'Kẻ đánh hơi hạt nhân' Mỹ bất ngờ xuất hiện ở châu Âu

Không quân Mỹ vừa đưa máy bay trinh sát hạt nhân WC-135C tới Anh, làm dấy lên những đồn đoán về một vụ thử bom nguyên tử.

Một chiếc WC-135C cất cánh từ Nhật Bản

Một máy bay WC-135C Constant Phoenix, còn có biệt danh là "Kẻ đánh hơi bom hạt nhân", mang số hiệu 62-3582 của không quân Mỹ cuối tuần trước bất ngờ xuất hiện tại căn cứ không quân tại Mildenhall, Anh, làm dấy lên nhiều đồn đoán, Aviationist ngày 19/2 đưa tin.

Việc WC-135C Mỹ xuất hiện tại châu Âu là điều rất hiếm gặp. Giới chuyên gia quân sự nhận định chiếc máy bay này được triển khai ở Anh để điều tra nguồn gốc lượng phóng xạ Iodine-131 cao bất ngờ tại khu vực Bắc Âu từ đầu tháng 1 tới nay.

Iodine-131 được tạo ra từ các nhà máy điện hạt nhân và có nhiều công dụng trong y học, nhưng nó cũng là một trong những đồng vị phóng xạ được tạo ra sau vụ nổ bom hạt nhân phân hạch. Điều này khiến nhiều người nghi ngờ việc Nga vừa thử bom nguyên tử, vi phạm Hiệp ước cấm thử hạt nhân (PTBT) có hiệu lực từ năm 1963 tới nay.

Tuy nhiên, một số người cho rằng đây có thể là hậu quả của một vụ rò rỉ lò phản ứng hạt nhân, có thể là từ vụ nổ gần nhà máy điện hạt nhân của Pháp hồi đầu tháng.

Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn giữ im lặng, chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào về việc "Kẻ đánh hơi bom hạt nhân" xuất hiện tại Anh.

Máy bay WC-135C được tẩy độc sau khi làm nhiệm vụ. Ảnh:Aviationist.

WC-135C được phát triển từ nền tảng máy bay vận tải Boeing C-135, có thể chở tối đa 33 thành viên phi hành đoàn và chuyên gia hạt nhân. Tuy nhiên, tổ bay thường được cắt giảm tới mức tối thiểu để giảm nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ.

Hai bên thân máy bay có khoang thu thập mẫu không khí, bộ lọc bên trong sẽ tách các phân tử phóng xạ để phân tích. Thiết bị trên WC-135C cho phép chuyên gia đo đạc dư lượng phóng xạ theo thời gian thực nhằm xác nhận sự xuất hiện của vụ nổ hạt nhân, cũng như thông tin cơ bản về đầu đạn.

WC-135C cũng có thể theo dõi các hoạt động phóng xạ trong không khí. Nó từng được sử dụng để theo dõi đám mây phóng xạ từ vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl năm 1986 và Fukushima năm 2011.

Chuyên đề