Đấu thầu dịch vụ công ích hệ thống thoát nước TP.HCM: Vì sao việc thí điểm vẫn nằm trên giấy?

(BĐT) - Năm 2014, TP.HCM đã mạnh dạn thí điểm đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ công ích đối với công tác duy tu, sửa chữa hệ thống thoát nước với hy vọng sẽ lựa chọn được những nhà thầu đủ năng lực đảm nhận công việc “khó nhằn” này, góp phần giảm tình trạng ngập úng cho Thành phố.
Tình trạng ngập úng ngày càng nặng nề tại TP.HCM do thoát nước kém. Ảnh: V. Huyền
Tình trạng ngập úng ngày càng nặng nề tại TP.HCM do thoát nước kém. Ảnh: V. Huyền

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm, việc thí điểm này vẫn nằm trên giấy vì vướng quá nhiều thủ tục. Còn địa phương có gói thầu thí điểm lại “xin” không tổ chức đấu thầu. 

Chỉ 20% hệ thống tuyến cống đủ khả năng vận hành

Bộ Xây dựng cho biết, có trên 50% các tuyến cống tại các đô thị hiện nay đã bị hư hỏng nghiêm trọng cần phải sửa chữa, 30% các tuyến cống đã xuống cấp, chỉ khoảng 20% vừa được xây dựng là còn tốt. Tại TP.HCM, một đô thị lớn nhất cả nước, tình trạng này cũng không khả quan hơn. Theo báo cáo của các công ty thoát nước và công ty môi trường đô thị, tình trạng úng cục bộ nặng nề của TP.HCM trong mùa mưa có nguyên nhân chủ yếu là mạng lưới tuyến cống quá cũ kỹ, lạc hậu, thiếu đồng bộ, và không được duy tu, sửa chữa kịp thời.

Thông tin từ các công ty thoát nước, công ty môi trường đô thị và các công ty tư vấn cho biết, tại TP.HCM đang tồn tại trên 100 điểm ngập, nhiều điểm ngập trầm trọng.

Đi sâu tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng ngày càng nặng nề dù ngân sách đã chi hàng chục triệu USD của TP.HCM, nhiều chuyên gia đều cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là việc tổ chức phân cấp quản lý hệ thống thoát nước hiện nay chưa được thống nhất. Thực tế, công tác duy tu, bảo dưỡng cũng như xây dựng mới mạng lưới tuyến cống thoát nước không được thực hiện đồng bộ.

Hiện nay, các tuyến cống tại TP.HCM đều do Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị quản lý, duy tu, nạo vét, sửa chữa. Trong khi đó, với hệ thống cống dày đặc, lan tỏa khắp Thành phố như hiện nay, công tác duy tu gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý mạng lưới thoát nước tổ chức đấu thầu chưa tốt, dẫn đến thủ tục rườm rà, làm chậm tiến độ thi công của các gói thầu. “Chính vì không tổ chức đấu thầu rộng rãi các gói thầu duy tu, sửa chữa hệ thống thoát nước, nên không thể lựa chọn được những đơn vị có đủ năng lực để thi công. Sự thiếu cạnh tranh khi cung cấp dịch vụ công ích này là một phần chính dẫn đến tình trạng chất lượng của hệ thống tuyến cống ngày càng đi xuống, không đảm đương được khả năng thoát nước vào mùa mưa”, một chuyên gia thoát nước chia sẻ.

Kiên trì để tiếp tục đấu thầu

Trả lời Báo Đấu thầu, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM (Trung tâm chống ngập) cho biết, năm 2014 Thành phố đã có chủ trương giao Trung tâm chống ngập tổ chức thực hiện công tác đấu thầu công tác vận hành khai thác và duy tu sửa chữa đối với toàn bộ hệ thống thoát nước khu vực Quận 4 do Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập quản lý (cấp 1, 2) và Ủy ban nhân dân Quận 4 quản lý”.Vào thời điểm đó, TP.HCM là địa phương đầu tiên của cả nước mạnh dạn thí điểm mô hình này. Tuy nhiên, đến nay, các gói thầu được hứa hẹn sẽ góp phần nâng cao khả năng vận hành của mạng thoát nước của Thành phố vẫn chưa được tiến hành. Nguyên nhân của việc chậm trễ này được Trung tâm chống ngập cho biết là “do Sở Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu để hướng dẫn chi tiết quy trình, thủ tục, hồ sơ thực hiện đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch đối với từng loại hình sản phẩm, dịch vụ công ích thuộc phạm vi quản lý của Thành phố. Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải đang xây dựng quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích thuộc lĩnh vực giao thông vận tải. Đồng thời, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị có văn bản đề nghị xin được tiếp tục đặt hàng và UBND Quận 4 có văn bản đề nghị không tổ chức đấu thầu các tuyến cống cấp 3, 4”.

Trung tâm chống ngập khẳng định, đấu thầu các dịch vụ công ích nói chung, dịch vụ quản lý và duy tu sửa chữa hệ thống thoát nước nói riêng là một chủ trương lớn của Nhà nước và lợi ích của nó về tính minh bạch và tiết kiệm trong quản lý ngân sách nhà nước thì mọi người đều biết. Riêng về việc nâng cao chất lượng dịch vụ thì trong giai đoạn đấu thầu phụ thuộc vào chất lượng của hồ sơ mời thầu và chất lượng đánh giá hồ sơ dự thầu để lựa chọn được nhà thầu vừa có đủ năng lực thực hiện gói thầu đồng thời có giá đánh giá thấp nhất.

Dù việc thí điểm đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ duy tu, sửa chữa của TP.HCM đang tạm dừng nhưng Trung tâm chống ngập vẫn kiên trì chuẩn bị để có thể tiến hành đấu thầu một cách chuẩn mực. “Trước mắt, việc lập Hồ sơ mời thầu để lựa chọn nhà thầu cung ứng dịch vụ công ích sẽ phải tham khảo vận dụng theo Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT và Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT. Vì chưa có các Văn bản hướng dẫn nên Trung tâm Chống ngập chủ trương lựa chọn đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu có đủ năng lực để thực hiện”, Trung tâm chống ngập khẳng định.

Trung tâm chống ngập cho biết, tổ chức đấu thầu làm tăng tính minh bạch và tiết kiệm trong quản lý ngân sách nhà nước, do đó, đơn vị này sẽ vẫn kiên trì theo đuổi hình thức này. “Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn đang rất hạn hẹp so với nhu cầu đầu tư các công trình chống ngập và thực hiện công tác duy tu thoát nước, việc tiết kiệm được kinh phí qua đấu thầu sẽ tạo điều kiện thực hiện được nhiều khối lượng phục vụ cho công tác giảm ngập hơn và nên được nhân rộng”, đại diện Trung tâm chống ngập chia sẻ.

Chuyên đề