Tranh cãi về chứng thư bảo lãnh tham gia đấu giá

(BĐT) - Công ty TNHH Thương mại dịch vụ đấu giá Thanh Nam (Công ty Thanh Nam) vừa tổ chức phiên đấu giá quyền quản lý, khai thác tài sản tại 2 lâm trường Vĩnh Lợi và Thạnh Hóa (Long An) vào mục đích cho thuê để trồng rừng, khai thác rừng. Công ty CP Xây dựng thương mại Thới Bình (Công ty Thới Bình) cho biết, Công ty Thanh Nam đã không cho Công ty Thới Bình tham dự đấu giá vì chứng thư bảo lãnh không hợp lệ.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Dùng chứng thư cam kết thu xếp vốn tham gia đấu giá

Ngày 11/12/2018, Công ty Thanh Nam thông báo đấu giá tài sản (ĐGTS) đối với quyền quản lý, khai thác tài sản tại 2 lâm trường Vĩnh Lợi và Thạnh Hóa vào mục đích cho thuê để trồng rừng, khai thác rừng. Tổng diện tích cho thuê để trồng và khai thác rừng tràm là 1.329,23 ha, thời hạn cho thuê là 30 năm. Tổng giá khởi điểm cho thuê (30 năm) là 200 tỷ đồng.

Tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia đấu giá thông qua việc nộp hồ sơ hợp lệ và đặt trước cho Công ty Thanh Nam số tiền tham gia đấu giá là 30 tỷ đồng/hồ sơ vào tài khoản của tổ chức đấu giá hoặc nộp chứng thư bảo lãnh ngân hàng.

Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty Thanh Nam cho biết, đã có 6 tổ chức, cá nhân mua hồ sơ tham gia đấu giá. Sau khi nhận hồ sơ, chỉ có 2 tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tham gia đấu giá.

Theo phản ánh của Công ty Thới Bình, mặc dù mua và nộp hồ sơ đấu giá theo đúng quy định, Công ty Thanh Nam vẫn không cho Công ty Thới Bình tham dự đấu giá với lý do chứng thư bảo lãnh của họ không hợp lệ.

Ông Nguyễn Trí Thức, Trưởng phòng Đấu thầu của Công ty Thới Bình cho biết, doanh nghiệp này đã nộp chứng thư cam kết thu xếp vốn để thực hiện đấu giá tài sản nêu trên theo mẫu của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - Chi nhánh Tân Phú, TP.HCM (gọi tắt là SeABank Tân Phú) phát hành. Trong thông báo ĐGTS, Công ty Thanh Nam không đưa ra mẫu chứng thư bảo lãnh nên Công ty Thới Bình đã sử dụng mẫu theo quy định của ngân hàng tham gia đấu giá.

 “Chúng tôi giải thích nhiều lần và yêu cầu các bên liên quan xác minh với ngân hàng cung cấp chứng thư nhưng không được thực hiện, Đơn vị tổ chức đấu giá vẫn khăng khăng cho rằng chứng thư của Công ty Thới Bình không hợp lệ nên đã không cho chúng tôi tham gia đấu giá. Việc tổ chức đấu giá kết luận chứng thư không hợp lệ là thiếu thuyết phục, ảnh hưởng tới quyền lợi của Công ty Thới Bình” – ông Thức khẳng định.

Chứng thư cam kết thu xếp vốn có hợp lệ?

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một cán bộ Phòng Khách hàng doanh nghiệp thuộc SeABank Tân Phú cho biết, trong các quy định về bảo lãnh ngân hàng thì không có mẫu chứng thư bảo lãnh cho hoạt động đấu giá. SeABank hiện chỉ cung cấp các chứng thư bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tạm ứng, bảo lãnh bảo hành, bảo lãnh thanh toán… Do chưa có cơ sở pháp lý về cung cấp chứng thư bảo lãnh đấu giá nên SeABank Tân Phú đã làm việc với Công ty Thới Bình dựa trên những yêu cầu của Công ty để cung cấp Chứng thư cam kết thu xếp vốn. Công ty Thới Bình cũng cho biết là đơn vị tổ chức đấu giá cũng không có mẫu chứng thư bảo lãnh ngân hàng. Về thực hiện nghĩa vụ của Chứng thư, do Chứng thư của SeABank Tân Phú gửi cho Công ty Thanh Nam nên Ngân hàng sẽ thực hiện nghĩa vụ với Công ty Thanh Nam dựa trên những cam kết cụ thể trong Chứng thư.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Trung, mục đích của quy định phải nộp tiền đặt trước tham gia đấu giá hoặc chứng thư bảo lãnh ngân hàng là để đảm bảo trách nhiệm của khách hàng khi tham gia đấu giá. Bởi, tại thời điểm khách hàng tham gia đấu giá, khách hàng phải có 30 tỷ đồng được giữ trong tài khoản tại ngân hàng bảo lãnh. Tài khoản này được ngân hàng phong tỏa trong thời gian khách hàng tham gia đấu giá. Nếu khách hàng vi phạm trình tự, thủ tục đấu giá thì tổ chức đấu giá sẽ yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản đó để xử lý theo quy định pháp luật. Còn chứng thư cam kết thu xếp vốn được SeABank Tân Phú cung cấp cho Công ty Thới Bình chỉ là cam kết từ phía ngân hàng trong việc tài trợ vốn cho Công ty Thới Bình trong trường hợp Công ty Thới Bình trúng đấu giá. Cam kết thu xếp vốn giữa SeABank Tân Phú và Công ty Thới Bình là trong vòng 360 ngày, Ngân hàng sẽ cung cấp vốn cho Công ty Thới Bình để thực hiện việc mua tài sản.

Theo ông Trung, Chứng thư cam kết thu xếp vốn của Công ty Thới Bình có nội dung: “Cam kết thu xếp vốn này không có giá trị chuyển nhượng, không xác lập bất kỳ nghĩa vụ nào đối với bên thứ ba”. Nội dung cam kết này là không phù hợp với quy chế ĐGTS của Công ty Thanh Nam phát hành. Do đó, ông Trung khẳng định, Công ty Thới Bình không đáp ứng điều kiện để tham gia đấu giá.

Phiên đấu giá quyền quản lý, khai thác tài sản tại 2 lâm trường Vĩnh Lợi và Thạnh Hóa vào mục đích cho thuê để trồng rừng, khai thác rừng được Công ty Thanh Nam tổ chức vào ngày 28/12/2018 với sự tham gia của 2 khách hàng. Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty Thanh Nam cho biết, một doanh nghiệp tại TP.HCM đã trúng đấu giá với giá 203,2 tỷ đồng, chênh lệch 3,2 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Chuyên đề