Tranh cãi xung quanh bài phát biểu 400.000 USD của Obama

Thông tin về việc cựu tổng thống Mỹ Barack Obama có thể nhận tới 400.000 USD cho một bài phát biểu tại một sự kiên tư nhân đang thu hút nhiều ý kiến trái chiều.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh:AFP
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh:AFP

Khi ông Barack Obama và bà Michelle Obama nắm tay nhau rời Nhà Trắng, họ đều nói về mong muốn có một cuộc sống yên bình, tránh xa ánh đèn sân khấu, dư luận với vẻ đầy hào hứng. Nhưng chỉ sau một tháng nghỉ dưỡng, họ đã bắt đầu vào guồng chạy mới bằng việc tham gia những buổi nói chuyện được trả thù lao hậu hĩnh, giống như nhiều tổng thống, đệ nhất phu nhân đời trước từng làm. Số tiền họ thu về từ hoạt động này dễ lên tới hàng triệu USD, theo Washington Post.

Hôm 27/4, cựu tổng thống và đệ nhất phu nhân Mỹ xuất hiện trước công chúng. Họ có mặt tại hai buổi giao lưu khác nhau nhưng đều được trả tiền cho sự hiện diện của mình.

"Chào tất cả mọi người, thật tốt vì có thể ra khỏi nhà", bà Michelle nói tại hội nghị thường niên của Viện Kiến trúc Mỹ. Tham dự sự kiện, bà vui vẻ trả lời hàng loạt câu hỏi từ khán giả, song tất cả đều không liên quan đến chính trị.

Trong khi đó, chồng bà, ông Obama cùng nhà sử học Doris Kearns Goodwin đến New York để có buổi nói chuyện riêng với các nhân viên mạng lưới truyền hình cáp A&E.

Chưa rõ ông Obama và bà Michelle nhận thù lao bao nhiêu cho lần xuất hiện này. Tuy nhiên, Fox News tuần qua đưa tin cựu tổng thống Mỹ sẽ nhận 400.000 USD cho một bài phát biểu vào tháng 9 tới đây tại một hội nghị về y tế do ngân hàng đầu tư Cantor Fitzgerald tài trợ.

Trở thành diễn giả chuyên nghiệp, ông bà Obama đang đi trên lối mòn trải hoa hồng hậu Nhà Trắng. Tuy nhiên, nó lại mang đến rủi ro khiến "thương hiệu" bình dân gây thiện cảm mà vợ chồng cựu tổng thống Mỹ xây dựng bấy lâu nay bị ảnh hưởng, giới quan sát đánh giá.

Tranh cãi

Bà Michelle Obama nói chuyện tại hội nghị thường niên của Viện Kiến trúc Mỹ hôm 27/4. Ảnh:Architectural Record

Các trợ lý cho nhà Obama từ chối tiết lộ số tiền mà vợ chồng ông kiếm được trong những hợp đồng tham gia giao lưu, phát biểu nhưng họ cho rằng việc làm của ông bà Obama là hoàn toàn bình thường.

"Ông Obama sẽ liên tục phát biểu. Một số bài phát biểu được trả tiền, số khác thì không và dù địa điểm ở đâu hay nhà tài trợ nào đi chăng nữa, ông ấy vẫn sẽ thể hiện đúng những quan điểm cũng như các giá trị bản thân ông vẫn theo đuổi từ trước tới nay", Eric Schultz, cố vấn cấp cao cho Obama, khẳng định trong một thông báo đưa ra sau khi cựu tổng thống Mỹ bị chỉ trích vì thông tin liên quan đến bài phát biểu dự kiến tại sự kiện do ngân hàng Cantor Fitzgerald tài trợ.

Báo New York Post thậm chí còn gọi ông Obama là "con mèo béo mới của Phố Wall".

Theo Schultz, sự xuất hiện của ông Obama tại một hội nghị về y tế vô cùng dễ hiểu. "Là một tổng thống thành công trong việc thông qua một đạo luật cải cách y tế, sự kiện này rất quan trọng với ông ấy", Schultz nói.

Về khoản tiền 6 con số mà cựu tổng thống Mỹ nhận được từ ngân hàng đầu tư Cantor Fitzgerald, ông Schultz quả quyết nó không nói lên bất cứ điều gì.

"Năm 2008, ông Barack Obama quyên được nhiều tiền từ Phố Wall hơn mọi ứng viên tổng thống khác trong lịch sử nhưng ông ấy vẫn thông qua và áp dụng các biện pháp cải cách cứng rắn nhất đối với Phố Wall kể từ thời Franklin D. Roosevelt", Schultz nhấn mạnh.

Một số cựu tổng thống và đệ nhất phu nhân Mỹ từng bị chỉ trích vì nhận số tiền thù lao lớn khi tham gia các buổi nói chuyện hay đọc diễn văn. Cựu tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã bị lên án mạnh mẽ vì nhận hai triệu USD cho hai bài phát biểu tại Nhật Bản hồi năm 1989.

"Ông ấy nổi tiếng như một người ái quốc và rồi, điều đầu tiên ông ấy làm là đến phát biểu tại một quốc gia khác, lúc bấy giờ được coi như kẻ thù về kinh tế", Lance Strate, giáo sư truyền thông tại Đại học Fordham, Mỹ, nhận xét. "Họ có quyền kiếm tiền và sẽ không ai để ý tới những hợp đồng viết sách mà họ ký. Nhưng nhận tiền khi phát biểu lại là câu chuyện khác bởi nó liên quan đến dấu ấn cá nhân. Dù là cựu tổng thống, bạn vẫn đại diện cho đất nước".

Theo ông Robert Painter, giáo sư luật tại Đại học Minnesota, "là những công dân Mỹ bình thường, ông bà Obama được quyền tự do phát biểu với tư cách cá nhân" nhưng nó có thể tác động tới danh tiếng cũng như ảnh hưởng chính trị trong tương lai của họ.

Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton và phu nhân Hillary Clinton từng đối mặt hàng loạt chỉ trích vì nhận thù lao cho các bài diễn văn tại những sự kiện riêng. Theo một số báo cáo, họ kiếm được hơn 25 triệu USD cho 104 bài phát biểu đưa ra trong vòng 15 tháng. Câu chuyện này về sau trở thành chướng ngại vật lớn cản đường họ trên đường đua tới Nhà Trắng, đặc biệt đối với bà Hillary Clinton.

Dù cả ông bà Obama dường như đều không có ý định tiếp tục tham gia chính trường, song những tính toán của họ vẫn ảnh hưởng nhất định tới đảng Dân chủ, Julian Zelizer, nhà sử học tại Đại học Princeton, nhận định.

"Trong một đảng mà hiện thật sự không sở hữu cá nhân nào đặc biệt nổi trội, Obama vẫn giống như đầu tàu", Zelizer nói. "Nếu ông ấy quyết định đi theo con đường phát biểu, đọc diễn văn, tham dự các cuộc giao lưu để kiếm tiền, nó chắc chắn gây tổn thương ít nhiều cho đảng Dân chủ".

Ông Obama tham gia buổi giao lưu tại Đại học Chicago

Dù vậy, ông Obama dường như đang cố gắng tìm cách cân bằng giữa việc phát biểu vì những món tiền béo bở và phát biểu để truyền cảm hứng cho cộng đồng. Trước lần xuất hiện ở New York, cựu tổng thống Mỹ đã trao đổi nhiệt tình tại Đại học Chicago về sự đóng góp của người dân trong các công việc quốc gia.

Tháng tới, ông Obama có một bài phát biểu ở Boston. Tiếp đó, ông lên đường tới Berlin để gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel và đến Italy dự Hội nghị Cải tiến Lương thực Toàn cầu. 

Chuyên đề