Thêm nhiều giải pháp cắt giảm chi phí cho DN

(BĐT) - Chi phí chính thức cao cùng với chi phí bất hợp lý vẫn là vấn đề nhức nhối, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp (DN). Nhiều nỗ lực triển khai cắt giảm chi phí thời gian qua đã cho thấy những chuyển động khá tích cực trong công tác này.
Sự bất hợp lý trong các quy định của pháp luật dẫn đến DN phải chịu thêm các khoản chi phí phát sinh không đáng có. Ảnh: Hoài Tâm
Sự bất hợp lý trong các quy định của pháp luật dẫn đến DN phải chịu thêm các khoản chi phí phát sinh không đáng có. Ảnh: Hoài Tâm

Chuyển động tích cực

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, 2017 là năm có nhiều dấu ấn quan trọng trong nỗ lực của Chính phủ về tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển DN. Nhằm giảm chi phí cho DN, năm nay, Chính phủ đã thường xuyên quan tâm tới việc cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, giảm thanh tra, kiểm tra DN…

“Những chỉ đạo, điều hành này đã dần lan tỏa xuống các bộ, ngành và chính quyền địa phương”, ông Lộc cho biết. Đến nay, nhiều vướng mắc, khó khăn của DN đã được lắng nghe, được cơ quan nhà nước tháo gỡ với thái độ cầu thị. Nhiều Bộ như Công Thương, Tài chính… đã chủ động rà soát, ban hành kế hoạch cải cách điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm kiểm tra chuyên ngành.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận xét: “Tôi đã nhìn thấy sự chuyển động, “trên nói dưới bắt đầu làm” của các bộ, ngành và địa phương trong vấn đề cải cách, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN”. Đặc biệt, theo ông Cung, hiện nay nhiều địa phương đã có rất nhiều sáng kiến để tạo thuận lợi cho DN.

Theo Báo cáo rà soát, cắt giảm các loại chi phí chính thức ngoài phí, lệ phí và chi phí phát sinh liên quan đến thủ tục cấp phép đầu tư, xây dựng, tiếp cận đất đai đối với DN của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa trình Chính phủ, nhiều địa phương đang có những cải cách tích cực trong hoạt động này. Một số địa phương, ngoài việc rà soát, cắt giảm chi phí cho DN còn rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến DN.

Đơn cử, tại Thanh Hóa đã rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường so với quy định. Cụ thể là rút ngắn tối thiểu 50% thời gian đối với các thủ tục hành chính đang được thực hiện với thời gian giải quyết trên 10 ngày, rút ngắn tối thiểu 30% thời gian đối với các thủ tục hành chính đang thực hiện với thời gian giải quyết dưới 10 ngày. 

Đề xuất loạt giải pháp cắt giảm chi phí cho DN

Theo phản ánh của DN, cán bộ hải quan thường áp đặt mức giá tính thuế cao nhất trong khung giá do Tổng cục Hải quan khuyến nghị và không có cơ chế hữu hiệu bảo vệ DN khi có bất đồng quan điểm trong giá trị tính thuế, DN không có cơ hội có ý kiến tham vấn. Điều này làm tăng chi phí một cách bất hợp lý cho DN. Bên cạnh đó là chi phí về logistics cao… làm giảm năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam.
Dù đánh giá cao những bước tiến trong việc cải thiện môi trường kinh doanh năm 2017, song ông Cung khá quan ngại khi nhìn vào việc thực thi cải cách của các địa phương vẫn còn chậm. Những tuyên bố về Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động vẫn chưa thấm đến công chức ở địa phương.

Về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế thuộc VCCI bày tỏ: “Điều đáng quan ngại tại Việt Nam là chính sách có thể hay, đường lối chỉ đạo rất phù hợp nhưng thực hiện lại chưa đồng đều, chưa sát thực tế khiến DN vẫn gặp nhiều khó khăn, chi phí vẫn cao”.

Báo cáo của Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra, do sự bất hợp lý trong các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường… dẫn đến DN phải chịu thêm các khoản chi phí phát sinh không đáng có.

Từ thực tế nêu trên, Bộ KH&ĐT tiếp tục đề xuất một loạt giải pháp cắt giảm chi phí cho DN liên quan đến cấp phép đầu tư, xây dựng, tiếp cận đất đai đối với DN. Trong đó, Bộ sẽ tiếp tục đôn đốc, đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 19-2017/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP, Chỉ thị 26/CT-TTg. Đồng thời, Bộ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định nhằm tạo sự liên thông giữa các thủ tục đầu tư với các thủ tục về đất đai, xây dựng, đấu thầu, môi trường... Nghiên cứu, đề xuất quy định về quản lý thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư của khu vực tư nhân theo hướng hậu kiểm, cấp phép đưa công trình dự án vào khai thác, sử dụng thay cho các quy định tiền kiểm. Kiến nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ công trong các lĩnh vực cấp phép đầu tư, cấp giấy phép xây dựng, tiếp cận đất đai… theo hướng minh bạch hóa thông tin, giảm thời gian, tiết kiệm chí phí cho DN.

Chuyên đề