Rào cản ngăn Mỹ phối hợp với Nga chống IS

Những trở ngại về quân sự và pháp lý tại Mỹ khiến nước này khó lòng hợp tác một cách toàn diện với Nga trong cuộc chiến tại Syria.

Tiêm kích Nga tiếp cận máy bay không người lái Mỹ tại Syria

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây tuyên bố sẵn sàng hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống lại các nhóm khủng bố ở Syria, nhưng liên minh quân sự chống khủng bố Mỹ - Nga vẫn khó lòng trở thành hiện thực khi còn nhiều rào cản như hiện nay, theo War is Boring.

Yêu cầu hợp tác bắt nguồn từ việc Mỹ, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều đang tấn công vào các nhóm khủng bố và nổi dậy khác nhau tại Syria, nổi bật là nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS). Điều này khiến khu vực tác chiến bị chồng lấn, gây nguy cơ va chạm trên không giữa máy bay của các nước.

Hồi cuối năm 2016, tiêm kích Su-35S của Nga đã bay rất gần phi cơ trinh sát của Mỹ. Trước đó không lâu, một chiếc Su-30SM Nga cũng tiếp cận máy bay không người lái MQ-9 Predator của không quân Mỹ trên bầu trời Syria. Hai nước đã phải lập một đường dây nóng để cảnh báo tình huống va chạm trên không.

Hồi năm ngoái, nội các của Tổng thống Barack Obama từng đề xuất việc hợp tác với Nga nếu Moscow áp dụng được một lệnh ngừng bắn toàn diện, không cho phép không quân Syria (SAAF) thực hiện các hoạt động không kích nhắm vào lực lượng nổi dậy. Bên cạnh đó, Mỹ cũng yêu cầu Nga cùng tấn công các nhóm khủng bố như Fateh Al Sham và IS.

Tổng thống Obama từng bị ngăn cản vì NDAA. Ảnh:Buckeye 4.

Điều này đã không xảy ra, đồng thời nó cũng vi phạm điều khoản trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm 2014. Trong đạo luật này, Quốc hội Mỹ giới hạn khả năng hợp tác giữa Lầu Năm Góc với quân đội Nga sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Điều này có khả năng thay đổi dưới thời Tổng thống Trump. Ông sẽ cần sự ủng hộ từ Quốc hội Mỹ để có thể thay đổi hoặc hủy bỏ đạo luật này, nhằm mở rộng khả năng hợp tác với quân đội Nga của Mỹ.

Khi chính quyền Omaba tìm cách đưa ra thỏa thuận với Nga, nhiều người đã thể hiện sự lo ngại về việc chia sẻ thông tin tình báo, yếu tố then chốt trong mọi chiến dịch quân sự.

Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, khẳng định quân đội Mỹ phản đối việc chia sẻ tin tức tình báo với phía Nga. Trong cuộc điều trần trước Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Mỹ, ông Dunford cho rằng đó không phải một ý tưởng tốt.

Chính quyền Trump sẽ phải tìm ra cách xoa dịu các tướng lĩnh quân đội, sau đó đảo ngược các đạo luật của Quốc hội để Lầu Năm Góc có thể hợp tác quân sự với Nga một cách chính danh và hợp pháp, bình luận viên Paul Iddon nhận định.

Chuyên đề