Giải pháp nào ngăn chặn tín dụng đen?

(BĐT) - Dễ vay, khó trả và gây hậu quả đáng tiếc cho người vay là đặc điểm nổi bật của tín dụng đen. 
Tín dụng đen đã khá phổ biến tại nhiều địa phương. Ảnh: Chí Thạch
Tín dụng đen đã khá phổ biến tại nhiều địa phương. Ảnh: Chí Thạch

Kiểm soát chặt từ khâu cấp phép, giám sát thường xuyên hoạt động của các công ty có dấu hiệu cho vay bất hợp pháp, đồng thời, tích cực phát triển các kênh tín dụng tiêu dùng là giải pháp được khuyến nghị để tín dụng đen không còn là nỗi ám ảnh đối với người dân.

Rúng động bởi mức độ vi phạm

Thông tin về nhiều vụ việc tín dụng đen được cơ quan công an các tỉnh công bố gần đây cho thấy hình thức cho vay ẩn chứa nhiều hiểm họa này đã khá phổ biến tại nhiều địa phương. Hoạt động của các tổ chức tín dụng đen ngày càng chuyên nghiệp, tinh vi và trong nhiều trường hợp được khéo bao bọc trong hình thức hợp pháp.

Đó không chỉ là những nhóm người chung vốn để cho vay với lãi suất cao mà còn là những công ty có đăng ký kinh doanh với dòng tiền vào ra qua tài khoản ngân hàng của các doanh nghiệp này.

Mới đây nhất, ngày 5/12, cơ quan cảnh sát điều tra của Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 6 bị can về tội "Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự". Các đối tượng này thành lập các công ty TNHH thương mại tổng hợp song thực chất là thực hiện hành vi “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”, vi phạm Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015.

Rúng động nhất là vụ việc cuối tháng 11 vừa qua, Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố bắt tạm giam 7 đối tượng trong vụ án Công ty Tài chính Nam Long hoạt động tín dụng đen và bị tình nghi gây ra cái chết của một nhân viên trong Công ty. Cơ quan công an Thanh Hóa cho biết, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến tội phạm hoạt động có tổ chức; hoạt động tín dụng đen và có tính chất chuyên nghiệp; phạm vi hoạt động rộng; có sự phân công chặt chẽ; hoạt động núp bóng doanh nghiệp và có nhiều thủ đoạn hoạt động mới, tinh vi.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hoá đã xác định được 23/70 tài khoản ngân hàng “Công ty Tài chính Nam Long” với số tiền giao dịch lên đến hơn 510 tỷ đồng với hơn 200 khách hàng vay lãi nặng ở 26 khu vực thuộc 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Mức lãi suất cao nhất mà tổ chức này áp dụng với người vay lên đến 1.043%/năm.

Với mức độ vi phạm rộng khắp và ảnh hưởng lớn đến xã hội như vậy, tín dụng đen cũng là nội dung được trao đổi tại cuộc họp HĐND các tỉnh ngày 5/12 vừa qua. Công an TP.HCM cho biết, nếu năm 2014, bình quân một tháng ở Thành phố xảy ra 1 vụ án hình sự liên quan đến cho vay nặng lãi, thì nay trung bình một tháng xảy ra 4 vụ. Hiện Công an TP.HCM thống kê có 873 đối tượng hoạt động cho vay trái pháp luật, vi phạm đến quy định lãi suất.

Bình luận về hiện tượng nổi cộm này trong thời gian gần đây cùng sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nêu quan điểm: “Thực tế, các vụ việc tín dụng đen gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân đã được phát hiện và điều tra từ nhiều năm trước. Song thời gian gần đây, nhiều vụ việc diễn biến phức tạp và gây hệ lụy xã hội lớn gây hoang mang trong xã hội. Do đó, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng ở thời điểm này là hết sức cần thiết”.

Giám sát chặt chẽ và đẩy mạnh tín dụng hợp pháp

Về giải pháp với tình trạng này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần kiểm soát chặt chẽ, nhất quán và liên tục từ khâu cấp phép và hoạt động của các công ty có dấu hiệu cho vay bất hợp pháp. “Nhiều công ty đăng ký kinh doanh với hình thức là công ty tư vấn đầu tư nhưng thực chất lại cho vay với lãi suất “cắt cổ”. Để kiểm soát hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật này, cần có sự phối hợp thường xuyên và nghiêm túc giữa các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, các cơ quan cũng cần chú trọng việc nâng cao năng lực làm việc, ứng dụng công nghệ để sớm phát hiện các dấu hiệu vi phạm”, vị chuyên gia này bình luận.

Từ góc độ khác, một trong những nguyên nhân khiến người dân tìm đến tín dụng đen là tính thuận tiện, nhanh gọn. Trong khi đó, việc vay tiền từ các tổ chức tín dụng hợp pháp đòi hỏi phải làm nhiều thủ tục và có thể phải có tài sản thế chấp. Do đó, giải pháp căn cơ hơn cần đặt ra là cải thiện cách thức và phạm vi hoạt động của tín dụng chính thức. “Đôi khi do thói quen và sự thiếu hiểu biết mà người dân chọn vay tiền của các nhóm tín dụng đen. Có trường hợp người dân đủ điều kiện để vay tiền từ tổ chức tín dụng nhưng lại tìm đến tín dụng đen vì ngại thủ tục”, ông Lực nói và khuyến nghị: “Nhu cầu vay tiền của người dân là luôn hiện hữu, do đó, cần phát triển tín dụng hợp pháp mạnh mẽ và đa dạng hình thức hơn để tạo thuận tiện cho người dân, từ đó, ngăn chặn họ tìm đến với hoạt động phi pháp kia”.

Chuyên đề