Moody's: Châu Á mất cơ hội khi Mỹ rút khỏi TPP

Moody's Investors Service nhận xét Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) thất bại sẽ là mất mát với các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Malaysia và Việt Nam.
Việc Mỹ rút khỏi TPP sẽ ảnh hướng đến các nền kinh tế xuất khẩu tại châu Á. Ảnh:Reuters
Việc Mỹ rút khỏi TPP sẽ ảnh hướng đến các nền kinh tế xuất khẩu tại châu Á. Ảnh:Reuters

Tuy nhiên, trong báo cáo vừa công bố, họ cũng cho rằng ảnh hưởng của việc này lên xếp hạng tín nhiệm của hai quốc gia trên có thể không lớn như dự báo trước đó. Nguyên nhân là các khoản đầu tư đã được thực hiện từ trước, do kỳ vọng vào TPP, khó có thể bị rút lại, và sẽ thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng trong vài năm tới.

Moody’s trích nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) cho biết Việt Nam và Malaysia là các quốc gia được dự báo có tốc độ tăng trưởng cải thiện nhất trong 12 thành viên TPP.

Hai quốc gia này sẽ hưởng lợi từ việc mở cửa giao thương với Mỹ, và sẽ nhận được FDI dài hạn tương đối lớn. Nghiên cứu chỉ ra với TPP, quy mô nền kinh tế Việt Nam sẽ lớn hơn 8,1% năm 2030 so với năm 2015. Con số này của Malaysia là 7,6%.

"Nhìn chung, dựa trên nghiên cứu của PIIE, tăng trưởng dài hạn của Việt Nam và Malaysia có thể mất 0,75% nếu không có TPP", Moody’s cho biết, "Thêm vào đó, với những nước tăng trưởng đã nhanh rồi, đặc biệt là Việt Nam, đánh giá của chúng tôi về sức mạnh kinh tế sẽ không ảnh hưởng đáng kể. Tốc độ tăng trưởng sẽ chỉ giảm dần dần thôi".

Tổng thống Mỹ - Donald Trump tháng trước đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP. 12 nền kinh tế trong hiệp định này đóng góp 40% GDP toàn cầu. Theo các điều khoản đã thống nhất, sự vắng mặt của Mỹ sẽ khiến TPP khó tồn tại. Việc này sẽ tước đi cơ hội của các nước châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là những nước lẽ ra có thể mở rộng thị trường xuất khẩu đáng kể sang các nước lớn.

Dù vậy, các nước TPP cũng đang tìm kiếm phương án thay thế, trong đó có các thỏa thuận song phương và đa phương mới, như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). "Thắt chặt quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc có thể tạo lực đẩy lớn cho thương mại trong khu vực", Moody’s đánh giá.

Tuy nhiên, họ cũng lưu ý các hợp đồng thương mại mới có thể gây ra chồng lấn với các hiệp định cũ, như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Nhật Bản, hay Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Australia-New Zealand. Việc này có thể làm giảm lợi ích tăng thêm. 

Chuyên đề