Lấp khoảng trống pháp lý với kinh tế chia sẻ

(BĐT) - Cơ sở pháp lý để quản lý mô hình kinh tế chia sẻ (KTCS) đã được bàn thảo lâu nay, nhưng hầu hết văn bản pháp luật hiện hành chưa có quy định liên quan đến mô hình này. Lấp khoảng trống này như thế nào để tạo điều kiện thúc đẩy KTCS thay vì mặc kệ, hoặc không quản được thì cấm là vấn đề đặt ra rất nóng hiện nay.
Ngoài ý nghĩa tích cực, kinh tế chia sẻ cũng làm nảy sinh rủi ro về cạnh tranh không công bằng, vấn đề thuế, lao động và thất nghiệp. Ảnh: Lê Tiên
Ngoài ý nghĩa tích cực, kinh tế chia sẻ cũng làm nảy sinh rủi ro về cạnh tranh không công bằng, vấn đề thuế, lao động và thất nghiệp. Ảnh: Lê Tiên

Thiếu cơ chế, chính sách

Nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy, trên thế giới, quy mô của KTCS ước đạt 14 tỷ USD năm 2014 và có thể tăng lên 335 tỷ USD vào năm 2035. Mô hình KTCS nổi lên ở 6 nhóm ngành nghề chính: dịch vụ vận tải; dịch vụ du lịch và khách sạn; dịch vụ bán lẻ; dịch vụ lao động, việc làm; dịch vụ tài chính; dịch vụ quảng cáo trực tuyến. Và dự kiến, trong tương lai có thể có thêm nhiều ngành nghề, nhóm ngành nghề hoặc dịch vụ khác phát triển theo mô hình KTCS. Lý do chính là mô hình kinh tế này tận dụng lợi thế của phát triển công nghệ thông qua nền tảng số.

Tại Việt Nam, KTCS phát triển ở 3 nhóm: dịch vụ vận tải trực tuyến (Grab, Fastgo...), dịch vụ chia sẻ phòng (Airbnb, Travelmod…) và cho vay ngang hàng. Ngoài ra, nhiều dịch vụ khác cũng đã được hình thành trên thực tế như: dịch vụ du lịch, gửi xe, nhân lực…

Đề cập về lợi ích của KTCS, Dự thảo Đề án KTCS vừa được Bộ KH&ĐT trình Chính phủ nhấn mạnh, KTCS có nhiều ưu điểm, mang lại nhiều lợi ích. Đó là tiết kiệm tài nguyên thông qua sử dụng tiết kiệm toàn bộ tài sản trong vòng đời của nó; giảm chi phí giao dịch, tăng cạnh tranh trong các hoạt động kinh tế; thúc đẩy phát triển công nghệ… Tuy nhiên, KTCS cũng làm nảy sinh rủi ro về cạnh tranh không công bằng; vấn đề thuế và các nghĩa vụ tài chính; lao động và thất nghiệp.

Trong quản lý mô hình kinh tế này, Bộ KH&ĐT cho biết, các quốc gia có nhiều cách tiếp cận khác nhau nhưng nhìn chung không có pháp luật chung mà điều chỉnh riêng lẻ ở từng lĩnh vực, từng ngành. Chính sách pháp luật Việt Nam hiện nay còn khoảng trống pháp lý đối với KTCS.

Đề án chỉ rõ, hầu hết văn bản pháp luật hiện hành chưa có quy định liên quan đến KTCS; còn thiếu các cơ chế, chính sách quy định về quản lý, giám sát hoạt động của mô hình KTCS như trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014, cũng như các quy định pháp luật về thương mại điện tử, các chính sách quy định về nghĩa vụ tài chính...

Ngoài ra, Việt Nam hiện thiếu các chính sách đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa kinh tế truyền thống và KTCS trong từng ngành; thiếu các cơ chế chính sách quy định trách nhiệm rõ ràng hơn của các bên trong KTCS... Đặc biệt về thuế, trong thực tế, do một số hoạt động của KTCS có đặc thù riêng và có tính đan xen giữa các ngành, nên ngành thuế gặp khó khăn trong việc phân loại thu nhập, hướng dẫn sử dụng hóa đơn, chứng từ đối với từng bên tham gia trong mô hình này…

Một chuyên gia về công nghệ trong nhóm 100 nhân tài thuộc Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam hiện đã về nước để khởi nghiệp trong lĩnh vực KTCS cũng đồng tình: “Đúng là cơ chế chính sách với KTCS hiện chưa đồng bộ, thiếu cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển”. 

Đề xuất 4 nhóm giải pháp

Bàn về vấn đề lấp khoảng trống chính sách với KTCS, tại cuộc họp về Đề án KTCS vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, ngành cần phải có cách tiếp cận mới trong xây dựng cơ chế chính sách về KTCS. Đó là tạo điều kiện cho KTCS ra đời và phát triển chứ không thể mặc kệ, hoặc không quản được thì cấm.

Theo đó, tại Dự thảo Đề án KTCS, Bộ KH&ĐT đề xuất 4 nhóm giải pháp lớn nhằm lấp khoảng trống chính sách đối với mô hình KTCS. Đó là nhóm giải pháp về thực hiện quyền, trách nhiệm và lợi ích của người cung cấp dịch vụ trong KTCS; nhóm giải pháp thực hiện quyền, trách nhiệm và lợi ích của người sử dụng dịch vụ trong KTCS; nhóm giải pháp thực hiện quyền, trách nhiệm và lợi ích của doanh nghiệp công nghệ/doanh nghiệp cung cấp nền tảng trong KTCS; nhóm giải pháp đối với Nhà nước nhằm xây dựng và phát triển hệ sinh thái cho kinh doanh, đầu tư theo mô hình KTCS.

Bày tỏ đồng tình với 4 nhóm giải pháp đề xuất, một chuyên gia về công nghệ bổ sung: “Đây là mô hình kinh doanh mới sẽ thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Song chúng ta đang thiếu một kênh chính thống tư vấn cho người dân, doanh nghiệp kinh doanh về KTCS”. Do đó, chuyên gia này gợi ý, kênh này có thể do một đơn vị của Nhà nước hoặc một tổ chức nào đó thực hiện.

Một vấn đề khác cũng rất được quan tâm là đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin, bảo vệ quyền của các bên tham gia trên không gian mạng trong KTCS. Về vấn đề này, chuyên gia nêu trên cho rằng, chính sách để quản lý KTCS không khó, bởi lẽ KTCS đều dùng công nghệ, đều đăng ký thông tin của họ vào một cơ sở dữ liệu nào đó nên hoạt động minh bạch. Tuy nhiên, nếu trường hợp nào vi phạm thì cần có chế tài xử lý nghiêm khắc…

Chuyên đề