Nhất quán chính sách tài chính hướng đến doanh nghiệp

(BĐT) - Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành tài chính ngày 9/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ngành tài chính cần giải quyết các điểm nghẽn trong xây dựng và thực thi các chính sách tài chính để phát triển doanh nghiệp, đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính để đảm bảo môi trường kinh doanh ngày càng lành mạnh, minh bạch.
Ngành tài chính đã đạt nhiều bước tiến đáng khích lệ trong cải cách thủ tục hải quan để cải thiện môi trường kinh doanh. Ảnh: Huy Khâm
Ngành tài chính đã đạt nhiều bước tiến đáng khích lệ trong cải cách thủ tục hải quan để cải thiện môi trường kinh doanh. Ảnh: Huy Khâm

Đánh giá cao ngành tài chính về nỗ lực và đóng góp trong việc hoàn thành các nhiệm vụ điều hành chính sách tài khoá năm 2018, Thủ tướng cho rằng, các con số về thu chi ngân sách nhà nước vượt mục tiêu thể hiện quyết tâm cao độ của cả ngành tài chính. Mặt khác, ngành tài chính đã đạt những bước tiến đáng khích lệ trong việc cải cách các thủ tục hành chính và hải quan để cải thiện môi trường kinh doanh.

Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, Thủ tướng cho rằng, ngành tài chính vẫn còn những điểm hạn chế cần tiếp tục cải thiện để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, và quan trọng hơn là tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đáng chú ý, việc cải thiện chính sách pháp luật được người đứng đầu Chính phủ đề cập và cho là điểm nghẽn then chốt nhất mà ngành tài chính cần tháo gỡ. “Thực tế, nhiều chính sách trong lĩnh vực tài chính hay được sửa đổi, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Nhiều nội dung vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ kịp thời. Đề nghị các đơn vị của ngành tài chính nhất quán quan điểm chính sách tài chính phải hướng đến hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, làm giàu cho người dân và doanh nghiệp, có như vậy thì đất nước mới phát triển phồn vinh”, Thủ tướng nói.

“Ngành tài chính cần trả lời câu hỏi mà dư luận quan tâm hiện nay. Phải chăng chính sách tài chính là điểm nghẽn lớn khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó phát triển? Phải chăng các hộ kinh doanh không muốn lớn vì các chính sách thuế còn quá phức tạp? Tôi đề nghị ngành tài chính cần cụ thể hoá Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng việc thuận lợi hoá các quy định về kế toán và thuế” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài những nội dung chỉ đạo nêu trên, Thủ tướng cũng chỉ ra những lỗ hổng trong việc thực hiện các chính sách tài khoá gây nguy cơ thất thoát lớn với tài sản và ngân sách nhà nước. Đó là kẽ hở từ các chính sách tài chính về đất đai, việc thực hiện không nghiêm, tình trạng tham nhũng, hạch sách của một bộ phận công chức ngành thuế và hải quan. “Cần tiếp tục xây dựng các chính sách tài chính toàn diện, minh bạch, rõ ràng để ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm trong thực thi, từ đó củng cố niềm tin cho người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng chỉ đạo.

Liên quan đến các nội dung về cải thiện môi trường kinh doanh từ chính sách tài chính, ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, năm 2019, toàn ngành tài chính sẽ nỗ lực thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh để nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Bộ Tài chính cho biết, năm 2018, toàn ngành đã hoàn thành 85/85 nhiệm vụ cải cách hành chính theo kế hoạch. Đồng thời, tập trung triển khai kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19-2018/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, với 66 giải pháp, nhiệm vụ gắn với 188 sản phẩm đầu ra; đã bãi bỏ 18 thủ tục hành chính trong tổng số 166 thủ tục cần rà soát bãi bỏ (chiếm 10,8%) và đơn giản hoá 111 thủ tục trong tổng số 139 thủ tục cần rà soát đơn giản hóa (chiếm 79,9%); thực hiện cắt giảm và đơn giản hóa 117/190 điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý (đạt 61,6%).

Cũng trong năm 2018, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo tiếp tục mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa lĩnh vực tài chính; nâng cao chất lượng khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, mở rộng diện hoàn thuế điện tử; tăng cường kết nối thông tin nộp thuế điện tử giữa các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc và các ngân hàng thương mại, tạo thuận lợi, giảm thời gian và chi phí giao dịch hành chính cho doanh nghiệp.

Cơ quan hải quan đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến tối thiểu đạt mức độ 3 đối với 173/183 thủ tục hành chính. Có 12/14 bộ, ngành tham gia kết nối với 145/284 thủ tục hành chính được thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; số lượng hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành giảm 6% so với quý II năm 2015.

Chuyên đề