Giám sát các hệ thống thanh toán nhằm đảm bảo tính an toàn

(BĐT) - Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư quy định về giám sát các hệ thống thanh toán.
 Ảnh minh họa - Internet
Ảnh minh họa - Internet

Theo đó, mục tiêu giám sát các hệ thống thanh toán nhằm đảm bảo tính an toàn, ổn định và hiệu quả của hệ thống thanh toán; đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam và các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế về lĩnh vực thanh toán; đảm bảo bình đẳng, khách quan, công bằng, độc lập và trung lập giữa tổ chức vận hành hệ thống thanh toán, thành viên tham gia hệ thống thanh toán.

Bên cạnh đó, phát hiện kịp thời và cảnh báo tổ chức vận hành hệ thống thanh toán nhằm giảm thiểu các rủi ro phát sinh trong quá trình vận hành hệ thống thanh toán; tăng cường tính minh bạch của hệ thống thanh toán, bao gồm các quy định về quản lý, vận hành; quyền và nghĩa vụ của thành viên tham gia; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, kết nối liên thông giữa các hệ thống thanh toán; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng dịch vụ; tăng cường niềm tin của khách hàng vào các dịch vụ thanh toán.

Đơn vị giám sát thực hiện giám sát các hệ thống thanh toán với những hoạt động sau:

1. Theo dõi hoạt động của hệ thống thanh toán: a- Thu thập tài liệu, thông tin, dữ liệu; b- So sánh, đối chiếu, kiểm tra tính chính xác của số liệu; c- Tổng hợp, phân tích các tài liệu, thông tin, dữ liệu được thu thập, kiểm tra.

2. Kiểm tra tại chỗ: Trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt chủ trương thành lập đoàn kiểm tra để tiến hành kiểm tra tại chỗ trong trường hợp Đơn vị giám sát phát hiện tài liệu, thông tin, dữ liệu do tổ chức vận hành hệ thống thanh toán cung cấp bị thiếu, lỗi, sai hoặc không phù hợp nhưng chưa khắc phục hoặc phát hiện những vấn đề có liên quan đến rủi ro.

3. Đánh giá các hệ thống thanh toán: Xác định và thông báo cho tổ chức vận hành hệ thống thanh toán về thời gian thực hiện đánh giá, các quy định pháp luật và chuẩn mực quốc tế áp dụng cho việc đánh giá.

4. Yêu cầu điều chỉnh hoặc thay đổi: Đề xuất, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định về các vấn đề cần điều chỉnh, thay đổi (nếu có) đối với việc vận hành hệ thống thanh toán.

Hợp tác giám sát các hệ thống thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới

Căn cứ trên nhu cầu hợp tác giám sát của Ngân hàng Nhà nước và cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, hai bên phối hợp xây dựng thỏa thuận hoặc biên bản ghi nhớ về việc hợp tác giám sát các hệ thống thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới.

Nội dung hợp tác giám sát các hệ thống thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới có thể bao gồm một số nội dung cơ bản sau: a- Các hệ thống thanh toán, chuyển tiền nằm trong phạm vi thỏa thuận hợp tác giám sát; b- Quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc hợp tác giám sát các hệ thống thanh toán, chuyển tiền; c- Danh mục các thông tin, số liệu cần cung cấp, phương thức cung cấp và việc bảo đảm an toàn thông tin liên quan đến các hệ thống thanh toán, chuyển tiền nằm trong phạm vi hợp tác giám sát.

Các thành viên tại Việt Nam tham gia hệ thống thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới có trách nhiệm phối hợp cung cấp tài liệu, thông tin, dữ liệu cho Ngân hàng Nhà nước liên quan đến việc tham gia và tình hình hoạt động thanh toán, chuyển tiền thông qua các hệ thống này.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định cụ thể nội dung giám sát các hệ thống thanh toán bao gồm: Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia; hệ thống thanh toán ngoại tệ; hệ thống thanh toán tiền giao dịch chứng khoán; hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính; hệ thống thanh toán nội bộ của các tổ chức tín dụng.

Chuyên đề