Những phép thử với kinh tế toàn cầu

Đàm phán thương mại Mỹ - Trung, GDP khu vực đồng euro hay PMI Trung Quốc sẽ được nhà đầu tư theo dõi sát tuần này. 

Tuần này, kinh tế toàn cầu sẽ đón hàng loạt sự kiện quan trọng. Đây cũng là cơ hội giúp nhà đầu tư đánh giá liệu châu Á, châu Âu và Mỹ có thể trụ vững trước các bất ổn liên tiếp hay không.

1. Mỹ

Sự kiện đầu tiên diễn ra vào thứ Tư, với việc Phó thủ tướng Trung Quốc - Lưu Hạc đàm phán cùng Đại diện thương mại Mỹ - Robert Lighthizer trong 2 ngày. Cuộc gặp này chưa chắc đã thay đổi cục diện thương mại hai nước. Nhà đầu tư cũng vẫn lo lắng và chia rẽ quan điểm về khả năng Mỹ - Trung Quốc đạt thỏa thuận trước hạn chót đầu tháng 3.

Cùng ngày, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có cuộc họp chính sách đầu tiên trong năm. Dù khả năng điều chỉnh lãi suất gần như không có, Chủ tịch Fed - Jerome Powell có thể sẽ phải trả lời hàng loạt câu hỏi về việc Fed có thể kiên nhẫn đến đâu trước khi tiếp tục nâng lãi.

Đến thứ sáu, báo cáo việc làm của Mỹ sẽ được công bố. Đây là một trong các chỉ báo rõ ràng nhất về sức khỏe nền kinh tế lớn nhất thế giới, sau khi nước này phải hoãn công bố hàng loạt báo cáo do Chính phủ đóng cửa. Một khảo sát của Bloomberg cho thấy Mỹ có thể đã tạo ra 160.000 việc làm trong tháng 1, ít hơn các tháng trước, nhưng vẫn đủ duy trì tỷ lệ thất nghiệp tại 3,9%.

2. Khu vực đồng euro

Gần như mọi số liệu kinh tế gần đây về khu vực đồng tiền chung đều gây thất vọng. Việc này đã tăng sức ép buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đánh giá lại triển vọng của eurozone. Chủ tịch ECB - Mario Draghi tuần trước cho biết rủi ro "đã ngả theo hướng đi xuống". Đây là lời thừa nhận rõ ràng về tình trạng kinh tế xuống dốc tại đây.

Tuần này, Pháp, Italy và Tây Ban Nha sẽ công bố GDP quý IV. GDP ước tính cho 19 nước eurozone cũng sẽ được đưa ra. Số liệu của Italy đang được chú ý, do nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực có khả năng rơi vào suy thoái.

Nhà đầu tư cũng sẽ nhận báo cáo về niềm tin kinh tế tháng 1. Dự báo về số liệu này không tốt. Theo báo cáo tuần trước, niềm tin kinh doanh tại Đức tháng 1 đã lao dốc.

3. Châu Á

Sự kiện chính với châu Á tuần này là số liệu sản xuất (PMI) Trung Quốc công bố vào thứ năm. Báo cáo này sẽ giúp nhà đầu tư đánh giá chính xác hơn về việc liệu nền kinh tế lớn nhì thế giới có đang chịu tác động từ thương mại đi xuống hay không, và quý I sẽ tăng trưởng thế nào. Các nhà kinh tế dự báo số liệu này tiếp tục giảm sâu.

Cùng ngày, Nhật Bản cũng công bố sản lượng công nghiệp tháng 12. Giới phân tích dự báo con số này sẽ giảm. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng sẽ công bố bản tóm tắt về cuộc họp ngày 22 - 23/1, với quyết định giữ nguyên chương trình kích thích kinh tế.

Đến cuối tuần, Hàn Quốc sẽ công bố số liệu xuất khẩu, giúp nhà đầu tư có thêm góc nhìn về tình hình thương mại toàn cầu tháng 1. Số liệu ngân sách của Ấn Độ và CPI Australia cũng được đưa ra trong tuần này.

Chuyên đề