Hai công cụ gặm nhấm Biển Đông của Trung Quốc

Việc phối hợp hoạt động tàu cá và tàu hải cảnh có thể giúp Bắc Kinh âm thầm kiểm soát vùng tranh chấp với các nước láng giềng trên Biển Đông và Hoa Đông.
Các tàu cá Trung Quốc ở đảo Hải Nam. Ảnh:Xinhua
Các tàu cá Trung Quốc ở đảo Hải Nam. Ảnh:Xinhua

Ngày 6/8, Trung Quốc điều một lực lượng hùng hậu gồm 13 tàu hải cảnh, trong đó một số tàu được vũ trang, cùng khoảng 230 tàu cá tiến vào vùng biển tranh chấp quanh nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát trên biển Hoa Đông, làm dấy lên lo ngại về việc Bắc Kinh tăng cường sử dụng những công cụ này trong tranh chấp chủ quyền trên biển, theoDaily Beast.

Theo giới phân tích, việc Bắc Kinh chủ yếu dựa vào lực lượng tàu cá của ngư dân và tàu hải cảnh chứ không phải là tàu chiến của hải quân tiến vào các khu vực tranh chấp là một động thái đáng chú ý và có thể khiến các đối thủ của nước này có thể cảm thấy rất bất an.

Giáo sư Andrew Erickson ở Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ cho rằng dân quân biển - những tàu cá và ngư dân được chính phủ tài trợ, huấn luyện quân sự - đã trở thành lực lượng chủ lực trong chiến dịch bí mật nhằm mở rộng quyền kiểm soát, gặm nhấm Biển Đông và biển Hoa Đông của Trung Quốc.

"Những diễn biến mới nhất dường như sẽ tiềm ẩn nguy cơ làm leo thang căng thẳng đáng kể", Christopher Hughes, giáo sư chính trị quốc tế ở đại học Warwick, Anh, đánh giá.

Theo giáo sư Erickson, việc huy động lực lượng bán quân sự để thực hiện nhiệm vụ quân sự đem lại cho Bắc Kinh những lợi thế rõ ràng. Bằng việc triển khai lực lượng ngư dân do chính phủ kiểm soát, Bắc Kinh hy vọng sẽ đạt được mục đích củng cố yêu sách chủ quyền với vùng biển rộng lớn, nhiều cá và tài nguyên khoáng sản ở Tây Thái Bình Dương mà không gây ra nguy cơ đụng độ, xung đột quá lớn.

Nếu Trung Quốc điều các tàu chiến vũ trang hạng nặng đi vào vùng biển tranh chấp, các nước khác có thể phản ứng bằng cách điều tàu chiến của mình ra ngăn chặn, dẫn đến tình trạng đối đầu căng thẳng trên biển, thu hút sự chú ý của cả thế giới.

Tuy nhiên, với việc điều ngư dân và tàu hải cảnh hộ tống đi vào vùng yêu sách chủ quyền của nước khác, Trung Quốc có thể phủ nhận ý đồ thực sự của mình cũng như có cơ hội để "la làng" rằng đối phương sử dụng vũ lực quá mức hoặc quay sang tố nước khác tấn công ngư dân họ.

Dân quân biển đã được Trung Quốc triển khai ở các vùng biển tranh chấp với các nước láng giềng, thậm chí là cả những vùng biển không tranh chấp của Indonesia và Malaysia. "Mọi người đều thấy một mô hình chung ở các vùng biển này", Erickson viết trên Twitter.

Lộng hành

Lợi thế của việc triển khai tàu cá đi kèm tàu hải cảnh được thể hiện khá rõ trong sự cố diễn ra gần đây ngoài khơi quần đảo Natuna, khi tàu tuần tra Indonesia tìm cách bắt giữ tàu cá Trung Quốc đánh cá trái phép. Khi tàu Indonesia tìm cách lai dắt tàu cá Trung Quốc về cảng, bất ngờ tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện, gây áp lực, thậm chí đâm vào tàu cá để giải cứu. Tàu tuần tra Indonesia đã buộc phải rút lui sau hành động đó.

Tàu cá Trung Quốc dàn hàngđể đối phó tuần duyên Hàn Quốc trên biển Hoa Đông. Ảnh:AFP

Trên nhiều vùng biển khác, Trung Quốc đã nhanh chóng giành được lợi thế nhờ sự hiện diện đông đảo và lộng hành của lực lượng dân quân biển trong các khu vực tranh chấp.

Đội tàu cá này đã hỗ trợ rất đắc lực cho việc vận chuyển vật liệu, máy móc phục vụ cho dự án bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc trên các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Hồi tháng 10 năm ngoái, khi tàu khu trục Mỹ USS Lassen đang tuần tra tự do hàng hải gần đảo nhân tạo phi pháp do Trung Quốc bồi lấp, các tàu cá Trung Quốc đã liều lĩnh áp sát tàu chiến Mỹ, thậm chí chạy cắt mặt phía trước để cản đường, bất chấp nguy cơ xảy ra va chạm.

Trong một thông điệp gửi đến người dân sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" Bắc Kinh đơn phương vẽ ra trên Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn kêu gọi tiến hành "chiến tranh nhân dân trên biển" để bảo vệ cái gọi là "chủ quyền" của Trung Quốc.

Trước ý đồ gặm nhấm biển bằng công cụ hải cảnh và tàu cá của Trung Quốc, Nhật Bản đã thể hiện thái độ thận trọng và cảnh giác. Tokyo chỉtrao công hàm phản đối nhưng không điều tàu ra xua đuổi hạm đội tàu cá của Trung Quốc.

"Nếu Bắc Kinh muốn chiếm đảo mà không cần khơi mào một cuộc chiến, họ không cần sử dụng đến hạm đội tàu chiến, chỉ lực lượng dân quân biển là đủ để thực hiện điều này", bình luận viên David Axe của Daily Beast nhấn mạnh.

Chuyên đề