Bao giờ môi trường kinh doanh vào ASEAN 4?

(BĐT) - Không phải đến năm 2019 Chính phủ mới đặt mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh để đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN, tuy nhiên đích này vẫn khó tới. Phải chăng mục tiêu này quá khó để thực hiện hay đang có một lực cản khác?
Các quy định về formaldehyde trong sản phẩm dệt may vẫn khiến doanh nghiệp bức xúc. Ảnh: Nhã Chi
Các quy định về formaldehyde trong sản phẩm dệt may vẫn khiến doanh nghiệp bức xúc. Ảnh: Nhã Chi

Nóng chuyện “Bộ hứa bỏ nhưng không giữ lời”

Môi trường kinh doanh sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19 và nay là Nghị quyết số 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã tạo được niềm tin rất lớn với người dân, doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, chia sẻ với Báo Đấu thầu, bà Trịnh Tú Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ An Đô cho biết: “DN vẫn khốn khó thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành, có những điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ thì nay quay lại và tác hại hơn”.

Bà Tú Anh cho biết, trước đây, khi Bộ Công Thương bãi bỏ Thông tư 37/2015 quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyde và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may, các DN đã rất vui. Bởi thực hiện Thông tư 37, An Đô phải tốn kém cả tỷ đồng. Thế nhưng, niềm vui chưa được bao lâu thì Bộ Công Thương lại có Thông tư số 21/2017/TT-BCT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyde và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may. Khi DN kêu quá thì Bộ này thông báo tạm ngưng thực hiện từ tháng 5/2018 và bắt đầu thực hiện trở lại từ tháng 1/2019.

“Thông tư 21 rất nhiêu khê, chỉ thay đổi cách gọi nhưng thực chất vẫn là kiểm tra formaldehyde. Thực hiện theo Thông tư 21, An Đô sẽ phải tốn kém tới 3 tỷ đồng chứ không còn là 1 tỷ đồng như trước. Không hiểu thay đổi đó mang mục đích gì?”, đại diện Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ An Đô bức xúc.

Thừa nhận thực trạng này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: “Đúng là gần đây nhiều DN lĩnh vực dệt may cho biết, các quy định về formaldehyde trong sản phẩm dệt may lại diễn biến phức tạp. Đây là vấn đề lớn ảnh hưởng đến mục tiêu xóa bỏ rào cản cho DN”.

Thế nhưng, đáp lại những phản ánh của DN, tuần qua (ngày 14/2/2019), Bộ Công Thương đã có thông cáo bác thông tin “hứa xem xét về việc bỏ Thông tư 21, tuy nhiên không thực hiện”. Bộ khẳng định, việc nghiên cứu xem xét bỏ Thông tư 21 chỉ là ý kiến đề xuất ban đầu của một số DN; không phải ý kiến chính thức của Bộ Công Thương. Hơn nữa, thông tin về phát sinh chi phí từ quá trình áp dụng Thông tư 21 so với Thông tư 37 là không có cơ sở, không đúng với thực tế. 

Dứt khoát loại bỏ yếu tố gây cản trở

Bàn về vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tại cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) sáng 19/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh yêu cầu đưa Việt  Nam lọt top ASEAN 4 và tiệm cận tiêu chuẩn của Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD) về môi trường kinh doanh. “Chúng ta có Nghị quyết số 02, Nghị quyết số 35… nhưng không phải ban hành thế đã là xong. Ngành KH&ĐT cần tham vấn làm sao để thực thi đạt kết quả cao nhất, sớm nhất. Làm sao Bộ KH&ĐT tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ xóa được tình trạng “trên nóng dưới lạnh” mà nhân dân phản ánh”, Thủ tướng yêu cầu.

Ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ KH&ĐT cho rằng, nền kinh tế của chúng ta đã chuyển sang kinh tế thị trường được hơn 30 năm, đã hội nhập, tham gia WTO được hơn 10 năm, chúng ta đã có khung luật pháp cần thiết để có cơ sở pháp lý vận hành một nền kinh tế thị trường. Bây giờ là thời điểm hoàn tất vị thế của nền kinh tế chuyển đổi, để thực sự là kinh tế thị trường. Hoàn tất quá trình này, chúng ta bước vào nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập quốc tế như Đại hội XII đã khẳng định. “Vì vậy, trong kế hoạch 5 năm đầu của chiến lược 10 năm tới, cần nhanh chóng và dứt khoát loại bỏ những yếu tố gây cản trở sự vận hành bình thường của kinh tế thị trường. Đây thực sự là một tiền đề cơ bản và thiết yếu về thể chế để thiết kế chính sách tăng trưởng mới, hay còn gọi là đổi mới mô hình tăng trưởng”, ông Thắng yêu cầu.

Quyết tâm xóa bỏ rào cản cho DN, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật DN đang được Bộ KH&ĐT chủ trì xây dựng đã đề xuất thêm nhiều cải cách cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi nhất cho DN. Đó là sửa Luật DN để làm cho DN trở thành công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn cho nhà đầu tư, qua đó tăng cường thu hút, huy động nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, đề xuất tháo gỡ nhiều điểm vướng trong thực hiện Luật Đầu tư, xóa bỏ thêm hàng chục điều kiện kinh doanh…

Chuyên đề