Năm 2019, áp lực tăng tỷ giá USD/VND không lớn

(BĐT) - Trong tháng đầu năm nay, đồng USD đã tăng giá nhẹ so với VND. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục trong năm nay với mức biến động cả năm tương đương năm 2018.
Dự báo VND sẽ chỉ giảm giá khoảng 2,5 - 3% so với đồng USD trong năm 2019. Ảnh: Minh Dũng
Dự báo VND sẽ chỉ giảm giá khoảng 2,5 - 3% so với đồng USD trong năm 2019. Ảnh: Minh Dũng

Giằng co trước áp lực cung cầu

Ngày 30/1, VND tiếp tục giảm giá 10 đồng so với USD, được giao dịch ở mốc 22.868 VND đổi 1 USD. Với biên độ 3% đang được áp dụng, tỷ giá trần - sàn mà các ngân hàng áp dụng là 22.183 VND và 23.553 VND đổi 1 USD. Tại nhiều ngân hàng thương mại, mở cửa phiên giao dịch ngày 30/1, giá USD chỉ tăng nhẹ hoặc giữ nguyên.

Đánh giá về diễn biến tỷ giá trên thị trường trong tháng đầu năm nay, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, có lúc USD tăng giá và ngược lại có lúc đồng tiền này giảm giá so với VND.

Tỷ giá bị giằng kéo từ áp lực cung cầu trên thị trường. Một mặt, nguồn kiều hối đổ về Việt Nam rất lớn trong tháng đầu năm nay do vào mùa Tết. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp đến hạn tất toán sổ sách trả nợ nước ngoài, đồng thời xúc tiến các hợp đồng mới để chuẩn bị cho vụ mới và năm mới, do đó nhu cầu ngoại tệ cũng rất lớn.

USD sẽ tiếp tục tăng giá nhẹ

Dự báo về biến động tỷ giá trong năm 2019, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, USD sẽ tiếp tục tăng giá so với VND bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa ngã ngũ nên chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực đến thương mại toàn cầu. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên khó tránh khỏi ảnh hưởng từ cuộc chiến này.

Bên cạnh đó, dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2019 khiến USD tăng giá và chắc chắn sẽ tác động đến thị trường ngoại hối Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định, sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế, điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng nhằm ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và sẽ có biện pháp can thiệp khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ.
Về cán cân thương mại, Việt Nam đã xuất siêu khá cao trong năm 2018, song lại vừa nhập siêu trong tháng đầu năm nay, đây cũng là yếu tố gây áp lực với VND. Thêm vào đó, tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong nước chưa thực sự “dễ thở” bởi các rủi ro từ bất ổn kinh tế thế giới. Hội nhập kinh tế mang lại nhiều kết quả tích cực cho doanh nghiệp song cũng chứa đựng nhiều rủi ro khi doanh nghiệp chưa đủ sức cạnh tranh.

Cùng phân tích sức ép lên tỷ giá USD/VND từ các góc độ nêu trên, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV nhận định: “Năm 2019, VND vẫn chịu áp lực giảm giá so với USD nhưng áp lực không lớn bằng năm 2018”.

Theo ông Lực, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn tiếp diễn, nhưng trong năm tới, dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm hơn năm nay, đồng thời, FED dự kiến sẽ giãn lộ trình tăng lãi suất. Đó là những yếu tố bên ngoài khiến USD sẽ giảm sức tăng giá.

Trong nước, cả cơ quan chức năng và các doanh nghiệp đều đã chuẩn bị các phương án ứng phó với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nên tác động đến kinh tế trong nước sẽ không mạnh.

Mặt khác, cán cân thương mại của Việt Nam đã đạt trạng thái xuất siêu tốt trong năm qua, đặc biệt khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có mức xuất siêu khá cao và nguồn kiều hối vẫn chảy về đều đặn nên dự báo nguồn ngoại tệ sẽ khá dồi dào trong năm 2019.

“Những yếu tố trên cho thấy, áp lực của tỷ giá USD/VND sẽ không lớn so với năm 2018. Dự báo, VND sẽ chỉ giảm giá khoảng 2,5% - 3% so với USD trong năm 2019”, ông Lực nhấn mạnh.

Trong khi đó, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, áp lực tăng tỷ giá USD/VND năm 2019 có thể không quá lớn bởi các yếu tố tác động trong nước và quốc tế đang có chiều hướng thuận lợi hơn so với dự báo.

Theo đó, USD có thể sẽ không tăng giá nhiều, thậm chí có thể suy yếu và điều này phù hợp với chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo dự báo của Tập đoàn Citigroup, USD có thể giảm giá 2% trong 6 đến 12 tháng tới.

Về kinh tế trong nước, lạm phát có khả năng được kiểm soát ở mức khoảng 4% do giá dầu thế giới có xu hướng giảm, từ đó giảm áp lực lên tỷ giá. Đây là các yếu tố tích cực giúp chính sách tỷ giá chủ động hơn.

Từ phía cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế, điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng nhằm ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và sẽ có biện pháp can thiệp khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ.

Chuyên đề