Hành trình sóng gió ra tuyên bố chung của các ngoại trưởng ASEAN tại Lào

Trải qua nhiều tranh cãi, bất đồng, các ngoại trưởng ASEAN mới có thể thống nhất ra bản tuyên bố chung trong cuộc họp khẩn cuối cùng.
Ngoại trưởng các nước ASEAN trong hội nghị diễn ra tại Vientiane, Lào. Ảnh: AP
Ngoại trưởng các nước ASEAN trong hội nghị diễn ra tại Vientiane, Lào. Ảnh: AP

Để ra được bản tuyên bố chung sau hội nghị tại Lào hôm qua, các ngoại trưởng 10 nước ASEAN đã phải trải qua ít nhất hai phiên họp đặc biệt, cùng vô số những cuộc điện thoại về nước, và phải đối mặt với những câu hỏi khó về bản chất của sự đồng thuận trong khối, theo StraitsTimes.

Căng thẳng và chia rẽ bắt đầu xuất hiện tại Hội nghị thượng đỉnh Ngoại trưởng ASEAN (AMM) lần thứ 49 ở Vientiane khi các nước thành viên thảo luận về cách thức đối phó với vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, đặc biệt là sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" phi lý Trung Quốc đơn phương vẽ ra ở khu vực này.

Philippines là thành viên tích cực nhất trong việc hối thúc ASEAN thể hiện những lời lẽ kêu gọi tôn trọng phán quyết của tòa trong tuyên bố chung. Tuy nhiên, Campuchia, nước có quan hệ rất gần gũi với Trung Quốc, lại kiên quyết phản đối, buộc các ngoại trưởng phải trì hoãn thời gian ra tuyên bố, và các quan chức ngoại giao cấp cao phải cố gắng hết mình trong nỗ lực cuối cùng nhằm thu hẹp bất đồng.

"Đó là thời điểm khó khăn bởi tính tin cậy của ASEAN đang bị đe dọa, khi câu hỏi được đặt ra là vai trò trung tâm của ASEAN là thực tế hay chỉ là khái niệm", Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan chia sẻ với báo chí sau hội nghị.

Tối thứ bảy, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đề xuất tổ chức một phiên họp muộn, để các ngoại trưởng ASEAN trình bày lập trường của mình về vấn đề tranh chấp Biển Đông trước khi các cuộc thảo luận chính thức bắt đầu.

Thế nhưng, sang đến ngày hôm sau, các ngoại trưởng ASEAN kết thúc ba vòng thảo luận mà không đạt được bất cứ đồng thuận nào về cách thức đề cập vấn đề tranh chấp Biển Đông trong tuyên bố chung.

Campuchia được cho là đã tìm cách ngăn cản việc đề cập đến tranh chấp Biển Đông trong tuyên bố chung, đe dọa sẽ lặp lại sự cố lịch sử ở Phnom Penh vào năm 2012, khi những bất đồng tương tự đã khiến hội nghị ngoại trưởng lúc đó không ra được tuyên bố chung.

Vì ASEAN làm việc theo nguyên tắc đồng thuận, khối không thể chỉ trích Trung Quốc về vấn đề Biển Đông trong tuyên bố chung nếu như tất cả 10 thành viên không đồng ý. Thái độ phản đối quyết liệt của Campuchia đã đẩy ASEAN vào tình thế bế tắc, thậm chí có lúc các ngoại trưởng đã tính đến phương án đơn giản nhất là từ bỏ ý định ra tuyên bố chung.

Tuy nhiên, hội nghị AMM lần này đã tránh được một kết cục như vậy, khi các thành viên chủ chốt quyết liệt ra tay, theo các nguồn tin ngoại giao. Lào, nước giữ cương vị chủ tịch ASEAN năm nay, không hề muốn nhiệm kỳ của mình bị hoen ố bởi một hội nghị thượng đỉnh thất bại, một nhà ngoại giao cho biết.

Ngoại trưởng Myanmar Aung San Suu Kyi – một gương mặt mới tại AMM – đã khiến những người đồng cấp trong khối phải suy nghĩ khi đặt ra câu hỏi về bản chất của sự đồng thuận trong ASEAN.

Đến sáng sớm ngày thứ hai, ngay sau bữa sáng, một phiên họp khẩn cấp đã được triệu tập, như một nỗ lực vào phút chót để cứu vãn bản tuyên bố, ngay trước thềm cuộc gặp của các ngoại trưởng ASEAN với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị.

Sau cuộc họp khẩn, Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai nói với các phóng viên rằng vấn đề Biển Đông không hề được bàn bạc trong cuộc thảo luận này. Tuy nhiên, ông tiết lộ rằng ASEAN sẽ ra bản tuyên bố chung, dù không nói cụ thể nội dung của văn kiện.

Ngoại trưởng Indonesia Marsudi là tỏ ra vui mừng nhất sau cuộc họp. Bà bước ra ngoài với khuôn mặt rạng ngời. "Rất tích cực, chúng tôi đã đi đúng hướng. Chúng tôi đã tiến được một bước dài", bà nói với các phóng viên.

Bản tuyên bố chung

Ba giờ sau đó, bản tuyên bố chung được đăng tải trên website của ASEAN. Tuy nhiên, phán quyết của Tòa Trọng tài cũng như các hành động của Trung Quốc không hề được đề cập trong bản tuyên bố chung, mà các ngoại trưởng chỉ bày tỏ quan ngại về những diễn biến trên Biển Đông.

Bản tuyên bố chung cũng kêu gọi các bên "tôn trọng các quy trình pháp lý và ngoại giao... theo các nguyên tắc đã được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)".

Từ trái qua phải: Ngoại trưởng Myanamar Aung San Suu Kyi, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan, Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai. Ảnh: AP

Bình luận viên Vijay Joshi của AP gọi bản tuyên bố này của ASEAN là "cú đánh khẽ vào cổ tay" Trung Quốc, thể hiện những chia rẽ sâu sắc trong cộng đồng các quốc gia vốn rất tự hào về tinh thần đoàn kết của mình.

"Việc ASEAN không đề cập đến quyết định của Tòa Trọng tài sẽ không ảnh hưởng đến khả năng thực thi phán quyết, dù Trung Quốc đã tuyên bố sẽ không thừa nhận hay chấp nhận nó. Nhưng việc này một lần nữa thể hiện sự bất lực của ASEAN trong việc hình thành một mặt trận thống nhất, cũng như kỹ xảo của Trung Quốc trong việc sử dụng Campuchia để phục vụ cho lợi ích của mình trong khối", ông Ian Storey, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISAS) ở Singapore, nhận định.

"Rõ ràng, Campuchia đã làm tê liệt ASEAN, gây tổn hại tới tính thống nhất, đoàn kết, thích đáng và danh tiếng của khối. Họ biến ASEAN trở thành kẻ ngoài cuộc, chứ không còn đóng vai trò trung tâm trong vấn đề này", Malcolm Cook, một nhà phân tích khác ở ISAS, bình luận.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Singapore Balakrishnan cho rằng bản tuyên bố chung của AMM lần này đã đáp ứng được những yêu cầu cơ bản nhất của ASEAN đối với vấn đề khu vực. "Bạn không thể có được mọi thứ mình muốn. Mấu chốt chính là bản chất của bản tuyên bố, trong trường hợp này là về luật pháp quốc tế, UCLOS, các nước nhỏ được tiếp cận với các biện pháp pháp lý, ngoại giao. Tất cả các yếu tố chủ chốt đó đều có trong bản tuyên bố", ông nói.

Ông Balakrishnan cũng bác bỏ những đề xuất cho rằng đã đến lúc ASEAN cần phải nhìn nhận lại chính sách đồng thuận của mình.

"Khi bạn có một hiệp hội với sự đa dạng lớn như vậy, tôi cho rằng quy trình buộc bạn phải tìm kiếm sự đồng thuận là rất quan trọng. Dù quy trình này rất khó khăn với các nhà ngoại giao, các bộ trưởng, nhưng chính sự khó khăn đó đã giữ cho ASEAN thành một khối", Ngoại trưởng Singapore nhấn mạnh.

Chuyên đề