Mỹ - Trung bắt đầu đàm phán thương mại

Các cố vấn cấp cao của ông Donald Trump vừa tới Bắc Kinh để chuẩn bị cho cuộc nói chuyện trong 2 ngày, nhằm tránh chiến tranh thương mại.
Bộ trưởng Tài chính - Steven Mnuchin tới Bắc Kinh chuẩn bị cho các cuộc nói chuyện. Ảnh: AFP
Bộ trưởng Tài chính - Steven Mnuchin tới Bắc Kinh chuẩn bị cho các cuộc nói chuyện. Ảnh: AFP

Đoàn Mỹ, có Bộ trưởng Tài chính - Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại - Robert Lighthizer, sẽ gặp quan chức Trung Quốc tại nhà khách ở Bắc Kinh và sẽ rời đi tối mai. Mỹ - Trung gần đây liên tục đe dọa áp thuế nhập khẩu lên số hàng hóa trị giá hàng chục tỷ USD của nhau. Dù vậy, hai bên vẫn kỳ vọng các cuộc nói chuyện tuần này sẽ giúp xoa dịu căng thẳng. 

“Nhóm tài chính xuất sắc của chúng ta đang ở Trung Quốc, nỗ lực đàm phán tạo ra sân chơi công bằng về thương mại”, ông Trump cho biết trên Twitter hôm qua. Tuần trước, ông đã thông báo về cuộc gặp này, và tin tưởng Mỹ “có cơ hội rất tốt” trong việc đạt thỏa thuận với Trung Quốc.

Dù vậy, không phải ai cũng đồng ý với ông. “Tôi không cho là họ sẽ đạt kết quả đáng kể nào đâu”, Michael Camunez - CEO hãng tư vấn Monarch Global Strategies, đồng thời là cựu quan chức thương mại cấp cao dưới thời Tổng thống Barack Obama nhận định. Camunez cho rằng Mỹ không có lập trường nhất quán, khi cử đi đội đàm phán gồm cả những người thận trọng về thương mại lẫn ủng hộ thương mại tự do.

Chính phủ Trung Quốc cũng cố giảm thiểu kỳ vọng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Hua Chunying hôm qua cho biết xét đến quy mô và sự phức tạp của quan hệ thương mại hai nước, “giải quyết được tất cả vấn đề trong một lần gặp là không thực tế”.

Dù chiến lược không rõ ràng và kỳ vọng khá thấp, đoàn Mỹ vẫn được tin tưởng sẽ đạt bước tiến trong 3 vấn đề chủ chốt.

1. Giảm thâm hụt

Chính quyền ông Trump muốn Trung Quốc mua nhiều hàng Mỹ hơn, nhằm giảm thâm hụt lên tới 375 tỷ USD hiện tại. Họ cũng đang gây sức ép buộc Bắc Kinh từ bỏ các chính sách mà Mỹ cho là hỗ trợ công ty trong nước trên thị trường quốc tế, và ép các đối thủ ngoại giao nộp công nghệ chủ chốt. Dù vậy, giới quan sát cho rằng kết quả tốt nhất mà Mỹ có thể kỳ vọng tuần này sẽ chỉ là một thỏa hiệp trong ngắn hạn mà thôi.

2. Tiếp cận thị trường nhiều hơn

Thay vì mua nhiều hàng Mỹ hơn, Trung Quốc có khả năng đề xuất cho các công ty Mỹ tăng tiếp cận thị trường khổng lồ này. Dù vậy, các chuyên gia cũng cảnh báo các công ty ngoại khó có thể tận dụng điều này, do quy trình kéo dài, hoặc phải đáp ứng nhiều yêu cầu khác của Trung Quốc.

3. Bản quyền sở hữu trí tuệ

Các công ty Mỹ đã hoạt động tại Trung Quốc muốn ông Trump gây sức ép để Bắc Kinh nỗ lực hơn nữa trong việc ngăn chặn nạn ăn cắp bản quyền trí tuệ, hàng giả và hoạt động ép chuyển giao công nghệ cho công ty địa phương. Đây cũng chính là lý do ông Trump và các cố vấn đưa ra làm căn cứ cho việc áp thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, khi Mỹ quá ám ảnh với thâm hụt thương mại, khả năng cải thiện tình trạng này cũng không cao.

Chuyên đề