Đại biểu Quốc hội: Vẫn còn tình trạng trên nóng dưới lạnh

(BĐT) - Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Ninh Thuận, trong khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trách nhiệm và quyết liệt thì bộ máy hành pháp bên dưới ở một số nơi còn thờ ơ và không làm tròn nhiệm vụ. Đại biểu Cương dẫn ra hai ví dụ để chứng minh cho tình trạng trên nóng dưới lạnh này.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) mang tới hội trường Quốc hội cả túi thuốc lá lậu mua được dễ dàng.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) mang tới hội trường Quốc hội cả túi thuốc lá lậu mua được dễ dàng.

Thứ nhất, đó là tình trạng buôn lậu, mặc dù báo cáo của Chính phủ chỉ nêu được 1 câu là "tình trạng buôn lậu vẫn đang xảy ra", nhưng trên thực tế, tình trạng buôn lậu đã và đang rất sôi động trên đất liền cũng như trên biển. Thiệt hại mà buôn lậu mang lại cho nền kinh tế là rất lớn, nhưng không có một cơ quan có trách nhiệm nào đưa ra con số thống kê, để từ đó đưa ra giải pháp hữu hiệu.

Trong đó, đại biểu dẫn chứng cụ thể về buôn lậu thuốc lá. Mang tới hội trường Quốc hội cả túi thuốc lá lậu mua được dễ dàng qua chuyến khảo sát thực tế để mục sở thị tình trạng này ở một số tỉnh phía Nam, đại biểu Cương nhận định, thuốc lậu bán công khai ở khắp mọi nơi.

“Trong gần 3 ngày đi thực tế, tôi chỉ mong một lần gặp được các lực lượng chức năng đi kiểm tra, kiểm soát, nhưng tuyệt nhiên không gặp bất cứ lực lượng nào. Tôi không phủ nhận kết quả cũng như những cố gắng mà lực lượng chống buôn lậu trong thời gian qua, nhưng tôi muốn nói lên một thực tế của chuyến đi rằng, nếu như không tăng cường và chống tiêu cực thì buôn lậu còn gia tăng, nhất là trong những dịp từ bây giờ đến Tết âm lịch”, đại biểu Cương nói.

Minh chứng thứ hai được ông Cương dẫn ra là tình trạng phá rừng, cũng thể hiện thực tế “trên nóng, dưới lạnh”. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên nhưng rừng thì vẫn không được đóng, những vụ phá rừng lớn nhất vừa qua ở một số địa phương nói lên thực trạng vô hiệu hóa các quyết định của Chính phủ.

“Nếu như không có tiếp tay của chính quyền sở tại và kiểm lâm thì lâm tặc không thể phá rừng ghê gớm đến như vậy. Một cây to có đường kính 1m phải 70 năm đến 100 năm mới có được, nhưng với lâm tặc chỉ 16 phút là xong. Một trạm kiểm lâm mỗi một đêm có độ khoảng 80 - 100 xe máy đi qua, mỗi xe chở khoảng 4 khúc gỗ và phải nộp cho kiểm lâm khoảng 300.000 - 400.000 đồng thì số tiền bất chính thu được không nhỏ”, đại biểu Ninh Thuận nêu lên thực tế.

Và đại biểu Cương kết thúc ý kiến của mình bằng một câu hỏi dường như mang tính khẳng định: “nếu cứ cảnh phá rừng tan hoang và lãnh đạo địa phương mới đến kiểm tra, xem xét và cho ý kiến chỉ đạo mà không chịu bất cứ hình thức kỷ luật nào thì không biết liệu cho đến bao giờ lệnh đóng cửa rừng của Thủ tướng mới trở thành hiện thực? ”.

Chuyên đề