Giá dầu chốt tuần giảm mạnh nhất từ đầu năm

Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, nhưng có tuần giảm mạnh nhất từ đầu năm...
Ảnh minh họa - Nguồn: Getty/CNBC.
Ảnh minh họa - Nguồn: Getty/CNBC.

Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, nhưng có tuần giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay, do sức ép từ lượng tồn kho tăng cao và mối lo kinh tế toàn cầu giảm tốc.

Lúc đóng cửa tại thị trường London, giá dầu Brent giao sau tăng 0,93 USD/thùng, tương đương tăng 1,4%, đạt 67,69 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm hơn 4,5%.

Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao sau tăng 0,72 USD/thùng, tương đương tăng 1,2%, chốt ở 58,63 USD/thùng. Cả tuần, giá dầu WTI trượt hơn 6%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất từ đầu năm.

Thống kê của Chính phủ Mỹ cho thấy lượng dầu tồn kho của nước này đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2017, phản ánh nguồn cung dồi dào. Tồn kho dầu tại cảng Cushing thuộc bang Oklahoma - trung tâm giao hàng dầu lửa của Mỹ - đang ở mức cao nhất kể từ tháng 12/2017.

Bên cạnh đó, tồn kho dầu của Mỹ tăng còn do công suất hoạt động của các nhà máy lọc dầu ở nước này hiện đang thấp hơn so với mức trung bình hàng năm. Trong đó, lượng dầu thô đầu vào cho các nhà máy lọc dầu ở vùng Midwest đã giảm xuống mức thấp nhất của tháng 5 kể từ 2013.

Ngoài ra, thị trường còn lo ngại rằng xung đột thương mại Mỹ-Trung sẽ dai dẳng, gây suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, kéo theo nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Theo chuyên gia năng lượng Jim Ritterbusch, Chủ tịch Ritterbusch and Associates, ngưỡng hỗ trợ quan trọng tiếp theo của giá dầu WTI sẽ là mức 56 USD/thùng. Nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thêm bước leo thang mới, giá dầu WTI có thể sụt dưới mốc này và giảm sâu hơn, đặc biệt trong trường hợp thị trường chứng khoán bị bán tháo.

Mối lo về sức khỏe của nền kinh tế thế giới liên quan đến chiến tranh thương mại đã khiến thị trường tài chính toàn cầu sụt giảm tuần này. Trong đó, chỉ số MSCI All Country của chứng khoán thế giới giảm hơn 1%, đánh dấu tuần giảm thứ ba liên tiếp.

Sản lượng khai thác dầu liên tục tăng của Mỹ cũng đang là một nguồn áp lực giảm giá đối với năng lượng này. Từ năm ngoái, hoạt động khai thác dầu đá phiến tăng bùng nổ đã đưa Mỹ vượt Saudi Arabia và Nga trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (IEA), sản lượng dầu của Mỹ sẽ thiết lập cột mốc 13 triệu thùng/ngày vào quý 4 năm nay.

Tuy nhiên, giá dầu vẫn đang được hỗ trợ bởi việc hạn chế sản lượng khai thác dầu mà Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối tác gồm Nga thực hiện. Nhóm OPEC+ này đã hạn chế sản lượng từ tháng 1 năm nay và có khả năng sẽ gia hạn khi thỏa thuận kết thúc vào cuối tháng 6.

Sản lượng dầu của Iran và Venezuela, hai nước thành viên OPEC, sụt giảm sâu do lệnh trừng phạt của Mỹ, cũng là nhân tố hỗ trợ giá dầu từ đầu năm tới nay.

Chuyên đề