Công ty dự chi hàng tỷ USD mua Sabeco mới thành lập và vừa tăng vốn lên 681 tỷ

Công ty TNHH Vietnam Beverage - đại gia bí ẩn vừa khiến thị trường tài chính bất ngờ khi đăng ký mua từ 25% cổ phần của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội Sabeco (mã chứng khoán SAB), tương ứng số tiền hàng tỷ USD có quá trình tăng vốn và đổi tên khá nhanh.
Tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi được cho là đứng sau vụ thâu tóm Sabeco.
Tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi được cho là đứng sau vụ thâu tóm Sabeco.

Công ty này được thành  đầu tháng 10/2017 với tên chính thức là Công ty TNHH Nga Sơn Beverage, chỉ với 2 nhân viên, vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Chủ sở hữu khi đó của công ty là Công ty cổ phần Đầu tư Nga Sơn - công ty này cũng được thành lập trước đó vài ngày (27/9/2017). Bà Trần Kim Nga giữ vị trí tổng giám đốc và người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.

Các ngành nghề chính khi thành lập của công ty là bán buôn, bán lẻ, dịch vụ đồ uống…

Đến ngày 7/12, công ty đã có loạt thay đổi đáng kể. Cụ thể, doanh nghiệp này tăng vốn điều lệ lên 681,6 tỷ đồng. Đơn vị sở hữu lại được chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần Đầu tư F&B Alliance Việt Nam.

Đại diện theo pháp luật, giám đốc của công ty là Michael Chye Hin Fah. Ông Michael có quốc tịch Singapore và hiện là thành viên Hội đồng quản trị của Vinamilk và Giám đốc phụ trách Fraser and Neave Ltd. (công ty mẹ của F&N Dairy Investments Pte Ltd) - tập đoàn đồ uống nổi tiếng của Thái Lan.

F&N là quỹ đầu tư quen thuộc trên thị trường chứng khoán Việt Nam, do tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi nắm quyền kiểm soát.

Theo nhận định của các đơn vi tư vấn, Chính phủ hiểu rất rõ về giá trị thương hiệu và đang lựa chọn nhà đầu tư phù hợp nhất với Sabeco bởi vấn đề không chỉ ở việc bán được giá cao nhất mà còn là phát triển hãng bia lớn nhất nước. Theo đó, các doanh nghiệp ngoại, quỹ đầu tư nước ngoài mua thì sẽ đảm bảo về nguồn lực tài chính.

Tuy nhiên, với mục đích thâu tóm Sabeco, không ngoại trừ việc các nhóm nhà đầu tư có thể "góp gạo thổi cơm chung" để mua được cổ phần của Sabeco. Hoặc trường hợp nhà đầu tư nước ngoài nhờ các doanh nghiệp trong nước đứng tên giúp bởi tỷ lệ room ngoại của Sabeco được khống chế ở mức 49%, hay đơn giản là đầu tư kiểu lướt sóng sau đó bán lại cho nước ngoài như cái cách mà Heineken đã thâu tóm được 5% cổ phần của Sabeco trước đây.

Do đó, không ngoại trừ có "cá mập lớn" đang muốn mua trọn lô cổ phiếu thoái vốn của Sabeco nên thành lập nhiều pháp nhân để hợp pháp hoá các quy tắc thoái vốn rất nghiêm ngặt của Bộ Công Thương.

Theo một nguồn tin từ Bộ Công Thương, có một quỹ đầu tư quen thuộc trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã đăng ký mua hơn 43,67% vốn của Sabeco với giá khởi điểm 320.000 đồng/cổ phiếu.

Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, trong quyết định của Bộ Công thương cũng đã có quy định chi tiết để thực hiện như tỷ lệ sở hữu mà các nhà đầu tư nước ngoài tối tối đa được mua là 49%, bao gồm cả phần sở hữu hiện hữu của các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay là hơn 9%. Nghĩa là, các nhà đầu tư nước ngoài có thể mua tối đa 38,59% vốn điều lệ của Sabeco trong đợt này.

Trường hợp tham gia chào bán cạnh tranh, nhà đầu tư không phải thực hiện theo các quy định về chào mua công khai khi có ý định mua đạt hoặc vượt các tỷ lệ sở hữu phải chào mua công khai quy định tại Luật Chứng khoán.

Nhà đầu tư có nhu cầu đặt mua với khối lượng đạt hoặc vượt các tỷ lệ sở hữu phải chào mua công khai 25% phải thực hiện báo cáo Ban tổ chức chào bán cạnh tranh và công bố thông tin trước ngày tổ chức chào bán 7 ngày về số lượng cổ phần dự kiến mua.

Nhà đầu tư cũng phải thực hiện các quy định về thông báo tập trung kinh tế cho Bộ Công Thương trước, khi nhà đầu tư là tổ chức cùng ngành với Sabeco đăng ký tham gia chào giá cạnh tranh, mua cổ phần Sabeco có thể dẫn đến việc thị phần kết hợp vượt mức theo quy định của Luật Cạnh tranh.

So với các quy chế chào bán cạnh tranh cổ phần nhà nước trước đây, Quy chế chào bán cạnh tranh cổ phần nhà nước tại Sabeco được công bố ngày 29/11/2017 đã có những tiến bộ cũng như đảm bảo nguyên tắc minh bạch, khách quan. Việc yêu cầu nhà đầu tư mua lô lớn phải công bố thông tin số lượng cổ phần dự kiến mua trước ngày tổ chức chào bán 7 ngày, giúp các nhà đầu tư nhỏ nắm bắt được tình hình và chủ động trong kế hoạch tham gia mua cạnh tranh.

Trước đó, Bộ Công Thương đã phát đi thông tin bán 53,59% vốn điều lệ của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn. Cụ thể, Bộ Công Thương sẽ chào bán 343.662.587 cổ phần với giá khởi điểm được xác định ở mức 320.000 đồng/cổ phiếu. Ngày chào bán cạnh tranh sẽ là ngày 18/12/2017.

Theo tính toán, Bộ Công Thương có thể thu về gần 110.000 tỷ đồng từ đợt thoái vốn này.

Chuyên đề