Tầm nhìn mới quan hệ kinh tế Việt Nam – Singapore

(BĐT) - Hôm qua (17/10), Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 13 về kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore đã diễn ra tại Hà Nội với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Việt Nam Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Công Thương Singapore Lim Hng Kiang. Hội nghị đã tiếp tục củng cố, làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Hội nghị khẳng định hợp tác kinh tế Việt Nam - Singapore đã phát triển mạnh mẽ trên cả 6 lĩnh vực hợp tác. Ảnh: Lê Tiên
Hội nghị khẳng định hợp tác kinh tế Việt Nam - Singapore đã phát triển mạnh mẽ trên cả 6 lĩnh vực hợp tác. Ảnh: Lê Tiên

Kết nối kinh tế vì lợi ích cả hai nước

Tại Hội nghị, hai Bộ trưởng đồng khẳng định hợp tác kinh tế Việt Nam - Singapore đã phát triển mạnh mẽ trên cả 6 lĩnh vực hợp tác bao gồm đầu tư, tài chính, giao thông vận tải, giáo dục và đào tạo, thương mại, dịch vụ. Đặc biệt, về đầu tư, tính đến hết tháng 8/2017, Singapore có 1.918 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt hơn 41,38 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số 122 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, sau Hàn Quốc và Nhật Bản. Quy mô vốn đầu tư đăng ký bình quân 1 dự án của Singapore khoảng 21,6 triệu USD, cao hơn so với mức trung bình của 1 dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (12,9 triệu USD/dự án).

Riêng 8 tháng năm 2017, Singapore có 3,93 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký tại Việt Nam, trong đó có 2,84 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới, 718 triệu USD vốn đăng ký tăng thêm, 370 triệu USD giá trị góp vốn mua cổ phần. Dự án có quy mô lớn nhất là Nhà máy BOT Nhiệt điện Nam Định 2 có tổng vốn đầu tư là 2,07 tỷ USD do nhà đầu tư nước thứ ba đầu tư vào Việt Nam thông qua pháp nhân tại Singapore.

Singapore đầu tư nhiều nhất vào công nghiệp chế biến, chế tạo với 548 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 17,9 tỷ USD. Việt Nam đang định hướng thu hút FDI tập trung vào các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, đây cũng là một trong những thế mạnh của Singapore. 

Các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đã trở thành biểu tượng cho mối quan hệ kinh tế giữa hai nước. Đến nay, VSIP Group đã phát triển 8 VSIP trên cả nước, thu hút hơn 720 nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư trong và ngoài nước khoảng 10 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất khẩu 32 tỷ USD. VSIP thứ 9 tại Quảng Trị hiện đang được Bộ KH&ĐT, UBND tỉnh Quảng Trị và các nhà đầu tư xúc tiến triển khai.

Việt Nam cũng đã có đầu tư sang Singapore với 93 dự án, tổng vốn là 235 triệu USD, đứng thứ 12 trong số 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư của Việt Nam tại nước ngoài. Các dự án đầu tư tập trung vào lĩnh vực dầu khí, khai khoáng, bán lẻ, công nghệ thông tin, logistics.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, môi trường đầu tư của Việt Nam đang có nhiều cải thiện, hấp dẫn và đang có làn sóng dịch chuyển đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam. Bộ trưởng hy vọng các nhà đầu tư Singapore không bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới, thông qua đầu tư trực tiếp, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), mua bán, sáp nhập, góp vốn mua cổ phần… Đặc biệt là những lĩnh vực Singapore có thế mạnh như cảng biển, logistics,… vừa mang lại giá trị gia tăng cao, hiệu quả kinh tế cho Singapore, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển của Việt Nam. 

Nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới

Hội nghị cấp bộ trưởng về kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore được tổ chức luân phiên và định kỳ hàng năm nhằm rà soát, kiểm điểm việc triển khai thực hiện các nội dung đã cam kết và đề ra kế hoạch, chương trình hành động giai đoạn tiếp theo.
Bộ trưởng Lim Hng Kiang cho biết, Đoàn đại biểu của Singapore lần này có nhiều doanh nghiệp lớn của Singapore, thể hiện sự quan tâm và đánh giá tích cực về môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam.

Tại Hội nghị, hai bên đã thảo luận về một số biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Singapore đầu tư, hoạt động tại Việt Nam và mở rộng hợp tác trên cả 6 lĩnh vực trong thời gian tới, đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới thực chất hơn, hiệu quả hơn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tuy hợp tác giữa hai nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của cả hai phía. Trước sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế thế giới, với sự hình thành nhiều mô hình mới, chuỗi cung ứng mới, trong thời gian tới, hai bên cần đẩy mạnh hợp tác cùng giải quyết những thách thức mới, tìm ra những cơ hội mới để cùng phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh sự kết nối Việt Nam - Singapore không chỉ dừng lại ở kết nối hai nước, mà còn mang lại lợi ích to lớn hơn, giúp mở rộng kết nối với các nước thứ ba thông qua mỗi nước để đầu tư vào nhau.

Chuyên đề