Ngân hàng nói gì về việc trả cổ tức bằng tiền?

(BĐT) - Ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu nhằm bảo đảm an toàn hoạt động hay trả bằng tiền mặt trong bối cảnh kinh doanh ngày một khó khăn là câu chuyện thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư...
Nhiều ý kiến cho rằng, việc ngân hàng chi trả cổ tức bằng cổ phiếu ở thời điểm này là phù hợp. Ảnh: Tiên Giang
Nhiều ý kiến cho rằng, việc ngân hàng chi trả cổ tức bằng cổ phiếu ở thời điểm này là phù hợp. Ảnh: Tiên Giang

Sau khi Bộ Tài chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với vai trò là cổ đông lớn tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi trả cổ tức bằng tiền mặt, BIDV đã công bố một báo cáo, từ đó hé lộ thực trạng tài chính của các ngân hàng TMCP gốc nhà nước.

Lợi nhuận suy giảm do thực hiện các chính sách ưu đãi

Theo báo cáo của BIDV, trong quá trình thực hiện vai trò đối với nền kinh tế, năng lực tài chính của khối ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN), thể hiện qua hệ số an toàn vốn (CAR), bị suy giảm nghiêm trọng. Cụ thể, giai đoạn 2011 - 2015, tài sản có rủi ro (TSCRR) của khối NHTMNN tăng trưởng trung bình ở mức 19,4%/năm, cao hơn mức tăng 15,43%/năm của vốn tự có, dẫn đến CAR của khối này giảm từ mức 10,8% năm 2011 xuống mức 9,4% hiện nay, gần chạm ngưỡng tối thiểu 9% theo quy định của NHNN, thấp hơn mức bình quân của ASEAN là 10,3% (đồng thời, tiêu chuẩn tính của Việt Nam thấp hơn). Tình trạng vốn tự có tăng không đủ bù đắp mức tăng TSCRR của khối NHTMNN làm suy giảm CAR chủ yếu do 2 nguyên nhân. Một là khả năng sinh lời của các NHTMNN bị co hẹp (tỷ lệ NIM - lãi suất cho vay trừ lãi suất huy động (không bao gồm dự phòng rủi ro) từ mức 2,5% năm 2011 giảm còn 2,2% năm 2012 và tiếp tục giảm xuống mức 1,7 - 1,8% giai đoạn 2013 - 2015) do đi đầu trong triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Hai là, ngành ngân hàng Việt Nam triển khai nhiều biện pháp để áp dụng các chuẩn mực thông lệ quốc tế theo Basel trong tính toán CAR nên vừa làm giảm tốc độ tăng vốn tự có và vừa nâng cao tốc độ tăng TSCRR so với trước đây, từ đó tác động tiêu cực đến CAR.

Vẫn theo báo cáo của BIDV, trong giai đoạn 2013 - 2014, theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, toàn bộ cổ tức của NHTMNN không được sử dụng để gia tăng năng lực tài chính của ngân hàng phải chuyển nộp về NSNN. Trong điều kiện các giải pháp tăng vốn khác chưa thực hiện được ngay thì việc tăng vốn từ nguồn lợi nhuận tạo ra của năm 2015 và 2016 là giải pháp thuận lợi nhất cho các ngân hàng, tuy nhiên giải pháp này đang gặp vướng mắc từ cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Tài chính (Thông tư 61/2016/TT-BTC yêu cầu phải chuyển toàn bộ cổ tức của cổ đông nhà nước về NSNN). Nếu xảy ra, có vẻ như vai trò cổ đông của Nhà nước tại các NHTMNN đang chưa thực sự chuyên nghiệp và điều này có thể ảnh hưởng đến cổ đông hiện hữu khác cũng như việc thu hút cổ đông mới trong tương lai. Ở khía cạnh khác, dường như các NHTMNN ngoài chức năng thực hiện chính sách tiền tệ, vốn đã rất nặng nề, đang phải gánh thêm áp lực từ chính sách tài khóa.

Nhằm nâng cao năng lực tài chính của các NHTMCP có vốn nhà nước chi phối, BIDV đã đề xuất 7 giải pháp tăng vốn. Tuy nhiên, giải pháp phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn không được ưu tiên do thị trường chứng khoán không thuận lợi. BIDV đề xuất, Chính phủ chỉ đạo NHNN và Bộ Tài chính chấp thuận cho các NHTMNN được cân đối và quyết định việc sử dụng nguồn cổ tức các năm để tăng vốn cho năm sau qua hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, tùy thuộc vào năng lực tài chính và điều kiện của ngân hàng. Bên cạnh đó, cho phép các NHTMNN sử dụng nguồn thặng dư do giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước từ bán đầu tư tài chính, bán chiến lược để tạm ứng chi trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.

Cần lưu ý đến nguyên lý hoạt động của ngân hàng

Theo báo cáo của BIDV, trong giai đoạn 2013 - 2014, theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, toàn bộ cổ tức của ngân hàng thương mại nhà nước không được sử dụng để gia tăng năng lực tài chính của ngân hàng phải chuyển nộp về ngân sách nhà nước
Phân tích về câu chuyện trên, Luật sư Trần Minh Hải (Công ty Luật BASICO) cho rằng, thông thường trước khi diễn ra ĐHĐCĐ tại ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, Bộ Tài chính và NHNN sẽ ngồi lại và thống nhất về các nội dung quan trọng, trong đó có việc chi trả cổ tức. Tuy nhiên, lần này có vẻ khác khi việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu đã được thông qua tại ĐHĐCĐ, sau đó Bộ Tài chính mới lên tiếng. Ông Hải cho rằng, NHNN là cổ đông lớn và mức độ đại chúng hóa của các ngân hàng như BIDV, Vietinbank chưa cao, nên ý chí của cổ đông nhà nước như thế nào sẽ được thực hiện như vậy. Để quyết định lại nội dung này, hai ngân hàng này có thể lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản hoặc tổ chức lại ĐHĐCĐ và thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt.

Tuy nhiên, ở giác độ nguyên lý hoạt động ngân hàng, ông Hải cho rằng, việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu ở giai đoạn hiện tại là phù hợp. Lý do là các ngân hàng vừa qua giai đoạn khó khăn, việc giữ lại tiền trong ngân hàng nhằm xử lý các tồn tại cũ cũng như củng cố hoạt động kinh doanh sẽ tốt hơn là trả bằng tiền mặt. Ông Hải cho biết thêm, đối với cổ đông dài hạn (thường là cổ đông lớn), mong muốn phát triển ngân hàng bền vững thì việc trả cổ tức bằng tiền giai đoạn hiện tại không phải là giải pháp tối ưu. 

Trên thực tế, việc ngân hàng TMCP được trả cổ tức hay không, trả cổ tức bằng cổ phiếu hay bằng tiền mặt được NHNN quán triệt và kiểm soát chặt từ thời điểm bắt đầu thực hiện tái cấu trúc các tổ chức tín dụng. Lý lẽ cơ quan quản lý đưa ra là ngân hàng phải ưu tiên dành nguồn lực cho việc trích lập dự phòng, xử lý nợ xấu và các tồn tại khác thay vì dùng tiền chi trả cổ tức cho các cổ đông. Và không phải ngẫu nhiên cả BIDV và Vietinbank đều muốn trả cổ tức bằng cổ phiếu như ĐHĐCĐ 2016 đã thông qua. 

Chuyên đề