Ủy ban Kinh tế: Thu NSNN không còn nhiều dư địa tăng

(BĐT) - Thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017 vượt 76,48 nghìn tỷ đồng (6,3%) so với dự toán; tuy nhiên, ngân sách trung ương bị hụt thu không thực hiện được vai trò chủ đạo; số tăng thu chủ yếu là tăng thu ngân sách địa phương.
Thu cân đối NSNN năm 2017 vượt 76,48 nghìn tỷ đồng (6,3%) so với dự toán. Ảnh: Tường Lâm
Thu cân đối NSNN năm 2017 vượt 76,48 nghìn tỷ đồng (6,3%) so với dự toán. Ảnh: Tường Lâm

Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội nêu quan điểm tại Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và các tháng đầu năm 2018.

Theo UBKT, thu từ nội tại nền kinh tế chưa bền vững do thu từ sản xuất kinh doanh của 3 khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế ngoài quốc doanh thấp hơn khá nhiều so với dự toán và thấp hơn số đã báo cáo Quốc hội.

Từ đó, UBKT đề nghị Chính phủ đánh giá sâu hơn về sự bền vững của tăng trưởng kinh tế trong năm 2017 và tạo đà cho 3 năm còn lại của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 khi ngân sách trung ương và thuế từ sản xuất, kinh doanh đều không đạt kế hoạch. Nợ đọng thuế năm 2017 là 73.145 tỷ đồng, tuy giảm so với năm 2016 nhưng còn lớn, chiếm 7,6% tổng thu nội địa nhưng chưa được báo cáo rõ về nguyên nhân, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu NSNN.

UBKT cũng chỉ ra việc cơ cấu lại NSNN và nợ công vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thu NSNN không còn nhiều dư địa tăng nên sẽ khó bố trí nguồn để bù đắp nếu có khoản chi phát sinh; huy động vốn vay cho cân đối ngân sách cũng sẽ khó khăn hơn do chi phí lãi vay tăng lên, huy động nguồn vốn từ xã hội có nhiều khó khăn, bất cập. Bên cạnh đó, trong 4 tháng đầu năm, tiến độ các khoản thu không đồng đều, một số khoản thu dù tăng so với cùng kỳ năm 2017 nhưng chưa bảo đảm tiến độ dự toán (dưới 32%) như thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (29,2% dự toán), thuế bảo vệ môi trường (28,7% dự toán).

Chuyên đề