Doanh nghiệp vật liệu xây dựng chịu áp lực “tứ bề”

(BĐT) - Theo dự báo, thị trường bất động sản 2 tháng cuối năm 2017 và cả năm 2018 sẽ trầm lắng trở lại, tác động trực tiếp đến thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) trong nước. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Áp lực cạnh tranh của thị trường này còn lớn hơn khi các doanh nghiệp (DN) có vốn ngoại sản xuất VLXD đang đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. 

Dự án khan hiếm, cạnh tranh khốc liệt

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam nhận định, trong thời gian tới, mức độ cạnh tranh trên thị trường VLXD Việt Nam sẽ ngày càng gay gắt. Bởi lẽ, thị trường nhà ở và BĐS cuối năm 2017 và năm 2018 sẽ không còn sôi động, tăng trưởng mạnh mẽ như trước, mà đi vào ổn định hơn, thậm chí trầm lắng trở lại. Theo ông Nam, số dự án khởi công mới gần đây ít đi. Trong khi đó, tín hiệu từ các nhà thầu xây lắp lớn cho thấy, công việc cho năm 2018 sẽ không nhiều. Nếu như đến thời điểm tháng 9, tháng 10 của năm 2016, các công ty xây lắp lớn như Coteccons, Hòa Bình… đã lo đủ công ăn việc làm cả năm 2017, thì đến thời điểm này của năm nay vẫn đang phải tìm kiếm các hợp đồng cho năm tới.

Đến thời điểm này, các dự án quy mô lớn của Nhà nước, những dự án chuẩn bị khởi công mới cũng có phần hạn chế hơn nhiều so với mọi năm. Hiện các công trình lớn có đầu tư bằng vốn nhà nước như đường sắt trên cao, cao tốc, sân bay… về cơ bản đã hoàn thành phần thô, tức là VLXD đã xong, trong khi các dự án sân bay mới, cao tốc mới… chưa bắt đầu, nên nhu cầu VLXD dự báo sẽ không tăng trong thời gian tới.

Tại các báo cáo về tình hình sản xuất, tiêu thụ VLXD của Bộ Xây dựng và các đơn vị liên quan đưa ra gần đây đều cho thấy, tình hình tiêu thụ các mặt hàng VLXD ở trong nước tăng trưởng không mạnh. Cụ thể, theo số liệu của Hiệp hội Xi măng Việt Nam thì đến thời điểm này lượng xi măng tiêu thụ trong nước chỉ tăng 2%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 10%.  Kính xây dựng 10 tháng năm 2017 sản xuất được 156 triệu m2, bằng 96% cùng kỳ năm ngoái. Gạch ốp lát, sứ vệ sinh gần như không có tăng trưởng… “Với đà này, năm 2018, các mặt hàng VLXD chủ chốt khó có tăng trưởng đột biến, thậm chí là khó tiêu thụ”.

Bên cạnh nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ VLXD trong nước đang chững lại, điều đáng lo ngại nhất là sự cạnh tranh quyết liệt với hàng có nguồn gốc từ nước ngoài, trong đó có Trung Quốc.

Ông Nguyễn Quang Cung, Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam chia sẻ với Báo Đấu thầu, theo tin từ một số DN sản xuất VLXD của Trung Quốc, từ ngày 15/11/2017 - 15/3/2018, toàn bộ ngành VLXD của nước này sẽ đóng cửa. Với thông tin này, ông Cung cho rằng, dường như Trung Quốc đang có cuộc cách mạng đối với hoạt động sản xuất VLXD về nhiều mặt với khẩu hiệu “Trung Quốc sáng tạo và giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.

Trong cuộc chuyển mình này, nhiều khả năng các DN sản xuất VLXD của Trung Quốc sẽ đầu tư đổi mới công nghệ, gắn với tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm… và tạo sức ép về hàng hóa chất lượng cao với thị trường Việt Nam.

Ngoài Trung Quốc, nhiều DN VLXD đến từ Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Italia, Singapore… sẽ cạnh tranh với các DN nội địa Việt Nam. 

Doanh nghiệp đi theo hướng nào?

Để tăng sức chống chịu và có khả năng cạnh tranh, ông Nguyễn Trần Nam cho rằng, các DN thuộc lĩnh vực VLXD cần phải có kế hoạch sản xuất phù hợp, đổi mới công nghệ, hướng đến sản phẩm thân thiện với môi trường. “Ngoài chuyện tổ chức sản xuất tốt, tăng cường năng lực cạnh tranh, hàng hóa chất lượng cao, giá thành hạ thì các DN cần xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm và thị trường một cách bài bản, trong đó phải đẩy mạnh khuyếch trương thương hiệu”, ông Nam khuyến nghị.

Đại diện Hiệp hội VLXD cho rằng, không còn lựa chọn nào khác, các DN sản xuất VLXD trong nước phải chú trọng hơn nữa vào việc đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhưng phải giảm giá thành…

Đối với DN sản xuất xi măng, trong một báo cáo mới đây, Hiệp hội Xi măng Việt Nam cũng khuyến nghị các DN thành viên cần nắm bắt diễn biến thị trường xi măng thế giới để điều chỉnh kịp thời hoạt động sản xuất, tăng giảm nguồn cung để tránh bị ép giá, giữ giá bán ổn định; có chiến lược dài hạn về hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chuyên đề