8 Luật Đấu thầu. Tờ báo dường như là nhịp thở của các hoạt động đấu thầu, lúc khoan thai, lúc dồn dập, sôi động, mãnh liệt.

Trong khuôn khổ của 1 số báo, thông tin về các cuộc đấu thầu thường chiếm tỷ lệ tuyệt đại đa số, tới 80 hoặc 90%, thậm chí còn cao hơn tùy theo từng ngày. Trong số đó, các thông tin về thông báo mời thầu lại chiếm tỷ trọng đáng kể. Nhà thầu muốn tìm cơ hội tham gia đấu thầu thì phải theo dõi sát sao những thông tin này hàng ngày. Khi đã có thông tin, nhà thầu sẽ xem xét, lựa chọn, cân nhắc rồi quyết định đi mua hồ sơ mời thầu (HSMT).

Thời buổi bây giờ thì đơn giản như vậy, nhưng trở lại quá khứ khi chưa có Luật Đấu thầu, chưa có Báo Đấu thầu, khi muốn có thông tin về một gói thầu, nhà thầu phải lặn lội tìm đến tận nơi phát hành HSMT, rất mất thời gian và tốn cả chi phí.  

Tôi là một độc giả trung thành của Báo Đấu thầu, nhưng tôi không phải là nhà thầu nên sự quan tâm của tôi lại là tình hình đấu thầu nói chung. Thật phấn khởi khi thấy ở một số gói thầu thông qua đấu thầu rộng rãi đã đạt được tỷ lệ tiết kiệm cao, 10, 20, thậm chí cá biệt tới trên 50%. Điều này minh chứng cho sự ưu việt của hình thức lựa chọn này do không hạn chế nhà thầu tham gia dự thầu.

Thời gian gần đây, tôi thấy Báo Đấu thầu phản ánh khá liên tục câu chuyện một số nhà thầu không mua được HSMT dù hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi. Sự việc không bình thường này đã làm tôi bị thu hút. Muôn vàn lý do đã được dẫn ra để giải thích cho hiện tượng này. Thông thường nhất là do nhà thầu không có cách nào để tìm được địa chỉ của bên mời thầu (BMT) hoặc không thể liên hệ qua điện thoại với BMT như trong thông báo mời thầu. Có trường hợp nhà thầu gặp được cán bộ của BMT nhưng vì người này không được giao trách nhiệm bán HSMT, còn người có trách nhiệm thì đi vắng do bận công tác đột xuất hoặc đang đi nghỉ phép, nên việc mua HSMT trở nên bất khả thi.

Trong một số trường hợp khác, nhà thầu rơi vào tình cảnh éo le là máy photocopy của BMT không hiểu vì sao lại trục trặc nên không in kịp HSMT để bán. Rồi có lúc giữa nhà thầu và BMT lại có sự đối đầu về thông tin như thể “ông chẳng bà chuộc”. Nhà thầu nói không thể mua được HSMT, nhưng BMT lại khẳng định không hề có chuyện đó vì BMT vẫn đang bán hồ sơ cho bất cứ nhà thầu nào có nhu cầu.

Một số trường hợp may mắn hơn, khi kiên trì “bám đuổi” có nhà thầu đã mua được hồ sơ, nhưng ngó lại thì niềm vui chẳng kéo dài lâu vì thời gian để chuẩn bị hồ sơ dự thầu (HSDT) còn quá ngắn ngủi. Chia sẻ những câu chuyện này, một nhà thầu từng khẳng định với tôi rằng họ (tức BMT) đã có nhà thầu trúng thầu từ trước rồi, nên các nhà thầu lạ làm sao mà mua được HSMT. 

Kỳ vọng môi trường đấu thầu minh bạch

Một tín hiệu tích cực là việc cản trở nhà thầu mua HSMT không phải xảy ra ở tất cả mọi gói thầu. Tỷ lệ gói thầu để xảy ra hiện tượng tiêu cực này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng số hàng trăm nghìn gói thầu lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi mỗi năm.
Một nhà thầu quen thổ lộ với tôi rằng, đi mua HSMT cực lắm, không khác gì cảnh đi tìm trầm, mặc dù đã ngậm ngải mà sau chuyến đi vẫn hoàn tay trắng. Nói như thế dù hơi ngoa nhưng cũng chẳng sai. Có lẽ chỉ có làm nhà thầu đi mua HSMT mới thấu hiểu nỗi đắng cay, cực nhọc của công việc này. Nó cũng không khác lắm so với cảnh xin cấp lại sổ gạo do đánh mất trong thời kỳ bao cấp trước đây. 

Tôi cứ trăn trở mãi sao có mỗi cái chuyện đi mua HSMT tưởng là đơn giản mà thực tế lại phức tạp vậy? Nó diễn ra dưới nhiều hình thức, muôn hình vạn trạng, thậm chí đôi khi gây tức cười vì những lý giải ngây ngô. Giá có ai đó viết một kịch bản về việc này, rồi dựng thành phim thì ắt cũng không ít tiếng cười như khi xem Táo quân trên truyền hình vào mỗi dịp Tết.

Tôi được biết các phóng viên Báo Đấu thầu đã tốn khá nhiều công sức để xác nhận lại các thông tin, thậm chí còn cùng nhà thầu trải nghiệm đi mua HSMT để có được bài viết đăng tải trên Báo. Những thông tin về khó khăn của nhà thầu đi mua HSMT vẫn liên tục xuất hiện trên Báo như nhắc nhở, thúc giục mọi người hãy tìm câu trả lời xác đáng cho câu chuyện này.

Theo quy định của Luật Đấu thầu thì đấu thầu rộng rãi không hạn chế nhà thầu tham gia dự thầu. Tuy nhiên, muốn tham dự thầu thì nhà thầu phải nhận được HSMT từ BMT để chuẩn bị HSDT. Do vậy, việc gây khó khăn cho  nhà thầu tiếp cận, hay cản trở nhà thầu mua HSMT được xem là hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu.

Sự việc này đã xuất hiện từ những năm đầu thực hiện Luật Đấu thầu và có vẻ ngày càng nhiều hơn, trầm trọng hơn. Nó xảy ra phổ biến đến mức cứ vài ngày lại xuất hiện trên Báo Đấu thầu khiến nhiều người bức xúc. Cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã kịp thời nhận ra vấn đề nêu trên nên đã ban hành văn bản chấn chỉnh công tác đăng tải thông tin về đấu thầu.

 Một tín hiệu tích cực là việc cản trở nhà thầu mua HSMT không phải xảy ra ở tất cả mọi gói thầu. Tỷ lệ gói thầu để xảy ra hiện tượng tiêu cực này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng số hàng trăm nghìn gói thầu lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi mỗi năm. Song như thường nói “con sâu làm rầu nồi canh”, do đó chúng ta cần nhặt sạn để bát canh múc ra trông ngon mắt và hấp dẫn.

Thực tế, các thông tin trên Báo Đấu thầu về khó khăn của nhà thầu khi đi mua HSMT mới chỉ là hiện tượng. Chỉ khi nào vụ việc bị xử lý bởi người có thẩm quyền theo quy định thì khi đó những hiện tượng tiêu cực nêu trên mới thực sự là vi phạm. Do vậy, mong rằng trong năm 2018 mọi người sẽ thấu hiểu hơn và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về đấu thầu, đặc biệt là trách nhiệm xử lý các vi phạm để làm cho môi trường đấu thầu minh bạch hơn.

Chuyên đề