Samsung thống trị kinh tế Hàn Quốc như thế nào

Các ngành kinh doanh của hãng này phục vụ rất nhiều giai đoạn của đời người, từ khi sinh ra đến lúc qua đời.

Samsung nổi tiếng toàn thế giới với smartphone. Tuy nhiên, ở quê nhà, họ không chỉ là một thương hiệu công nghệ. Người Hàn Quốc có thể sinh ra tại trung tâm y tế của Samsung, biết cách đọc và viết bằng máy tính bảng Samsung và học tại Đại học liên kết của công ty này - Sungkyunkwan.

Họ cũng có thể sống tại các khu căn hộ do Samsung xây dựng, trong đó sử dụng sản phẩm điện tử gia dụng của hãng. Thậm chí, Samsung còn có nơi phục vụ kết hôn, viện dưỡng lão và nhà tang lễ.

*Người thừa kế của Samsung bị điều tra

Samsung là một trong các chaebol của Hàn Quốc. Đây là những công ty gia đình lớn, kiểm soát nền kinh tế quốc gia trong nhiều thập kỷ nay.

Các công ty con của họ đóng góp khoảng 20% vốn hóa của Sàn chứng khoán Hàn Quốc - KSE, chủ yếu nhờ Samsung Electronics. Các công ty này được ước tính tạo ra khoảng 15% GDP cho Hàn Quốc.

Samsung hiện là hãng sản xuất smartphone lớn nhất thế giới. Thành công của Samsung tại quê nhà và trên thế giới đã biến họ thành biểu tượng của sự chuyển dịch kinh tế Hàn Quốc. Từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới sau Đại chiến Thế giới 2, họ giờ đang nằm trong top giàu nhất.

Steve Chung - một chuyên gia Hàn Quốc tại Đại học Trung Quốc của Hong Kong (CUHK) cho biết rất nhiều người Hàn Quốc vẫn rất ngưỡng mộ mô hình kinh tế "đã giúp đất nước phát triển suốt 40 năm qua". Tuy nhiên, mô hình này đang đối mặt với thử thách lớn, khi một scandal chính trị đang khiến Samsung và nhiều chaebol khác lao đao.  

Chủ tịch tương lai của Samsung - ông Lee Jae-yong đã bị tòa án bắt giữ hôm qua, do cáo buộc hối lộ, khai man, che giấu lợi nhuận phi pháp, biển thủ và giấu tài sản ở nước ngoài. Cả ông Lee và Samsung đều phủ nhận những cáo buộc này. Dù vậy, sự việc này càng khiến danh tiếng Samsung bị ảnh hưởng, sau scandal điện thoại phát nổ năm ngoái.

Các công tố viên cho rằng ông Lee đã chi hàng chục triệu USD cho một quỹ phi lợi nhuận của Choi Soon-sil - bạn thân Tổng thống Hàn Quốc - Park Geun-hye, để được Chính phủ chấp thuận một thương vụ sáp nhập gây tranh cãi. Thương vụ này được cho là sẽ củng cố quyền lực của ông tại đế chế đa ngành lớn nhất Hàn Quốc này.

Scandal của Tổng thống đã khiến hàng trăm nghìn người Hàn Quốc ra đường biểu tình phản đối, khiến Quốc hội nước này bỏ phiếu đình chỉ quyền lực của bà Park Geun-hye. Ngoài Samsung, nhiều công ty Hàn Quốc khác, như LG, SK hay Lotte cũng đang bị điều tra vì việc này. 

Chuyên đề