Tư duy mới về kinh tế tư nhân sau Đại hội XII của Đảng

(BĐT) - Đại hội lần thứ XII của Đảng (tháng 1/2016) đã đề ra đường lối phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2016 - 2020 với nhiều điểm phản ánh tính đột phá trong tư duy phát triển kinh tế. Trong đó, nổi bật là việc khẳng định “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”.
Năm 2016, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, chủ trương khuyến khích khởi nghiệp được hưởng ứng mạnh mẽ, với số doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục
Năm 2016, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, chủ trương khuyến khích khởi nghiệp được hưởng ứng mạnh mẽ, với số doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục

Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng

Hướng tổng quát của tư duy đổi mới là kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được trong thời kỳ đổi mới, tiếp tục thực hiện “đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, có bước đi phù hợp trên các lĩnh vực, nhất là giữa kinh tế và chính trị. Tiếp tục đổi mới tư duy, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc nhằm khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực của đất nước, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững. Nhận thức đúng và xử lý tốt các nhân tố tạo thành động lực tổng hợp để đổi mới và hội nhập”. Đồng thời nhấn mạnh việc “tiếp tục đổi mới và sáng tạo trong lãnh đạo, quản lý phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường, cạnh tranh bình đẳng, minh bạch”.

Đặc biệt là những điểm đột phá cụ thể, có ý nghĩa quan trọng trong tư duy về sở hữu, về phát triển các thành phần kinh tế. Trong đó, nổi bật là việc khẳng định “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”.

Cụ thể, trước đây, Văn kiện Đại hội XI (tháng 1/2011) của Đảng có ghi: “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô... Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế” (Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020). Đến Đại hội XII (tháng 1/2016), Văn kiện Đại hội viết: “… Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo…, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế” (Báo cáo Chính trị tại Đại hội XII).

Như vậy, lần đầu tiên, kinh tế tư nhân được định danh rõ ràng là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Ngoài ra, đường lối phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2016 - 2020 còn có nhiều điểm đột phá khác như: Xác định rõ hơn vai trò của Nhà nước và thị trường trong phát triển kinh tế; khẳng định quan điểm đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập của nền kinh tế thị trường; khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công, nhất là các hình thức đối tác công tư; khuyến khích đẩy mạnh quá trình khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp Việt Nam cả về số lượng và chất lượng; đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng cổ phần hóa… 

Sự khởi sắc của kinh tế tư nhân

Nhìn lại 30 năm đổi mới kinh tế, diện mạo của khu vực kinh tế tư nhân đã có sự thay đổi rõ nét, số lượng doanh nghiệp tư nhân không ngừng phát triển với quy mô rộng lớn hơn. Kinh tế tư nhân đã tham gia ở tất cả lĩnh vực. Tất cả đang ngày càng đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế và xã hội. Tính bình quân giai đoạn 5 năm 2011 -2015, khu vực kinh tế tư nhân chiếm 86% tổng số lao động, 36 - 38% số vốn đầu tư và sản xuất ra 47 - 48% GDP cả nước. Riêng năm 2016, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, chủ trương khuyến khích khởi nghiệp đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ và sâu rộng trong xã hội. Kết quả là, lần đầu tiên có trên 110.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký trên 891 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, tăng 16,2% về số doanh nghiệp và 48,1% về vốn so với năm 2015.

Tuy vậy, nhiều mặt hạn chế của khu vực kinh tế tư nhân như quy mô nhỏ, công nghệ sản xuất, kinh doanh lạc hậu, sức cạnh tranh yếu, khả năng liên kết hẹp... đang cần được tháo gỡ, tiếp sức và tự nỗ lực vươn lên trong thời gian tới.  Hy vọng, năm 2017 sẽ tiếp tục là năm có kết quả cao hơn về hoạt động khởi nghiệp, có nhiều hơn các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có quy mô lớn, hiện đại và có thương hiệu trên thương trường quốc tế.

Chuyên đề