Mỹ nâng cấp oanh tạc cơ tàng hình B-2 để sử dụng thêm 40 năm

Không quân Mỹ dự kiến hiện đại hóa phi đội máy bay tàng hình B-2 để thích ứng với mối đe dọa từ các hệ thống phòng không hiện đại trong 4 thập kỷ tới.

Máy bay B-2 tham gia huấn luyện tại căn cứ Nellis, Mỹ

Không quân Mỹ đang lên kế hoạch trang bị nhiều hệ thống cảnh báo và vũ khí mới cho máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit. Đây là động thái nhằm đối phó với những tổ hợp phòng không tầm xa hiện đại như S-400, cũng như bảo đảm khả năng vận hành của dòng B-2 trong ít nhất 40 năm tới, Sputnik ngày 7/2 đưa tin.

Gói nâng cấp sẽ bao gồm tên lửa hành trình tầm xa mang đầu đạn hạt nhân (LRSO) và hệ thống quản lý phòng thủ (DMS). Mỹ hy vọng LRSO sẽ là một trong số ít vũ khí xuyên thủng được lớp phòng thủ công nghệ cao do Nga chế tạo, trong khi DMS sẽ cung cấp thông tin về vị trí các tổ hợp phòng không của đối phương.

"Với các gói nâng cấp, B-2 có thể thực hiện nhiệm vụ ở bất cứ nơi nào, sau đó trở về căn cứ an toàn, giúp các lực lượng đồng minh cơ động tự do trên chiến trường. Hệ thống DMS là rất cần thiết để duy trì tính răn đe của máy bay B-2", đại úy không quân Michael Hertzog cho biết.

Máy bay B-2 cất cánh làm nhiệm vụ huấn luyện từ căn cứ Whiteman. Ảnh:Không quân Mỹ.

Hiện đại hóa máy bay B-2 là nhiệm vụ thiết yếu với không quân Mỹ, khi dòng máy bay ném bom tầm xa thế hệ kế tiếp (LRS-B) chưa thể bay thử trong ít nhất 10 năm tới. Các chuyên gia hàng không cho rằng bộ 3 máy bay ném bom chiến lược của Mỹ hiện nay là B-52, B-1 và B-2 có thể hoạt động thêm nhiều năm nữa, miễn là được nâng cấp và đại tu thường xuyên.

Không quân Mỹ đã kéo dài thời gian biên chế của 20 chiếc oanh tạc cơ tàng hình B-2 đến năm 2058. Mỹ đang có 16 chiếc B-2 trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, 4 chiếc còn lại đang được bảo dưỡng.

Chuyên đề