Tập trung cho công tác xây dựng pháp luật

(BĐT) - Ngày mai (20/10), Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV sẽ chính thức khai mạc. Kỳ họp sẽ tập trung dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật (chiếm khoảng 63% thời gian của Kỳ họp).
Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV sẽ chính thức khai mạc ngày 20/10. Ảnh: Lê Tiên
Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV sẽ chính thức khai mạc ngày 20/10. Ảnh: Lê Tiên

Dự kiến, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 dự án luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến về 13 dự án luật, 1 nghị quyết. Cụ thể, các dự án luật và nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Luật về Hội; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Cũng tại kỳ họp này, một số dự án luật quan trọng như Luật Đường sắt (sửa đổi); Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Quy hoạch; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Luật Quản lý và sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi)… sẽ được Quốc hội thảo luận và cho ý kiến.

Quốc hội cũng sẽ dành khoảng 10 ngày làm việc để xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước. Trong đó sẽ xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) năm 2016, Kế hoạch phát triển KT - XH năm 2017; Báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017; Báo cáo Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020; Báo cáo Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020...              

Chuyên đề