Tìm cách phát triển kinh tế miền Trung

(BĐT) - Theo một số chuyên gia, một trong những hạn chế trong liên kết vùng duyên hải miền Trung là do tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh, thành phố trong Vùng tương đối tương đồng. 
Duyên hải miền Trung có lợi thế to lớn để phát triển kinh tế với tài nguyên du lịch đẳng cấp quốc tế. Ảnh: Lê Tiên
Duyên hải miền Trung có lợi thế to lớn để phát triển kinh tế với tài nguyên du lịch đẳng cấp quốc tế. Ảnh: Lê Tiên

Để thúc đẩy kinh tế - xã hội của các tỉnh duyên hải miền Trung phát triển, tạo đột phá trong liên kết vùng là việc cần làm, bởi không thể phát triển nếu không gian kinh tế bị chia cắt.

Không chỉ trông vào lợi thế tự nhiên

Tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung lần thứ 2 vừa được tổ chức tại Đà Nẵng ngày 25/9, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, vùng duyên hải miền Trung có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển. Với “mặt tiền” hướng ra biển Đông, đường bờ biển dài hơn 1.200km, có nhiều bãi biển và phong cảnh đẹp, vùng này có lợi thế to lớn để phát triển kinh tế - xã hội với tài nguyên du lịch đẳng cấp quốc tế. Nhất là trong thời đại mở cửa, hội nhập quốc tế, Vùng có tới 13 cảng biển, trong đó có 7 cảng biển loại I.

Có điều kiện tự nhiên thuận lợi, tuy nhiên theo ông Trần Đình Thiên, nếu xét thực chất cấu trúc các nguồn lực và điều kiện phát triển, vùng này vẫn yếu hơn các vùng kinh tế trọng điểm khác. Nguyên nhân là do Vùng còn thiếu nhiều điều kiện nền tảng hoặc yếu kém hơn trong một số khâu quyết định. Đó là sự thiếu thốn hạ tầng kinh tế, gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin - viễn thông, hạ tầng công nghiệp và hạ tầng đô thị.

Bên cạnh đó, tại miền Trung còn đang có một cuộc cạnh tranh phát triển cảng biển diễn ra quyết liệt giữa các tỉnh. Các cảng Chân Mây, Đà Nẵng, Kỳ Hà, Dung Quất, Quy Nhơn và Nha Trang, cảng nào cũng tốt, vì thế, khó “nhường nhau” trong nỗ lực phát triển.

Trong khi đó, TS. Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright tại Việt Nam lại nêu ra một thực tế là các ưu đãi đầu tư như đất đai hay thuế vào miền Trung giờ đây đã được sử dụng hết ở các địa phương. Điều đó đặt ra một câu hỏi là phải bước tiếp như thế nào trong phát triển kinh tế Vùng và từng địa phương. 

Đột phá liên kết

Qua 2 kỳ Diễn đàn Kinh tế miền Trung, đã có rất nhiều hướng đi được đề xuất cho 9 tỉnh thuộc vùng này. Song, với những lợi thế gần như tương đồng giữa các địa phương, các chuyên gia cho rằng, để phát triển Vùng, cần phải có đột phá trong liên kết giữa các địa phương cũng như những ngành kinh tế, tập trung nguồn lực vào các mục tiêu mũi nhọn của từng khu kinh tế (KKT), giảm bớt tình trạng cạnh tranh lẫn nhau giữa các KKT trong Vùng.

Trong báo cáo kiến nghị được ông Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, Trưởng ban Ban điều phối các tỉnh duyên hải miền Trung gửi Thủ tướng Chính phủ đã đề xuất, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các tỉnh trong Vùng và các bộ, ngành rà soát quy hoạch phát triển các KKT tại Vùng, trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh. Đồng thời, quy hoạch các phân khu chức năng của từng KKT cho phù hợp với khả năng thu hút đầu tư, tránh trùng lắp với chức năng của các KKT khác, giúp tập trung nguồn lực vào các mục tiêu mũi nhọn của từng KKT, giảm bớt tình trạng cạnh tranh lẫn nhau giữa các KKT trong Vùng.

Với hệ thống cảng biển mà “cảng nào cũng tốt” như một số chuyên gia đã chỉ ra, ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fullbright tại Việt Nam đề xuất một hướng đi mới trong đẩy mạnh liên kết Vùng, đó là phải thúc đẩy việc hình thành Trung tâm Logistics tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung theo hình thức hợp tác công tư (PPP).

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, câu nói “các tỉnh miền Trung mạnh nhưng mạnh ai người nấy làm là thực tiễn”, phải thôi thúc hành động để câu nói trên chỉ là hoài niệm. Cát cứ đang là rào cản lớn cho sự phát triển của các tỉnh duyên hải miền Trung. Cần phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong Vùng để tạo sức lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế  - xã hội của toàn Vùng.

Chuyên đề