VPBank trình phương án chia hết lợi nhuận cho cổ đông

Nhà băng này dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng tỷ lệ gần 52% từ 4.500 tỷ đồng lợi nhuận còn lại năm 2017.

Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa công bố tài liệu cho phiên họp thường niên năm 2018, được tổ chức vào ngày 19/3. Ngoài những báo cáo về hoạt động kinh doanh, VPBank dự kiến trình cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay với trọng tâm là phương án chia cổ tức và cổ phiếu thưởng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối và thặng dư vốn cổ phần.

Theo phương án sẽ trình cổ đông, VPBank sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 31,25% bằng toàn bộ số lợi nhuận còn lại năm 2017 là hơn 4.500 tỷ đồng và gần 155 tỷ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Nếu được thông qua, việc chia cổ tức sẽ được tiến hành ngay trong quý II và vốn điều lệ của ngân hàng tăng lên gần 20.400 tỷ đồng.

Ngoài phương án này, VPBank cũng dự kiến trình cổ đông phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho cán bộ công nhân viên (ESOP) với tỷ lệ 4,14%. Mức giá phát hành bằng mệnh giá (10.000 đồng) và bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm. Cùng với đó là hai phương án tăng vốn khác, bao gồm phương án mua lại cổ phần ưu đãi cổ tức làm cổ phiếu quỹ và chia lại số cổ phần này dưới dạng cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu; phát hành riêng lẻ cho cổ đông trong và ngoài nước.

Phương án cuối cùng được nhà băng này đề xuất là việc chia cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn cổ phần. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý IV năm nay với tỷ lệ 20,35%.

Tổng cộng theo 5 phương án được VPBank trình cổ đông, vốn điều lệ dự kiến của ngân hàng này đến cuối năm 2018 sẽ đạt gần 27.800 tỷ đồng, tăng 77% so với cuối năm 2017.

Ngoài các phương án tăng vốn, VPBank cũng đặt mục tiêu lợi nhuận cho năm nay tăng gần 33% so với thực hiện năm 2017, lên mức 10.800 tỷ đồng. Tổng tài sản đến cuối năm dự kiến cũng tăng hơn 29% lên gần 360.000 tỷ đồng.

Trong đó, dư nợ cấp tín dụng đặt kế hoạch tăng gần 24% lên hơn 240.000 tỷ. Nguồn vốn huy động thông qua tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá dự kiến tăng hơn 21% lên xấp xỉ 242.000 tỷ đồng.

Chuyên đề