Áp lực giải ngân đầu tư công tháng cuối năm

(BĐT) - Kết quả giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng năm 2018 còn khá xa so với kế hoạch năm. Nhiều bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tập trung giải ngân trong giai đoạn nước rút này.
Nhiều bộ, ngành và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch 11 tháng đầu năm 2018 dưới 65% kế hoạch năm. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều bộ, ngành và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch 11 tháng đầu năm 2018 dưới 65% kế hoạch năm. Ảnh: Lê Tiên

Nơi giải ngân 90%, nơi chưa đến 30%

Theo số liệu giải ngân vốn đầu tư công công khai trên cổng thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đến ngày 30/11/2018, TP.HCM mới giải ngân được 16.272 tỷ đồng, đạt 37,17% kế hoạch vốn được giao. Theo ông Đào Minh Chánh, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Sở KH&ĐT TP.HCM, giải ngân chậm nhất là nguồn vốn vay nước ngoài do vướng nhiều thủ tục và khó khăn trong điều hòa vốn, đặc biệt là liên quan đến dự án tàu điện ngầm.

Ông Đào Minh Chánh cho biết, vướng mắc lớn nhất trong 11 tháng qua dẫn đến giải ngân chậm là do vấn đề giải phóng mặt bằng. Cuối tháng 11, lãnh đạo Thành phố đã có quyết định điều hòa vốn từ dự án giải ngân chậm sang dự án giải ngân nhanh. Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý các vấn đề liên quan đến đất đai để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng. Với các giải pháp quyết liệt, kế hoạch đặt ra cho hết năm của TP.HCM, theo ông Đào Minh Chánh, là đạt tỷ lệ giải ngân chung trên 80%, riêng vốn ngân sách địa phương không tính phần vốn vay nước ngoài có thể đạt 95%.

Kiên Giang cũng là tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng dưới 65% kế hoạch. Theo số liệu báo cáo đến ngày 22/11, tỉnh Kiên Giang giải ngân được 3.191 tỷ đồng, đạt 54,88% kế hoạch. Đến hết tháng 11, tỷ lệ giải ngân tăng lên khoảng 59% kế hoạch và phấn đấu cả năm đạt khoảng 86%. Vướng mắc lớn nhất của Tỉnh là ở Dự án Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang và Dự án Chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hiện nay vướng mắc đã được tháo gỡ, giải ngân của 2 dự án này trong tháng cuối năm sẽ đóng góp lớn vào giải ngân chung.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm cũng là tình hình chung của nhiều bộ, ngành, địa phương. Theo thống kê của Bộ Tài chính đến 28/11, ước thanh toán vốn đầu tư công năm 2018 là 239.573,357 tỷ đồng, đạt 59,94% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 61,62% so kế hoạch Thủ tướng giao. Trong đó, vốn trong nước là 218.330,2 tỷ đồng, đạt 64,32% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 65,41% kế hoạch Thủ tướng giao. Vốn ngoài nước là 21.243,175 tỷ đồng; đạt 35,25% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 38,65% kế hoạch Thủ tướng giao.

Số liệu của Bộ Tài chính cũng cho thấy, có 5 bộ, ngành và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trên 80% kế hoạch; trong đó có 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 90% là Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Nam Định, Bình Phước. Tuy nhiên, còn 31/56 bộ, ngành và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch 11 tháng đầu năm 2018 dưới 65% kế hoạch năm, trong đó có 13 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân thấp hơn 30%, thậm chí có bộ còn chưa giải ngân kế hoạch vốn. 

Nhiều nguyên nhân

Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, đến tháng 11/2018, một số vướng mắc vẫn còn tồn tại, chưa được giải quyết dứt điểm dẫn đến công tác giải ngân chưa đạt yêu cầu. Trong đó, có thể kể đến như vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; thủ tục điều chỉnh hạng mục, điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công và dự toán. Năng lực của một số nhà thầu còn chưa đảm bảo...

Về vốn trái phiếu chính phủ (TPCP), Bộ Tài chính cho biết, nguyên nhân lớn dẫn đến giải ngân chậm là do giai đoạn 2017 - 2020, hầu hết các dự án của các bộ, ngành được giao vốn lớn đều là dự án khởi công mới (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 35/42 dự án khởi công mới, Bộ Y tế có 8/8 dự án khởi công mới). Hiện nay, hầu hết các dự án mới hoàn thiện công tác lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, lựa chọn đơn vị thi công, vì vậy tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Ngoài ra, trong triển khai, một số bộ, ngành và địa phương, một số chủ đầu tư vẫn chưa thực sự chủ động và quyết liệt. Chậm hoàn thiện trong công tác lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, lựa chọn đơn vị thi công.

Đối với vốn ODA, ách tắc do vấn đề thủ tục là khá rõ. Theo Bộ Tài chính, một số dự án hỗn hợp bao gồm cả cấp phát và cho vay lại chưa giải ngân hoặc giải ngân thấp do gặp vướng mắc trong thực hiện việc ký kết hợp đồng cho vay lại. Tại Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc chậm xem xét điều kiện cấp giải ngân lần đầu, chủ đầu tư và nhà thầu chậm hoàn thành hồ sơ thanh toán. Dự án Nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, chủ đầu tư trình thẩm định dự án đầu tư tại Bộ Xây dựng từ năm 2017 nhưng đến tháng 7/2018 Bộ Xây dựng mới có văn bản thẩm định tổng mức đầu tư... Ngoài ra, việc giao kế hoạch vốn chưa phù hợp ở một số dự án; một số dự án lớn dừng thực hiện để điều chỉnh tổng mức đầu tư, đánh giá lại hiệu quả... cũng là nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân.

Chuyên đề